Bộ GTVT xin lùi tiến độ dự án thu phí tự động không dừng

Bộ GTVT vừa có báo cáo Chính phủ xin lùi tiến độ dự án thu phí tự động không dừng (ETC), do không kịp hoàn thành mốc 31/12/2019 theo lộ trình Thủ tướng giao trước đó.
Bộ trưởng GTVT đề xuất di dời trung tâm thương mại, nội đô chỉ để ở Bộ GTVT ủng hộ chủ trương lập Hãng hàng không Cánh Diều Bộ GTVT cân nhắc nâng mức bồi thường hành khách bị delay lên 170 triệu

Lý giải điều này, theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tiến độ dự án giai đoạn I hiện còn 4 tuyến cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chưa hoàn thành hệ thống ETC, nên không kịp tiến độ ngày 31/12/2019 đảm bảo tất cả các trạm thu phí BOT trong cả nước có làn ETC hoạt động.

Trong khi đó, tại các dự án BOT giao thông khác thuộc giai đoạn I đã lắp đặt hệ thống ETC vẫn gặp khó khăn về mức phí trả cho nhà đầu tư (Công ty TNHH Thu phí tự động VETC) theo hợp đồng; số lượng phương tiện dán thẻ thu phí không dừng (Etag) thấp (812.000/3 triệu xe); nhân lực hướng dẫn, phân lần xe hạn chế… Thực tế này dẫn tới VETC đề xuất dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc trả lại Bộ GTVT.

bo gtvt xin lui tien do du an thu phi tu dong khong dung
Hệ thống ETC bỏ cách thu phí 1 dừng như hiện nay.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc VETC cho biết, trong số những xe đã dán thẻ, tỷ lệ chủ xe đã nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng mới chỉ đạt khoảng 30%, một con số quá thấp so với kỳ vọng. Mặc dù VETC đã mở nhiều hình thức dán thẻ Etag ở các trung tâm đăng kiểm và tại 210 điểm dán thẻ trực tiếp trên toàn quốc, mỗi phương tiện dán thẻ chỉ 5 phút, nhưng nhiều phương tiện vẫn "phớt lờ"…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, dự án thu phí tự động không dừng là dự án đặc thù, có độ phức tạp về công nghệ, cũng như tính pháp lý, nhất là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam trên diện rộng, thời gian triển khai gấp. Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã và đang phối hợp chặt chẽ để triển khai, bước đầu đã tạo điều kiện cho người tham gia giao thông và cũng minh bạch cho quá trình thu phí. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án gặp phải nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, với dự án giai đoạn II, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đấu thầu và ký hợp đồng với nhà đầu tư từ tháng 5/2019 với liên danh do Viettel đứng dầu. Song, nhà đầu tư đến nay vẫn chưa thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định. Do vậy, dự án thu phí tự động giai đoạn II có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ.

Ngoài ra, với 19 trạm thu phí trên quốc lộ và 2 tuyến cao tốc do 14 địa phương quản lý đến nay mới có 6 địa phương tham giao vào dự án thu phí tự động do Bộ GTVT thực hiện. Còn 8 địa phương đang nghiên cứu để triển khai thực hiện...

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng gia hạn thực hiện tại các trạm thu phí tự động giai đoạn II và các trạm thu phí tại giai đoạn I thuộc các tuyến cao tốc do VEC quản lý sang năm 2020, do chậm tiến độ bởi các nguyên nhân khách quan; đồng thời, kiến nghị Thủ tướng sớm chấp nhận đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc cho phép Viettel được thành lập doanh nghiệp dự án, làm cơ sở triển khai dự án thu phí tự động giai đoạn II.

Trước đó, sau khi xem xét đề xuất của VETC, Bộ GTVT không đồng thuận giải pháp dừng triển khai dự án hoặc Nhà nước tiếp nhận lại dự án. Bộ GTVT yêu cầu VETC phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện Hợp đồng đã ký kết với Bộ GTVT. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với VETC và các cơ quan đơn vị có liên quan từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, để đưa dự án cán đích.

Dự án thu phí tự động giai đoạn I được Bộ GTVT ký hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – kinh doanh) với VETC, thực hiện lắp đặt và vận hành thu phí tự động tại 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (phải xong trong năm 2018) và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án.

Đến nay, mới lắp đặt vận hành 25 trong số 26 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác.

Dự án thu phí tự động giai đoạn II thực hiện ở 33 trạm thu phí gồm: 10 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 23 trạm trên các tuyến cao tốc, các quốc lộ khác. Doanh nghiệp trúng thầu là Liên danh do Viettel đứng đầu. Nhưng hiện chưa thành lập được doanh nghiệp dự án do vướng mắc quy định lập danh nghiệp của Viettel.

Nguồn: TTXVN
Phiên bản di động