Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nghiêm gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019
Trước những gian lận thi cử xảy ra trong năm 2018, Bộ GD&ĐT đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm chấn chỉnh công tác tuyển sinh THPT.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT, Bộ Công an gửi thông điệp một cách nghiêm khắc, mạnh mẽ tới phụ huynh, thí sinh chuẩn bị dự thi THPT Quốc gia 2019 và đặc biệt là cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi tới đây phải có tinh thần trách nhiệm cao.
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sau khi phát hiện dấu hiệu tiêu cực vào tháng 7/2018. Theo đó, có 210 bài trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu can thiệp được đưa đi giám định. Kết quả 140 bài thi của 56 thí sinh bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án.
Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định tổng số 64 thí sinh (trong đó có 63 thí sinh năm 2018 và 1 thí sinh năm 2017) được sửa điểm thi. Cụ thể, 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn thi. Bài thi Hóa học của 1 thí sinh được nâng 9,25 điểm. Đặc biệt, có thí sinh được nâng điểm 3 môn với tổng số 26,45.
Qua việc xử lý sai phạm ở Hòa Bình, ông Mai Văn Trinh cho hay, tất cả những sai phạm trong thi cử, bằng hình thức nào, có âm mưu tổ chức thế nào, chắc chắn sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm. Tới đây, chắc chắn việc gian lận ở Hà Giang và Sơn La sẽ sớm được làm sáng tỏ. Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã và đang phối hợp làm việc với tinh thần nghiêm túc, xử lý nghiêm đúng người, đúng việc, để ngăn chặn sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia nói riêng và các kỳ thi khác nói chung. Trường hợp được xác định có gian lận thi cử, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy chế.
Đối với kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ điều chỉnh một số yếu tố về kỹ thuật để nâng cao chất lượng kỳ thi. Trong đó, khâu tổ chức, dự thảo quy chế thi nêu rõ, sẽ dành một số điểm thi cho thí sinh tự do, thi cùng học sinh lớp 12 và thí sinh giáo dục thường xuyên, cùng trộn lẫn theo vần ABC và sắp xếp phòng thi theo sự hỗ trợ của máy tính.
Ở khâu in sao đề thi, năm 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường khâu bảo mật trong tổ chức in sao đề thi. Cụ thể, sẽ có đại điện của một lãnh đạo Sở GD&ĐT phụ trách điểm in sao đề. Khu vực này được cách ly, tổ chức thành 3 vòng độc lập. Đặc biệt, năm nay sẽ nhấn mạnh khâu lựa chọn nhân sự phụ trách.
Riêng việc niêm phong túi đựng bài thi, rút kinh nghiệm từ vụ việc ở Hòa Bình, dự thảo quy định cụ thể chi tiết hơn. Sẽ sử dụng một loại tem niêm phong đặc biệt, chung theo mẫu, dễ rách, có chữ ký của cán bộ coi thi thứ nhất, cán bộ coi thi thứ hai và của phó trưởng điểm thi.
Hàng loạt biện pháp kỹ thuật được đưa ra cùng với quyết tâm lựa chọn nhân sự phụ trách để chống gian lận tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Tuy nhiên, nhìn từ bài học ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang năm 2018, có thể thấy mọi giải pháp, mọi hàng rào kỹ thuật đều được tạo nên bởi con người thì cũng bị phá bởi con người. Vì vậy, các chuyên gia đề xuất cần xử nghiêm không chỉ những nhà giáo, cán bộ vi phạm quy chế thi mà cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu (bí thư, chủ tịch tỉnh; giám đốc sở GD&ĐT; hiệu trưởng trường ĐH…) để tuyển chọn nhân sự phù hợp. Có như vậy, mới hy vọng về một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và công bằng.