Bị đâm chiếc đũa vào hốc mắt, đũa 'nằm' luôn 4 năm mới phát hiện

Trong khi nhậu bị đâm đũa vào hốc mắt, người đàn ông không biết một phần cây đũa (dài 7 cm) đã xuyên sâu “cư ngụ” trong đó suốt 4 năm.
Hy hữu: Răng hàm mọc ở tinh hoàn cậu bé 13 tuổi Suýt mất mạng vì say rượu ngậm tăm xỉa răng đi ngủ

Theo anh L.T.L (40 tuổi, ngụ Bình Thuận), khoảng 4 năm trước, sau khi đi biển về thì có ngồi nhậu với bạn. Trong lúc nhậu thì xảy ra cãi vã và bị đâm lén vào hốc mắt phải nhưng không biết ai đâm, đâm bằng vật gì.

bi dam chiec dua vao hoc mat dua nam luon 4 nam moi phat hien
Đoạn chiếc đũa được lấy ra khỏi xoang sàng của bệnh nhân. Ảnh: Nguyên Mi

Sau đó, anh đến bệnh viện địa phương sơ cứu và may vết thương. Mãi đến cách đây hơn 1 năm, anh bị áp xe (nhiễm trùng), chảy mủ hốc mắt nên đã đi khám tại bệnh viện địa phương và được rạch áp xe, dẫn lưu mủ rồi cho về. Tuy nhiên, tình trạng này tái phát nhiều lần.

Gần đây, bệnh nhân hay chảy nước mắt, áp xe tái phát và mắt phải sưng to. Anh đã đến Bệnh viện Mắt TP.HCM để khám, điều trị, với chẩn đoán bị áp xe túi lệ.

Bệnh nhân được chụp CT Scan và kết quả, bác sĩ phát hiện có dị vật kéo dài từ xoang sàng tới mặt trước xoang bướm của bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM để điều trị.

Hôm qua (13.6), bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng Khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, đã phẫu thuật nội soi lấy dị vật cho bệnh nhân, đồng thời làm sạch vết thương.

Dị vật được lấy ra là một đoạn đầu chiếc đũa dài khoảng 7 cm.

“Bệnh nhân còn may mắn là dị vật không làm tổn thương dây thần kinh thị giác (có thể gây mù), động mạch cảnh (có thể bị chảy máu cấp) và chưa đâm sâu vào sàn sọ”, bác sĩ Hớn nhận định.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM: Trường hợp của bệnh nhân, chính anh cũng không biết mình bị đâm cây đũa vào nằm sâu phía trong hốc mắt nên không hề thông tin chi tiết đó với bác sĩ trong những lần đi khám. Khi khám lâm sàng thấy bên ngoài lành, có mủ thì bác sĩ dễ nghĩ bệnh nhân bị áp xe túi lệ. Nếu không để ý, không có kinh nghiệm, không chẩn đoán hình ảnh thì dễ bỏ quên dị vật và bệnh nhân sẽ bị tái phát viêm nhiễm.

“Dị vật nằm ở khu vực này rất nguy hiểm vì điểm cuối của đầu đũa nằm ngay giữa những cơ quan quan trọng ảnh hưởng đến tính mạng như: xoang sàng, thần kinh thị, động mạch cảnh, sàn sọ. Do vậy khi phẫu thuật, bác sĩ cũng phải rất cẩn thận, tỉ mỉ, tránh làm tổn thương bệnh nhân”, bác sĩ Thủy đánh giá.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe.

Theo Thanh Niên
Phiên bản di động