Bệnh viện Mắt Thái Nguyên: Đưa trang thiết bị y tế vào sử dụng sai quy trình?
Việc hàng loạt ca phẫu thuật thay thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên xảy ra biến chứng hậu phẫu, buộc phải chuyển viện gây ra nhiều rủi ro và thiệt hại về thể xác, tinh thần, tài chính cho bệnh nhân khiến dư luận đặt ra nhiều nghi ngờ đối với trình độ tay nghề khám chữa bệnh của các Bác sỹ cũng như chất lượng các trang thiết bị máy móc hỗ trợ quá trình khám, chữa, và điều trị bệnh tại đây.
Đi sâu tìm hiểu, PV ghi nhận hiện Bệnh viện Mắt Thái Nguyên đang sử dụng một máy siêu âm có tên là AB được dùng để siêu âm mắt ở giai đoạn đầu (khám, chuẩn đoán và tiên lượng mức độ nặng nhẹ trước khi đưa ra kết luận và chỉ định mổ hay không mổ đối với bệnh mắt đục thuỷ tinh thể) trong phương pháp mổ Phaco cho mắt bị đục thuỷ tinh thể và là bước quan trọng đầu tiên.
Tuy nhiên máy siêu âm AB được ban lãnh đạo Bệnh viện Mắt Thái Nguyên mượn của một doanh nghiệp chứ không phải máy của bệnh viện.
Theo luật quy đinh về mua sắm quản lý trang thiết bị y tế, thiết bị máy móc y tế sử dụng trong bệnh viện phải được căn cứ vào nhu cầu thực tế của bệnh viện để lên danh sách đề xuất mua, bổ sung. Sau đó trình lên Sở Y tế để sở có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh. Nếu UBND Tỉnh chấp thuận phê duyệt mua, bổ sung thì sẽ ra quyết định, bố trí ngân sách, tổ chức đấu thầu sau đó lựa chọn nhà thầu rồi mới được đưa vào sử dụng.
Để rộng đường dư luận và làm rõ những vấn đề nêu trên. PV Tuổi trẻ & Pháp luật đã liên hệ với ông Lê Nguyễn Văn Hữu - PGĐ phụ trách Bệnh viện Mắt Thái Nguyên.
Qua đó ông Hữu từ chối cung cấp thông tin vì đang chờ kết luận của cấp trên về vấn đề này.
“Tôi cũng chưa rõ Thanh tra sở sẽ làm việc như thế nào, tôi chỉ biết rằng lãnh đạo sở nói với tôi rằng sẽ phải làm rõ và yêu cầu tôi phải hợp tác. Còn tôi thì thực sự rất là vui vẻ hợp tác, nếu sau khi có kết luận, tôi sai ở đâu thì tôi chấp nhận, còn không thì cũng minh oan cho tôi...”
Biên bản mượn máy siêu âm của bệnh viện mắt Thái Nguyên
Trả lời với báo chí là như vậy, tuy nhiên chiều ngày 28/3 PV đã liên hệ lại qua điện thoại cho ông Đỗ Cảnh Dương (Phó Chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên) để xác minh rõ việc cho đến nay Sở Y Tế Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu làm rõ những thông tin Báo Tuổi trẻ & Pháp luật đã phản ánh về Bệnh viện Mắt Thái Nguyên chưa?
Và đây là câu trả lời của ông Phó Chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên: "Tôi chỉ làm ở bộ phận văn phòng thì cũng không nắm rõ, tuy nhiên qua các buổi giao ban lãnh đạo sở cũng chỉ đạo quyết liệt đối với thanh tra sở, các đồng chí ở bộ phận chức năng cũng đã làm việc với bệnh viện rồi, còn kết quả như thế nào thì tôi cũng chưa thể trả lời báo chí được. Bởi vì mảng này tôi không theo dõi. Cho đến nay sở cũng chưa nhận được một cái đơn thư nào của bệnh nhân về lĩnh vực này? Trong buổi giao ban sau tôi sẽ báo cáo lại việc này với lãnh đạo để làm việc trực tiếp với báo chí".
Dư luận đặt ra câu hỏi, với chức năng quản lý Nhà Nước, những chỉ đạo của sở Y tế Thái Nguyên có vẻ như chỉ dừng lại ở các cuộc giao ban? Các cơ quan chức năng, sở ban ngành liên quan của tỉnh Thái Nguyên, Thanh tra Bộ Y tế liệu có biết và đã vào cuộc điều tra làm rõ, trách nhiệm thuộc về ai và có phương án xử lý đối với những sai phạm (nếu có) hay chưa?
Trao đổi với PV về việc sử dụng trang thiết bị y tế trong bệnh viện, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết: Đối với việc đưa máy siêu âm đưa vào sử dụng khám chữa bệnh trong bệnh viện của lãnh đạo Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình, thủ tục đã đúng hay chưa. Bởi nếu không cẩn thận, dễ khiến bệnh nhân khi bị biến chứng hậu phẫu nghi ngờ, do chất lượng đo lường hình ảnh của máy siêu âm đó không tốt dẫn đến nhiều rủi ro khi phẫu thuật.