Bệnh cúm vào mùa, hơn 100 trẻ nhập viện Nhi Trung ương mỗi tuần

Từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 100-130 bệnh nhi bị cúm với mức độ nặng nhẹ khác nhau. 
Năm 2019, Hà Nội có 18 địa bàn nguy cơ cao về dịch bệnh cúm gia cầm

Tại bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, nhiều trẻ cũng phải nhập viện vì cúm mùa với triệu chứng ho, sốt cao đáp ứng với hạ sốt kém.

benh cum vao mua hon 100 tre nhap vien nhi trung uong moi tuan
Trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm. Ảnh: BV Nhi Trung ương

Các bác sĩ cho biết, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.

Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, BV Sản Nhi Vĩnh Phúc cho biết: Cúm thường xuất hiện đột ngột nhưng khác với cảm lạnh. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng như: Sốt hoặc cảm thấy ớn lạnh; Ho; Đau họng; Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; Đau cơ hoặc cơ thể; Nhức đầu; Mệt mỏi. Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù điều này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai bị cúm cũng sẽ sốt.

benh cum vao mua hon 100 tre nhap vien nhi trung uong moi tuan

Các biến chứng nặng của bệnh cúm mùa bao gồm: Viêm phổi, Khởi phát cơn hen, Vấn đề tim mạch, Nhiễm trùng tai. Trong đó, viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng nhất. Đối với người lớn tuổi và những người mắc bệnh mãn tính, viêm phổi có thể gây tử vong.Hầu hết những người bị cúm đều bị bệnh nhẹ và không cần chăm sóc y tế hoặc thuốc kháng virus. Nếu bạn bị bệnh với các triệu chứng cúm, trong hầu hết các trường hợp, bạn nên ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác ngoại trừ để được chăm sóc y tế. Trẻ em bị cúm nên giữ ở trong nhà ít nhất 24 giờ cho đến khi hết sốt để phòng ngừa cúm lây lan ra cộng đồng.

Phụ huynh cần đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay nếu trẻ bị cúm có một trong các biểu hiện: Thở nhanh hoặc khó thở, da xanh tái, sốt kèm bị phát ban, uống nước kém, lừ đừ hoặc co giật

CDC cũng khuyến nghị rằng bất cứ ai có triệu chứng cúm đã giảm bớt nhưng sau đó quay trở lại, đặc biệt là bị sốt và ho tăng lên cũng nên đến bệnh viện để thăm khám lại. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy một bệnh nhiễm trùng thứ cấp là bệnh viêm phổi.

Thông thường, người bị cúm sẽ không cần gì hơn là nghỉ ngơi tại giường, uống nhiều nước, uống hạ sốt khi cần để điều trị cúm. Nhưng nếu người bệnh bị nhiễm trùng nặng hoặc có nguy cơ biến chứng cao hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus, như oseltamivir (Tamiflu).

"Các nghiên cứu cho thấy nếu uống Tamiflu sớm trong vòng 48h khi có các triệu chứng của cúm có thể rút ngắn thời gian khỏi bệnh 1-2 ngày! Nếu không uống Tamiflu bạn vẫn có thể tự khỏi. Dùng kháng sinh sớm không giúp ích được gì nếu không có đồng nhiễm hay bội nhiễm vi khuẩn. Hãy hỏi bác sĩ của bạn trước khi sử dụng kháng sinh", bác sĩ Thảo cho biết.

D.Minh
Phiên bản di động