Bão Goni vào Biển Đông, giảm cấp trước khi đổ bộ Việt Nam

Vào rạng sáng nay, bão Goni đã vào biển Đông thành cơn bão số 10 trong năm. Bão được dự đoán sẽ giảm cấp và đang hướng về khu vực Nam Trung Bộ.
Chuyên gia khí tượng đánh giá cường độ bão Goni khi tác động đến Việt Nam

Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 04 giờ ngày 02/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Bão Goni vào Biển Đông, giảm cấp trước khi đổ bộ Việt Nam
Bão Goni vào Biển Đông

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 310km, cách Quảng Ngãi và Bình Định khoảng 240km, cách Phú Yên khoảng 260km . Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 05/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Liên quan đến cơn bão Goni, Thạc sĩ Trương Bá Kiên, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định: Bão số 10 (bão Goni khi vào Biển Đông) chỉ mạnh trước khi đổ bộ vào Philippines. Do hoàn lưu bão số 10 nhỏ nên ma sát với địa hình ở Philippines nên sẽ giảm cường độ.

"Khi vào Biển Đông bão Goni gặp điều kiện không thuận lợi như: nhiệt độ bề mặt nước biển (SST) lạnh, không khí khô, hoàn lưu nhỏ cùng với tương tác với bão Atsani phía ngoài nên không có khả năng tái cấu trúc lại hoàn lưu tốt như bão số 9. Bão Goni đổi hướng nhiều lần và di chuyển chậm hơn bão số 9 nên khi cập bờ khả năng chỉ có cường độ cấp 8-9, thậm chí suy yếu thành áp thấp nhiệt đới", ông Kiên nhận định.

D.Minh
Phiên bản di động