Bản tin 115: Cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm

Đó là điều người tiêu dùng cần làm ngay khi hàng loạt vụ việc trong tuần qua liên quan đến thực phẩm không an toàn được ngành chức năng cảnh báo. Bên cạnh đó, thông tin về dịch tả lợn vẫn thu hút sự quan tâm của người dân...
ban tin 115 can trong khi su dung thuc pham
  • Thu hồi sản phẩm phô mai nhập khẩu từ Pháp do nhiễm khuẩn E.Coli

Tuần qua, dựa trên thông báo của cơ quan quản lý của Pháp yêu cầu thu hồi các sản phẩm từ phô mai valencay, Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan kiểm tra Nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Công Thương chỉ định thông báo tới cá nhân/doanh nghiệp thu hồi sản phẩm phô mai có tên thương mại là HARDY AFFINEUR, số lô nhập khẩu từ 10-13 đến 10-33, nhập khẩu từ Pháp trong trường hợp cá nhân/doanh nghiệp nhập khẩu đăng ký kiểm tra nhà nước tại cơ quan.

Thời hạn sử dụng của sản phẩm là tốt nhất trước ngày 1/3 đến 26/3-2019. Tên sản phẩm bị thu hồi nhập khẩu về Việt Nam là VALENCAY AOC AFFINE HARDY.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với từng lô hàng sản phẩm phô mai nhập khẩu từ Pháp với tên thương mại là HARDY AFFINEUR (hoặc tên nhập khẩu về Việt Nam là VALENCAY AOC AFFINE HARDY) kể từ ngày theo thông báo tại công văn số 1609/BCT-KHCN ngày 12/ 3/2019 đến khi có thông báo ngừng của Bộ Công Thương.

Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động kiểm tra hàng hóa trên thị trường nếu phát hiện ra sản phẩm nêu trên được lưu thông trên thị trường thì kịp thời thu hồi, xử lý theo quy định.

Khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng sản phẩm có tên nêu trên và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.

  • Trên 120 trẻ mầm non ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn khi ăn “thịt bẩn” ở trường

Sau khi phát hiện nhà trường (Trường Mầm non Thanh Khương) sử dụng thịt lợn nghi nhiễm sán, thịt gà đông lạnh nghi không đảm bảo an toàn, nhiều phụ huynh đã đưa con tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương ở Hà Nội khám, xét nghiệm sán lợn.

Đến hôm nay (17/3), đã có 124 ca dương tính với sán lợn tại huyện Thuận Thành. Đây chưa phải là con số cuối cùng do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn còn hơn 500 bé chưa có kết quả xét nghiệm.

Sau gần chục ngày tạm dừng việc ăn bán trú tại Trường mầm non Thanh Khương, từ hôm qua trường đã tổ chức nấu ăn trở lại cho trẻ. Gần 90% trẻ trở lại trường học và khoảng 80% trẻ đăng ký ăn bán trú trở lại.

Đơn vị cung cấp thực phẩm cũ là Công ty TNHH Hương Thành bị cắt hợp đồng và nhà trường đã tìm đơn vị cung cấp thực phẩm mới.

Chính quyền xã đã tạm đình chỉ công tác đối với bà Cao Thị Hòe, Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương để phục vụ công tác điều tra.

Giám đốc Sở y tế Bắc Ninh, bà Tô Mai Hoa sáng 17/3 cho biết tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức xét nghiệm và hỗ trợ chi phí xét nghiệm sán lợn miễn phí cho học sinh 19 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành.

Ngành y tế Bắc Ninh sẽ xét nghiệm sán lợn tại chỗ cho các trẻ ở một số trường mầm non nghi nhiễm sán (các trường có thực phẩm do công ty Hương Thành cung cấp). Sau đó toàn bộ mẫu máu này sẽ được đưa ra viện đầu ngành để làm xét nghiệm.

Với thông tin này, phụ huynh Bắc Ninh sẽ không phải vất vả đưa con ra Hà Nội để xét nghiệm sán lợn.

Trước đó, chiều 16/3, tỉnh ủy Bắc Ninh đã có cuộc họp liên quan vấn đề trên. Theo đó, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh khẳng định sẽ làm rõ vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho phụ huynh và học sinh.

  • Gần 30 học sinh tiểu học ở Phú Bình (Thái Nguyên) cấp cứu sau khi uống sữa Fami Vinasoy

Khi đến viện cấp cứu, các cháu đều có tình trạng ban đầu buồn nôn, đau bụng, đau đầu dữ dội, qua công tác khám xét nghiệm và chuẩn đoán thì cho thấy đây là hiện tượng bị ngộ độc. Các cháu đều là học sinh của Trường Tiểu học Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Được biết, cả huyện Phú Bình có 15 trường đồng loạt uống loại sữa Fami Vinasoy này theo chương trình nâng cao thể chất của học sinh.

Những hộp sữa mẫu mà phụ huynh đem vào đây đã được các phòng y tế của huyện Phú Bình đem đi xét nghiệm.

Hiện nhiều học sinh đã xuất viện, một số cháu bị nặng nên phải cấp cứu và điều trị khá lâu mới tạm bình phục, các bác sĩ và điều dưỡng phải theo dõi sát sao những trường hợp này.

  • Hiện dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra 17 tỉnh, thành

Theo Cục Thú y, tính đến 9 giờ sáng ngày 14/3, dịch bệnh đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An), với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.

Các địa phương đã và đang quyết liệt thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT cùng các hộ chăn nuôi triển khai các biện pháp đồng bộ ngăn chặn dịch bệnh này lây lan.

Trong 2 ngày qua, tốc độ lây lan của DTLCP có xu hướng chậm lại.

Người dân quận Hoàng Mai rắc vôi bột phòng dịch

Người dân quận Hoàng Mai rắc vôi bột phòng dịch

“Hiện nay chưa có vắc xin phòng dịch, nên biện pháp ưu tiên nhất đó là tiêu độc khử trùng, phải làm từ các hộ nuôi trở ra. Rắc vôi bột là biện pháp hiệu quả, các địa phương cần tích cực phổ biến người dân gia tăng biện pháp này" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của cơ quan chức năng Trung Quốc, có 3 nguyên nhân chính làm bệnh DTLCP lây lan, bao gồm: 46% do phương tiện vận chuyển và con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa; 19% do vận chuyển lợn sống và chế phẩm từ lợn giữa các vùng.

* Hà Tĩnh: Bệnh nhân mổ ruột thừa lại bị thắt vòi trứng

Đó là trường hợp của chị Trần Thị H (31 tuổi ở Hà Tĩnh). Sau khi mổ cắt ruột thừa, chị Hóa vẫn bị trướng bụng, máu ra nhiều và khó thở nên bệnh viện phải phẫu thuật lại lần hai,.

Theo người nhà bệnh nhân, sau hai lần phẫu thuật, bụng chị Hóa vẫn trướng to, máu vẫn chảy nhiều, khó thở. Lo sợ ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân nên người nhà chị Hóa đã gặp bác sĩ Võ Tất Thắng xin làm thủ tục chuyển chị Hóa lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán chị H bị nhiễm trùng, viêm phúc mạc sau mổ nên đã tiến hành cầm máu, xử lý vết thương, lau sạch ổ bụng… Quá trình kiểm tra phát hiện ruột thừa và vòi trứng bên phải đã được cắt.

Hiện sức khỏe chị H đã ổn định. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, Lê Ngọc Châu cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh của bệnh nhân về việc bị thắt vòi trứng sau khi mổ ruột thừa tại Bệnh viện đa khoa Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện đa khoa Hồng Lĩnh, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh và các phòng chuyên môn báo cáo, kiểm tra lại toàn bộ quy trình mổ cho bệnh nhân và sớm đưa ra kết luận cuối cùng.

HOÀI AN (t/h)
Phiên bản di động