Bài 2: Mỏ đá ở Hòa Bình “không hoạt động” nhưng vẫn đều đặn xuất hàng
Hòa Bình: Mỏ đá “3 không” hành dân |
Mỏ đá đang vận hành thử nghiệm
Ngày 16/8, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô có buổi làm việc với Phòng Khoáng sản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình liên quan đến thông tin mỏ đá núi Tran (xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc) hoạt động khi chưa đủ các thủ tục pháp lý, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực lân cận.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình không phát hiện hoạt động khai thác tại mỏ đá núi Tran (Toàn Sơn, Đà Bắc)??? |
Ông Phạm Hữu Huy (Phó trưởng Phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình) cho hay, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo Tuổi trẻ Thủ đô, ngày 3/8, đoàn công tác gồm đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Đà Bắc đã tiến hành kiểm tra đối với mỏ đá nói trên. Vị đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình xác nhận mỏ đá núi Tran chưa đủ điều kiện vận hành khai thác do phải thực hiện thủ tục về đất đai, môi trường.
Đồng thời, ông Huy thông tin thêm rằng từ thời điểm được cấp phép (năm 2018), mỏ đá núi Tran vẫn đang trong quá trình xây dựng các công trình bảo vệ môi trường và đang vận hành thử nghiệm. Ông Huy cũng lý giải về sự tồn tại của đống đá khổng lồ trong diện tích mỏ (như phản ánh của phóng viên) chỉ là sản phẩm thu gom từ đá phế thải do quá trình nổ mìn trước đây lưu lại. “Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác không có hiện tượng khai thác” – ông Huy cho hay.
Bán hàng một nơi, xuất hóa đơn một nẻo
Thực tế tại mỏ đá núi Tran dường như diễn ra theo một phiên bản khác so với sự kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình.
Trong vai chủ doanh nghiệp có nhu cầu mua vật liệu san lấp, đá xây dựng để thi công tại thành phố Hòa Bình, phóng viên đã liên hệ và gặp ông T (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Tiến Minh). Ông T cho hay, bản thân ông là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn (đơn vị được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép khai thác và chế biến khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ đá núi Tran), vì thế, ông được “toàn quyền” tại mỏ đá núi Tran.
Ông T (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Tiến Minh) |
“Đá 46 hiện nay hơi cao, anh lấy em 130 nghìn/m3, muốn lấy mấy nghìn m3 cũng có. Nếu em cần bây “bẩn” hay đất san lấp, anh đều lo được” - ông T tự tin cho biết - “Vì mỏ núi Tran thực tế được cấp phép là mỏ đá, nhưng bọn anh vẫn khai thác được khối lượng đất để bán cho ai có nhu cầu. Thậm chí, trong trường hợp em không có xe để vận chuyển, anh cũng bố trí cho em - giá tiền tăng thêm tùy vào thị trường em nhé”.
Phóng viên thắc mắc với ông T rằng mỏ đá núi Tran chưa được cho phép hoạt động, vì thế, sẽ không xuất được hóa đơn giá trị gia tăng để thanh, quyết toán công trình. Ông này trấn an: “Ngoài mỏ núi Tran, anh còn mỏ bên huyện Cao Phong. Mình sẽ viết hóa đơn ở mỏ bên ấy - muốn viết bao nhiêu cũng được”.
Trao đổi với kế toán của Công ty Tiến Minh |
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông T chỉ đạo kế toán gửi cho phóng viên bản hợp đồng mua bán đá làm vật liệu xây dựng tại huyện Cao Phong. Theo lời vị kế toán, văn phòng Công ty Tiến Minh đặt tại huyện Cao Phong nên hóa đơn mua đá tại mỏ núi Tran viết theo địa chỉ của công ty.
Nhận định về sự việc này, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Những hoạt động của Công ty Tiến Minh tại mỏ đá núi Tran có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về Luật khoáng sản, bên cạnh đó, cũng gây thất thu nguồn tiền thuế của Nhà nước.
Cơ quan chức năng cần lập tức có biện pháp kiểm tra, xử lý khi báo chí đưa ra căn cứ chứng minh vi phạm tại mỏ đá này. Trong trường hợp xác định được vi phạm, cần xử lý nghiêm. Nếu các đối tượng có hành vi trốn nghĩa vụ nộp thuế, phí, cần có biện pháp truy thu và xử lý.