Bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ cảnh báo việc lây nhiễm HIV từ spa
Siết hoạt động của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và xoa bóp Nam Từ Liêm: Eri Spa làm đẹp bằng phương pháp PRP sai phép? |
Thời gian qua, Tuổi trẻ & Pháp luật đã có loạt bài phản ánh về tình trạng các spa, thẩm mỹ trên địa bàn quận Nam Từ Liêm ngang nhiên tư vấn, quảng cáo nhiều dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ khi chưa được cấp phép. Sự việc mặc dù được nêu ra nhưng mọi động thái của cơ quan chức năng vẫn chỉ trên giấy. Bởi thực tế theo ghi nhận của PV các cơ sở làm đẹp này vẫn hoạt động bình thường. Mặc dù vậy rất may là chưa có phản ánh nào liên quan đến việc đi spa, thẩm mỹ các spa, thẩm mỹ viện trên địa bàn này để xảy ra nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B hay bệnh xã hội khác. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn sẽ rất cao, nếu cách quản lý cơ sở làm đẹp lỏng lẻo như hiện nay.
Đến spa chui để làm đẹp "thượng đế" có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh xã hội (ảnh: một ca cắt mí tại cơ sở không được cấp phép trên địa bàn quận Nam Từ Liêm) |
Mới đây mạng xã hội xôn xao trước lời cảnh báo của bác sĩ tại Bệnh viện Đa Khoa Bảo Sơn. Khi gặp phải một trường hợp khiến chính các bác sĩ phải hoang mang.
Cụ thể, trên fanpage Thẩm Mỹ Dr. Thanh Phương viết:
''Ca tư vấn và nhận mổ cuối ngày nhưng thực sự rất đáng tiếc!
Trước hết mình khẳng định mình là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được đào tạo chính thống Đại học và Sau đại học của Đại học Y Hà Nội, làm duy nhất tại 1 cơ sở bệnh viện uy tín ngoài Hà Nội và 1 cơ sở ngoài giờ trong Sài Gòn.
Mình không phải bác sĩ đi mổ spa, kiếm tiền dạo! Ngày nào có ca trên viện thì mình mổ, không có mình ngồi cafe. Còn các bạn "spa áo trắng" các bạn là ai?
Ca này đến khám vì sụp mi bẩm sinh đã mổ cắt mí hỏng tại spa, mắt lõm sâu lồi nhãn cầu. Đường sẹo mổ còn mới. Mình khám và nhận sửa được, nhưng đúng qui trình cho đi xét nghiệm và làm hồ sơ.
Khi nhận kết quả dương tính thì bác sĩ lại buồn hơn cả bệnh nhân, còn bệnh nhân vâng như đã biết rồi...
Chỉ nghĩ đến cảnh các đồ mổ xử lý vô khuẩn không tốt tại spa, vài kim tiêm chích máu rồi lại cùng chọc vào ống tê tiếp, đồ mổ "đun sôi bằng nồi lẩu" dùng đi dùng lại cho các ca mổ, chất liệu chỉ khâu thừa dùng chung cho tất cả các ca không phân biệt ai với ai..., thì thực trạng sẽ ra sao.
Ai lây cho ai?
Nên, các bạn ơi, cảnh tỉnh đi! Bệnh viện có lâu, có mệt vì các quy trình và phải chờ đợi, thì đó là vì chính các bạn! Không tự nhiên Sở y tế dễ dàng xét duyệt, kiểm tra thâm niên chuyên môn để cấp phép hành nghề cho 1 bác sĩ chính quy đâu.
Sự nguy hại đến từ chính sự thiếu hiểu biết của các bạn. Chúng ta là một cơ thể người có xương có thịt, có máu, có sự riêng biệt và hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm.
Câu chuyện không biết sẽ đi đến đâu. Mong các bạn chia sẻ cho người thân và gia đình tỉnh táo lựa chọn''.
Đính kèm bài đăng của nữ bác sĩ là tờ giấy xét nghiệm của nữ bệnh nhân kia với kết quả test dương tính với HIV và yêu cầu xét nghiệm lại thêm bằng 3 phương pháp khác để chẩn đoán chính xác tình hình bệnh.
Dưới bài viết là hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ của cư dân mạng. Rất nhiều người đã tỏ ra hoang mang, lo lắng, bởi có lẽ bản thân mình cũng từng là người... đã làm đẹp nhưng chủ quan.
Trao đổi với PV Tuổi trẻ & Pháp Luật – Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương người trực tiếp khám và chỉ định nữ bệnh nhân đi xét nghiệm cho biết:
“Đây là một bệnh nhân nữ sinh năm 1988 sống tại Hà Nội, có làm cắt mí tại spa, trên nền là bệnh nhân có tiền sử bẩm sinh là sụp mi và lõm mắt bệnh lý, do không hiểu biết nên bệnh nhân này đến spa và chỉ được cắt mỗi nếp da mí. Thực tế với phương pháp ở spa đã làm cho bạn ấy không những không kéo được mí, không tạo được nếp mí mà lại tạo thành sẹo lồi ở mí mắt. Khoảng 2 đến 3 tháng sau phẫu thuật thì bạn ấy đi khám ở bệnh viện chuyên khoa mắt. Đồng nghiệp của tôi ở đó không sửa được mới giới thiệu sang bên bệnh viện chúng tôi. Ngày 11/4 bệnh nhân này đến thăm khám tại bệnh viện chỗ tôi, không hề khai tiền sử bệnh của mình. Vì vậy theo nguyên tắc tôi phải cho đi xét nghiệm trước khi tiến hành phẫu thuật để đảm bảo an toàn cho bác sĩ và bệnh nhân.”
Hoang mang với trường hợp bệnh nhân nói trên bác sĩ Phương cho biết thêm:
“Khi được báo kết quả dương tính với HIV thì bệnh nhân này không có dấu hiệu gì thể hiện bất ngờ về tình trạng bệnh. Bởi vậy tôi nghĩ bệnh nhân đã biết trước tình trạng sức khỏe của mình. Về mặt nguyên tắc bác sĩ không được chối bỏ bệnh nhân. Nhưng đối với những bệnh nhân HIV hệ miễn dịch bị suy giảm, sức đề kháng kém thì không nên can thiệp vào một phẫu thuật nào trừ trường hợp cấp cứu, đó là tốt cho bệnh nhân. Họ cần điều trị ức chế virus và tăng sức đề kháng hơn là mổ thẩm mỹ” – Bác sĩ Phương cho biết.
Vài năm trở lại đây những kiểu làm đẹp được các cô gái châu Á ưa thích nhất bao gồm: Cắt mí mắt, nâng mũi và tắm trắng. Hòa theo xu hướng, các thẩm mỹ viện mọc ra như nấm với nhiều loại hình đa dạng và giá cả thì vô cùng phong phú. Thậm chí, các cơ sở cắt tóc gội đầu cũng làm thêm dịch vụ cắt mí, nâng mũi, tiêm fille, phun xăm thẩm mỹ... Với nhiều đợt giảm giá, khuyến mại, những dịch vụ làm đẹp kiểu này thu hút rất đông khách hàng với đủ thành phần đến làm đẹp.
Cũng theo bác sĩ Phương, một bộ dụng cụ mổ khá đắt. Sau mỗi ca mổ, các dụng cụ này được đưa đi sát khuẩn, vô trùng theo quy trình rất nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Toàn bộ hệ thống máy móc để hấp rửa và sấy khô dụng cụ được kiểm soát chặt chẽ.
Đầu tiên dụng cụ được ngâm dung dịch tiền khử khuẩn. Sau đó, dụng cụ được rửa bằng tay. Công đoạn khử khuẩn hoàn thiện, dụng cụ được đưa máy hấp ướt, sấy khô, đóng vào hộp inox. Cuối cùng các hộp dụng cụ đưa vào phòng kín, có chiếu tia cực tím, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ không khí. Mỗi bộ dụng cụ sau khi chiếu tia cực tím phải đợi 2 tiếng sau mới được dùng, vì trong khoảng thời gian này trên dụng cụ vẫn lưu lại tia cực tím, không tốt cho bệnh nhân.
Liên quan đến sự việc nêu trên, Nghiên cứu sinh - Giảng viên khoa Điều dưỡng Trường Đại học Phenikaa Hoàng thị Xuân Hương chỉ ra nguy cơ có thể lây nhiễm HIV từ các spa, thẩm mỹ không phép. Bởi ở các cơ sở này, đội ngũ nhân viên hầu như không được đào tạo đúng về quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, để hút khách, các spa sẵn sàng dùng lại dụng cụ y tế hoặc bỏ qua các bước diệt khuẩn nhằm giảm chi phí.
“Bất kỳ thủ thuật nào cũng đều có nguy cơ lây nhiễm nếu như các dụng cụ y khoa không được xử lý đúng cách. Thông thường các dụng cụ trong thẩm mỹ được chia làm 2 nhóm: Nhóm dụng cụ dùng một lần; nhóm dụng cụ có thể tái sử dụng. Nếu như những người được đào tạo về y khoa thì họ sẽ biết các dụng cụ như kim khâu, dao mổ chỉ được dùng một lần.
Ở các spa người ta có thể không được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn thì việc sử dụng lại các dụng cụ là không tránh khỏi. Hơn nữa, vì lợi nhuận, họ sẵn sàng tận dụng những dụng cụ trong y khoa có giá thành cao ví dụ như kim chỉ khâu dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ là loại đắt nhất so với các loại phẫu thuật khác. Giá kim chỉ phụ thuộc vào kích thước sợi chỉ. Đây là dụng cụ được tiệt khuẩn chỉ sử dụng được một lần. Vì vậy không thể tránh được việc các spa sử dụng lại sợi chỉ thừa của bệnh nhân trước để giảm thiểu chi phí. Họ nghĩ dùng cồn hoặc đun sôi có thể diệt khuẩn. Tuy nhiên, cách làm này chỉ diệt được các vi khuẩn thông thường.
Kể sơ như vậy đủ thấy nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu là không thể tránh khỏi. Ở Việt Nam tỷ lệ nhiễm HIV không cao bằng tỉ lệ nhiễm viêm gan B vì virus viêm gan B dễ lây nhiễm hơn.”
Cũng theo Nghiên cứu sinh Hoàng Thị Xuân Hương nếu trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật cho những người có virus HIV hay viêm gan B thì phải tuân thủ quy trình khử khuẩn nghiêm ngặt hơn.
“Theo quan điểm của tôi thì khi tiếp nhận bệnh nhân nếu kiểm soát nhiễm khuẩn tốt thì dù bệnh nhân có nhiễm HIV cũng không thể nào lây nhiễm được. Tôi chỉ ví dụ như sau: Tại các bệnh viện lớn, tất cả các bệnh nhân có HIV và viêm gan B sẽ có quy trình khử khuẩn cả phòng mổ và sử lý dụng cụ y tế nghiêm ngặt. Nhưng ở các spa thì rất ít nơi tư vấn cho bệnh nhân đi xét nghiệm máu mà có khi chỉ dựa vào lời khai của khách hàng về các bệnh lý về nội tiết thôi. Tôi có thể khẳng định luôn, hiện nay các spa chui tại Hà Nội, chắc chắn không một nhân viên nào được đào tạo về về kiểm soát nhiễm khuẩn và khả năng sử lý dụng cụ là không có. Nếu spa nào có tâm thì các dụng cụ sẽ được dung một lần.
Khi khâu vết thương ngoài kim người ta phải sử dụng đến kìm kẹp kim, panh kéo là những dụng cụ được sử dụng nhiều lần, nhưng trong quá trình phẫu thuật sẽ dính dịch cơ thể. Bởi vậy sau khi sử dụng xong phải hấp sấy, diệt khuẩn theo đúng quy trình chứ không phải như các spa chui nghĩ đơn giản là luộc hoặc nhúng cồn là có thể vô trùng hoàn toàn.”
Khuyến cáo người dân cẩn thận khi sử dụng các dịch vụ làm đẹp, Nghiên cứu sinh Hoàng Thị Xuân Hương khuyên chị em nên tìm đến các cơ sở uy tín có đội ngũ nhân viên được đào tạo về y khoa một cách bài bản để đảm bảo sức khỏe cho mình và cho cộng đồng.