Bác sĩ mách bạn: Phòng bệnh hô hấp lúc giao mùa cho trẻ

Khi miền Bắc bắt đầu những ngày giao mùa với tiết trời lạnh, tỉ lệ các em bé nhỏ hơn 3 tháng phải nhập viện vì viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản gia tăng đáng kể. Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Hữu Thảo đã đưa ra những lời khuyên giúp bố mẹ phòng bệnh hô hấp lúc giao mùa cho con.
Bác sĩ mách bạn: Con khóc lặng và thiếu máu, thiếu sắt Bác sĩ mách bạn: 12 bí kíp cho con uống thuốc dễ dàng hơn Bác sĩ mách bạn: Dự phòng và điều trị viêm da tã lót Bác sĩ mách bạn: Cách xử trí khi bị táo bón

Khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh, trẻ thường hay ho, sốt, sổ mũi... và có thể chuyển thành viêm phế quản, viêm phổi...

Nguyên nhân trẻ hay mắc bệnh hô hấp lúc giao mùa vì lúc này đường hô hấp ở trẻ chưa phát triển đầy đủ, đường thở nhỏ, ngắn dễ bị tắc nghẹt và dễ bị virus, vi khuẩn xâm nhập.

Bác sĩ mách bạn: Phòng bệnh hô hấp lúc giao mùa cho trẻ
Ảnh minh họa

Hơn nữa, hệ miễn dịch của trẻ cũng chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ mạnh để chống chọi lại các yếu tố thay đổi của môi trường như nhiệt độ lạnh đột ngột, không khí quá ẩm, quá khô hay sự mạnh lên của vi trùng gây bệnh thời điểm giao mùa.

BS Nguyễn Hữu Thảo cho biết: Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 3 tháng nếu bị viêm hô hấp trên (cảm thường) rất dễ biến chứng thành viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi. Mà đã biến chứng thì chỉ có nước nhập viện, không điều trị ở nhà được vì trẻ có nguy cơ nặng lên rất nhanh. Bởi vậy, trong ba tháng đầu hãy giữ gìn bé cẩn thận, bởi nếu đã bị viêm tiểu phế quản hay viêm phổi thì chỉ có cách duy nhất nhập viện.

BS Thảo cho biết, phần lớn các bé bị lây nhiễm từ môi trường xung quanh sang. Vì vậy cha mẹ cần chú ý:

Thường xuyên rửa tay người chăm sóc bằng xà bông. Bàn tay chính là nguồn truyền bệnh trực tiếp sang bé, da bé rất non nớt, rất dễ bị nhiễm virus hay vi khuẩn từ bàn tay người chăm sóc.

Không thơm môi, thơm miệng bé. Rất nhiều gia đình, vì thói quen hay bế bé rồi thơm hôn bé, đó là đang tăng nguy cơ truyền bệnh sang cho em bé. Nhà nào càng lắm người đến chơi, bế bé, càng tăng nguy cơ bị lây nhiễm.

Tránh những người bị cúm, bị ho hay sốt.

Tránh khói thuốc lá, thuốc lào (cái này đã viết riêng 1 bài rồi)

Giữ phòng ở được thông thoáng, sạch sẽ, đừng suốt ngày cửa đóng then cài.

Tiêm phòng đầy đủ.

Bên cạnh đó, cần theo dõi con bị ho cẩn thân để kịp thời đưa con vào viện khám.

Bác sĩ khuyên các mẹ có bé sơ sinh hoặc nhỏ hơn 3 tháng, nếu bé bị ho hoặc sốt từ 38 độ trở lên thì cần đi khám ngay. Nhiều bé chỉ ho túc tắc vài tiếng nhưng 1-2 hôm sau đã biến chứng viêm phổi rồi. Tuyệt đối không tự cho bé uống thuốc gì, kể cả siro ho nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, khi con ho, cha mẹ có thể theo dõi bằng việc đếm nhịp thở. Mỗi 1 lần hít vào và thở ra gọi là 1 nhịp thở, đếm trong vòng 60 giây. Đếm nhịp thở 2 lần/ ngày khi bé nằm yên hoặc khi ngủ, không đếm khi bú, không đếm khi khóc để biết bé thở nhanh không. Nếu ho cùng với thở nhanh hoặc sốt thì có thể bé đã viêm phổi, lập tức phải đưa bé nhập viện.

Cha mẹ nhận biết trẻ thở nhanh bằng cách đếm nhịp thở.

+ Thở từ 60 lần/ phút trở lên với trẻ nhỏ hơn 2 tháng.

+ Thở từ 50 lần/ phút trở lên với trẻ từ 2-3 tháng.

Ngoài ra các dấu hiệu nặng hơn khác cần cho bé đi viện ngay gồm:

- Trẻ lừ đừ, khó đánh thức

- Bỏ bú hoặc bú kém

- Tiếng thở rít bất thường

- Lõm mạnh 2 bên ngực để thở

D.Minh (t/h)
Phiên bản di động