“Ba sẵn sàng” - phong trào cách mạng rộng lớn trong thanh niên Thủ đô thời chống Mỹ

TTTĐ - Suốt thời gian qua, ông Phạm Lợi, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư Thành đoàn Hà Nội khóa V luôn dành sự quan tâm cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên Thủ đô.
Cháy mãi ngọn lửa “Ba sẵn sàng” Tự hào Ba sẵn sàng... Sức trẻ thanh niên Hà Nội

Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn, ông Phạm Lợi đã có nhiều gợi ý cho công tác Đoàn Thủ đô qua bài viết “Ba sẵn sàng” - phong trào cách mạng rộng lớn trong thanh niên Thủ đô thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của guyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư Thành đoàn Hà Nội khóa V.

Đầu tháng 8 năm 1964, sau khi gây ra sự kiện “Vịnh Bắc bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc, xâm phạm chủ quyền một quốc gia độc lập.

Ông Phạm Lợi
Ông Phạm Lợi

Cả nước căm phẫn trước tội ác chiến tranh của Mỹ. Lúc này trong nhiều nhà máy, công trường, trường học đã dấy lên phong trào trào tình nguyện đi chiến đấu.

Trong bối cảnh đó, Thành đoàn Hà Nội nhận thấy cần thiết phải có một phong trào đáp ứng nguyện vọng của thanh niên Thủ đô chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Được sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội và thực tế phong trào thanh niên, đêm ngày 7/8/1964 tại phòng họp trụ sở cơ quan Thành đoàn Hà Nội số 43 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Ban Thường vụ Thành đoàn thống nhất phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với 3 nội dung: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.

Phong trào “Ba sẵn sàng” đã đáp ứng nguyện vọng yêu nước, quyết tâm đánh Mỹ, bảo vệ Tổ quốc của thanh niên, được thanh niên tham gia rất sôi nổi. Hàng vạn đơn tình nguyện đi chiến đấu, trong đó có những lá đơn viết bằng máu để thể hiện quyết tâm đi chiến đấu của thanh niên. Năm 1965 đã có hơn 15.000 thanh niên nhập ngũ.

“Ba sẵn sàng” - phong trào cách mạng rộng lớn trong thanh niên Thủ đô thời chống Mỹ
Thanh niên Thủ đô thời kỳ "Ba sẵn sàng"

Các Đội thanh niên xung kích bám máy, bám lò bảo vệ sản xuất, sẵn sàng chiến đấu được tổ chức ở nhiều nhà máy, công trường. Phong trào “Xếp bút nghiên, lên đường chiến đấu” trong các trường học sôi nổi.

Hai đội thanh niên xung phong số 49, 51 đảm bảo vượt sông, thông tuyến được thành lập.

Từ Thủ đô Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” đã lan tỏa nhanh chóng và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ. “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc cùng với “Năm xung phong” ở miền Nam hòa thành bản anh hùng ca của tuổi trẻ Việt Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Đánh giá cao phong trào “Ba sẵn sàng”, trong một bức thư gửi thanh niên nhân dịp kỷ niệm 20 năm Quốc khánh Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước hiện nay, theo tiếng gọi của Tổ quốc, thanh niên cả nước đã giương cao ngọn cờ chủ nghĩa anh hùng cách mạng lập nhiều thành tích xuất sắc. Hàng triệu thanh niên miền Bắc đã hăng hái tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”, hàng vạn cháu trai, cháu gái đã tình nguyện vào các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước”.

Sau một thời gian thực hiện, Thành ủy đã gợi ý để Thành đoàn bổ sung nội dung phong trào “Ba sẵn sàng” nên có nội dung giữ vững và phát triển sản xuất. Ban Thường vụ Thành đoàn đã bàn thống nhất nội dung “Ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác; Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần.

“Ba sẵn sàng” - phong trào cách mạng rộng lớn trong thanh niên Thủ đô thời chống Mỹ
Phong trào "Ba sẵn sàng" có sức lan tỏa rộng lớn

Năm 1972 do thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh đánh phá trở lại miền Bắc. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních - Xơn phê chuẩn chiến dịch quân sự đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng... nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán.

19 giờ 45 phút ngày 18/12/1972 Mỹ huy động toàn bộ lực lượng không quân chiến lược, chiến thuật ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, gồm 200 máy bay B52 và hàng ngàn máy bay các loại đánh phá ác liệt hơn 200 điểm ở khắp nội, ngoại thành Hà Nội.

Đã được dự đoán và chuẩn bị sẵn sàng phòng không, sơ tán, quân dân Thủ đô đã chiến đấu kiên cường, sáng tạo bắn rơi 32 máy bay, trong đó có 25 máy bay B52, 2 máy bay F111, cùng quân dân miền Bắc làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”.

Ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních - Xơn buộc phải ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Paris để bàn việc ký kết hiệp định.

Trong ngững ngày máy bay Mỹ đánh phá ác liệt vào Thủ đô, đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy đã làm việc với Ban Thường vụ Thành đoàn tại trụ sở Thành đoàn 19 Lý Thường Kiệt. Buổi làm việc đã nhiều lần dừng lại bởi tiếng còi báo động báo máy bay địch vào Hà Nội. Cuộc làm việc đã chuyển xuống hầm trú ẩn. Tại đây đồng chí Bí thư Thành ủy đã nghe Ban Thường vụ Thành đoàn báo cáo tình hình phong trào “Ba sẵn sàng” và cho ý kiến chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Ba sẵn sàng” trong tình hình mới.

Cuộc làm việc của đồng chí Bí thư Thành ủy với Thường vụ Thành đoàn đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy tới phong trào thanh niên, là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ, đoàn viên, thanh niên Thủ đô.

Ngay sau đó, Ban Thường vụ Thành đoàn đã họp bàn việc chỉ đạo phong trào “Ba sẵn sàng” thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy. Xây dựng các tập thể thanh niên kiên cường thắng Mỹ, các đội xung kích, bến phà, cung đường thanh niên kiên cường thắng Mỹ.

Nhiều điển hình thanh niên kiên cường thắng Mỹ như: Đội cảm tử nhà máy điện Yên Phụ, nhóm 3 thanh niên nhà máy Cơ khí Quang Trung làm nhiệm vụ quan sát máy bay địch. Mỗi lần địch ném bom, bắn phá, 3 thanh niên đã ôm chặt lấy nhau đứng vững trên tầng cao làm nhiệm vụ... Tổ chức biểu dương những điển hình thanh niên kiên cường thắng Mỹ tại trụ sở Thành đoàn, động viên kịp thời, chỉ đạo phong trào “Ba sẵn sàng” trong tình hình mới.

Ôn lại “Ba sẵn sàng” - một phong trào cách mạng rộng lớn - trang sử hào hùng của thanh niên Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với mong muốn và tin tưởng thanh niên Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần “Ba sẵn sàng”, xung kích - sáng tạo xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong thời kỳ mới.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động