Bà mẹ Mỹ chia sẻ kinh nghiệm dạy học tại nhà
Điều chỉnh nội dung dạy học vẫn đảm bảo mục tiêu giáo dục Vì sao dạy - học online không thể thay thế lớp học truyền thống? Gỡ khó dạy học trực tuyến, qua truyền hình đợt dịch Covid-19 |
Khi trường học trên toàn thế giới đóng cửa vì Covid-19, phụ huynh gấp rút thu thập tài liệu giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu và tìm cách giúp trẻ học trực tuyến hiệu quả. Nhiều người có thể đang choáng ngợp hoặc bối rối không biết nên quản lý con như thế nào trong thời gian khó khăn này.
Các con tôi bắt đầu học tại nhà từ ngày 16/3, khi Tổng thống Donald Trump thông báo khủng hoảng do Covid-19 có thể kéo dài đến tháng 8. Mặc dù là chuyên gia giáo dục có 20 năm kinh nghiệm và hai bằng thạc sĩ trong lĩnh vực giáo dục, tôi mất nhiều thời gian để xây dựng lịch trình và kế hoạch học tập cho con. Đồng cảm với phụ huynh trên thế giới, tôi quyết định chia sẻ một số kinh nghiệm dạy và quản lý trẻ học tại nhà.
Đầu tiên, bạn nên biết rằng các bài học hoặc chương trình dạy tại trường là không hoàn hảo, ngay cả với giáo viên giỏi nên hãy thoải mái hơn với bản thân khi dạy con tại nhà. Trẻ em vật lộn với các bài giảng, đôi khi cảm thấy thất vọng vì không hiểu bài cho dù giáo viên có chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng đến mức nào. Điều quan trọng là phân tích các hoạt động, thái độ của trẻ để cải thiện bài học tiếp theo.
Sự nhất quán giúp học sinh tập trung tốt hơn nên hãy bắt đầu một ngày với lịch trình cụ thể. Những giáo viên giỏi thường bắt đầu năm học mới bằng cách giới thiệu kế hoạch học tập, từ đó thúc đẩy niềm mong đợi của học sinh. Ngoài ra, lịch trình học giúp người thân trong gia đình chia sẻ nhiệm vụ giáo dục trẻ, giảm nhẹ gánh nặng cho phụ huynh nhưng không lơi lỏng kế hoạch học tập đã vạch sẵn.
Một lịch trình phù hợp thường bắt đầu vào 8h sáng và kết thúc vào 5h30 chiều, trong đó, thời gian ăn trưa và nghỉ trưa nên 1-1,5 tiếng. Lịch trình này bao gồm việc học, giải lao, tham gia các hoạt động mở như liên lạc với bạn bè qua Internet, đọc sách, xem video khoa học.
Đồ họa: Nadia Hafid. |
Lịch trình học nên được thiết kế linh hoạt, phù hợp với tính cách hoặc trình độ của trẻ. Nếu trường của con bạn dạy học trực tuyến, hãy tận dụng khóa học, bài tập để hình thành lịch trình học mỗi ngày và bổ sung bài tập thêm khi cần thiết. Những khóa học trực tuyến thường không chiếm hết cả ngày của trẻ và phụ huynh có thể đan xen thêm hoạt động.
Với những đứa trẻ lớn, phụ huynh có thể yêu cầu con tự xây dựng lịch trình học để thúc đẩy khả năng làm chủ, sắp xếp thời gian cá nhân. Khi trẻ không làm theo lịch trình, hãy hỏi con lý do thay vì yêu cầu. Được lắng nghe giúp trẻ mở lòng và cảm thấy thoải mái hơn, từ đó phụ huynh và trẻ có thể tìm ra phương án học tập thích hợp. Cha mẹ có con cái chênh lệch tuổi tác sẽ gặp khó khăn hơn trong việc sắp xếp lịch học. Bạn nên bảo con lớn kèm cặp hoặc giảng bài cho em.
Nếu trường học không dạy trực tuyến và bạn muốn tự giảng dạy cho con, hãy kết hợp giao tiếp bằng mắt và giảng dạy. Khi dạy, hãy nhìn vào mắt trẻ hoặc quan sát biểu cảm khuôn mặt, hành động của trẻ để đánh giá thái độ, mức độ nhận thức. Sau khi giảng, bạn hãy yêu cầu con nhắc lại những ý chính trong nội dung bài học. Đừng quên kiên nhẫn, giữ bình tĩnh trong mọi tình huống vì việc giảng dạy cho trẻ nhỏ không dễ dàng.
Khi con làm bài tập, bạn hãy chú ý đến thời gian học của con. Trẻ tiểu học cần nghỉ ngơi sau 25 phút làm bài tập nên bạn có thể đặt đồng hồ bấm giờ. Khi hết thời gian, hãy cho con đi lại xung quanh, uống nước, ăn bánh hoặc chơi đùa với thú cưng để lấy lại sự tập trung. Bạn không nên cho con chơi điện tử, đọc sách, truyện vì nó sẽ phân tán tư tưởng của trẻ.
Với trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học, phụ huynh có thể cung cấp tài liệu học tại nhà dựa theo những lĩnh vực cụ thể.
Bài tập trên giấy: Dù hiện nay, các khóa học trực tuyến rất phổ biến, việc viết trên giấy vẫn được đánh giá giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn, hiểu bài sâu sắc hơn. Bạn có thể in bài tập online ra giấy cho trẻ làm. Với học sinh tiểu học hoặc mẫu giáo, trẻ có thể tập viết, luyện chính tả trên giấy.
Đọc hiểu: Trong thời gian hạn chế ra ngoài, việc đọc sách có thể khiến trẻ em bớt nhàm chán, tăng khả năng đọc hiểu hoặc tăng vốn từ vựng. Hiện nay, nhiều trang web, phần mềm giúp trẻ cải thiện khả năng đọc hiểu trên Internet để phụ huynh tham khảo như Storyline Online, Storynory, Raz-Kids.
Viết: Phụ huynh có thể yêu cầu trẻ viết một câu chuyện, kể lại một ngày hoặc miêu tả người thân, đồ vật trong nhà. Những bài viết có thể về chủ đề bất kỳ, phụ thuộc vào sở thích của trẻ.
Toán học: Ngoài bài tập trên lớp hoặc bài tập trong sách ôn tập, trẻ có thể tham gia các trò chơi toán học trên Internet để giải trí hoặc rèn luyện khả năng tư duy. Những trò chơi có thể kể đến như DragonBox, Greg Tang, Math Learning Center. Ngoài Toán học, ở bộ môn Khoa học, trẻ có thể tìm kiếm video tài liệu trên trang web khoa học National Geographic Kids.