Audio Pháp luật ngày 12/7: Bắt 5 đối tượng gây ra hơn 40 vụ cướp táo tợn
Xác minh thông tin người lạ giả phun thuốc diệt muỗi rồi đánh thuốc mê, cướp tài sản
Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đang tiến hành xác minh, làm rõ câu chuyện nhiều gia đình trên địa bàn bị người lạ giả vờ phun thuốc diệt muỗi rồi đánh thuốc mê, cướp tài sản.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tại một số quận,huyện tại thành phố Hà Nội, một nhóm người lạ mặt giả vờ phun thuốc diệt muỗi cho các gia đình trên địa bàn rồi đánh thuốc mê để lấy tài sản của nạn nhân. Câu chuyện nêu trên đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Mặc dù chưa xác định được độ tin cậy của nguồn tin trên nhưng bài đăng vẫn nhận được chia sẻ rộng rãi, khiến dư luận vô cùng hoang mang.
Bắt 5 đối tượng gây ra hơn 40 vụ cướp táo tợn
Chiều nay, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng gồm Nguyễn Văn An (30 tuổi), Nguyễn Văn Hi (19 tuổi), Phan Văn Vũ (47 tuổi), Phan Văn Tý Nhỏ (34 tuổi) và Phan Thị Cẩm Nhừng (32 tuổi) để xác minh, điều tra về hành vi “Cướp giật tài sản”.
Trước đó, do cần tiền tiêu xài nên các đối tượng này đã cùng nhau thuê nhà trọ tại TP Biên Hòa để sinh sống và cùng nhau đi cướp, kiếm tiền tiêu xài.
Hàng ngày, các đối tượng này sẽ đi trên các xe phân khối lớn và dạo khắp các tuyến đường lớn nhỏ ở TP Biên Hòa để kiếm con mồi. Trong lúc đi săn mồi thì Hi và Vũ được phân công đi phía trước và khi phát hiện những phụ nữ đi xe máy nghe điện thoại hoặc để tài sản sơ hở thì áp sát cướp giật tài sản rồi tăng tốc bỏ chạy.
Khi những đối tượng này bỏ chạy thì “đồng nghiệp” của chúng sẽ chạy phía sau để cản trở người dân hoặc nạn nhân đuổi theo.
Bằng thủ đoạn trên, cả nhóm An, Hi, Vũ, Nhỏ, Nhừng đã thực hiện trót lọt gần 40 vụ cướp giật tài sản khiến cho nhiều phụ nữ sợ hãi. Tài sản cướp được cả nhóm đem cầm cố rồi lấy tiền chia nhau tiêu xài.
Hiện vụ việc tiếp tục được xác minh, điều tra làm rõ.
Triệt phá đường dây lừa bán vé máy bay giá rẻ, chiếm đoạt tài sản
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa triệt phá một đường dây lừa đảo, bắt giữ 2 đối tượng Ngô Thị Hoàng Điệp (SN 1983, trú tại xã An Lão, huyện Bình Lục, Hà Nam) và Phạm Văn Hòa (SN 1996 trú tại xã Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định) tại Thanh Hóa.
Theo tài liệu điều tra, từ năm 2017, với tài khoản ngân hàng mang tên “Tran Thi Minh Phuong” của ngân hàng Techcombank, các đối tượng đã nhận tiền từ nhiều người mắc bẫy. Để kéo khách, hai đối tượng vào các nhóm của người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài, đăng bán vé máy bay giá rẻ.
Hai đối tượng Điệp và Hòa còn cam kết chỉ nhận tiền sau khi đã đặt vé thành công. Ngoài ra, Hòa còn liên hệ với đối tượng đã bán tài khoản ngân hàng cho mình, để yêu cầu cung cấp hình ảnh CMND, nếu khách hỏi giấy CMND thì sẽ đưa ra.
Một nạn nhân tên M đã chuyển thông tin của 17 lao động Việt Nam đang chuẩn bị về nước để đặt mua vé máy bay. Nhận được thông tin, Hòa vào website của các hãng hàng không, đăng ký mua vé cho 17 lao động, đồng thời chỉnh sửa trạng thái giao dịch từ “chờ thanh toán” thành “đã xác nhận” rồi chụp lại hình ảnh để gửi cho chị M.
Nhận được thông tin đặt vé thành công, chị M đã chuyển hơn 40 triệu đồng cho các đối tượng. Khi khách sập bẫy, Hòa và Điệp nhanh chóng rút tiền chia mỗi người một nửa.
Với thủ đoạn tương tự, nhóm đối tượng này còn chiếm đoạt của chị Trần Thị M (SN 1995 trú tại huyện Nam Đàn, Nghệ An) hơn 20 triệu đồng; chị Phùng Thị Thu K (SN 1980 trú tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) gần 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều bị hại khác đang được cơ quan công an làm rõ.
Vợ cán bộ công an bị tố lừa đảo hàng chục tỷ đồng
Mới đây, lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đơn vị vừa nhận đơn của nhiều người dân tố cáo bà Trần Thị Như Ý (34 tuổi, ngụ phường Phước Vĩnh, TP Huế) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Nhiều người đứng đơn tố giác bà Ý cho hay, sở dĩ họ sử dụng tiền của mình và huy động số tiền lớn từ nhiều người để đưa cho bà Ý vay là do bà này có chồng đang công tác trong ngành công an.
Cụ thể, chị M (một trong những người gửi đơn tố cáo) cho biết đầu năm 2019, vì tin tưởng bà Ý, chị này đứng ra mượn tiền nhiều người để đưa cho bà Ý làm ăn và nhận lãi. Theo giấy mượn tiền có chữ ký của bà Ý, chị M đã mượn tiền từ nhiều người đưa cho bà này tổng cộng 14.350.000.000 đồng (mười bốn tỷ, ba trăm năm mươi triệu đồng).
Sau nhiều lần bị bà Ý thất hứa trả tiền, chị M nhiều lần tìm đến tận nhà bà này van xin nhưng không đòi được tiền.
Ngày 5/7, chị đến nhà bà Ý thì chứng kiến có rất nhiều người cũng đến nhà bà này đòi tiền. Lúc này chị M mới biết bà Ý đã mượn tiền từ rất nhiều người với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng rồi không trả.
Theo nguồn tin từ cơ quan công an, đến nay đã có nhiều người gửi đơn tố giác bà Ý vay tiền rồi không trả. Tổng số tiền bà Ý bị tố vay mượn rồi giật nợ bước đầu lên đến hơn 50 tỷ đồng. Phần lớn những người gửi đơn tố giác đều làm kinh doanh buôn bán và bị hại không chỉ ở TP Huế mà còn có cả ở Hà Nội.