Ẩn ý với món quà Thủ tướng Anh tặng Tổng thống Trump
Danh sách ứng cử viên chạy đua chức Thủ tướng Anh tăng lên 12 |
Thủ tướng Anh Theresa May tặng Tổng thống Donald Trump bản sao Hiến chương Đại Tây Dương. Ảnh: PA |
Món quà của Thủ tướng May được đưa ra trong bối cảnh chính trường Anh hỗn loạn và sự ủng hộ Tổng thống Trump tại Anh ở mức rất thấp.
Theo báo Financial Times, Thủ tướng May tặng Tổng thống Trump một bản sao Hiến chương Đại Tây Dương được đóng khung. Năm 1941, cố Thủ tướng Anh Winston Churchill và cố Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã cùng nhau ký kết văn bản này, đặt ra các mục tiêu hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai, mở đường cho việc hình thành Liên hợp quốc (LHQ).
Chính giới Anh nhìn nhận món quà của Thủ tướng May như một lời nhắc nhở Tổng thống Trump không quên một trật tự dựa trên các nguyên tắc về dân chủ mà Mỹ đã góp phần tạo dựng.
Malcolm Chalmers, Phó Giám đốc viện nghiên cứu Royal United Services, cho rằng bản tài liệu “thể hiện rõ vai trò then chốt của Mỹ và Anh trong việc hình thành trật tự đa phương hậu thế chiến – thông qua hai tổ chức lớn LHQ và NATO”. “Lo lắng lớn nhất hiện tại của Chính phủ Anh là Tổng thống Mỹ có quan điểm không ủng hộ những chính sách mang tính kim chỉ nam trong trật tự quốc tế được tạo ra vào thời điểm đó”, chuyên gia Malcolm nhận định.
Chủ đề mối quan hệ giữa hai quốc gia cũng đã được Nữ hoàng Elizabeth II đề cập trong buổi quốc yến chiêu đãi vợ chồng Tổng thống Trump. Phát biểu tại bữa tiệc tối 3/6 ở Điện Buckingham, Nữ hoàng Elizabeth II nhấn mạnh: “Sau những hi sinh trong Chiến tranh Thế giới thứ II, Anh và Mỹ đã cùng đồng minh xây dựng một loạt tổ chức quốc tế, đảm bảo cơn ác mộng xung đột sẽ không bao giờ lặp lại. Trong khi thế giới thay đổi, chúng ta phải luôn lưu ý mục đích ban đầu của những tổ chức: các quốc gia cùng nhau bảo vệ nền hòa bình khó khăn lắm mới giành được”.
Bản sao Hiến chương Đại Tây Dương ký năm 1941. Ảnh: PA |
Về phần mình, Tổng thống Trump khẳng định “mối quan hệ giữa hai quốc gia mãi mãi được gìn giữ trong chiến thắng đó”.
Phát biểu với các phóng viên tuần trước, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói: “Chúng tôi cho rằng sự kiện này là đặc biệt quan trọng. Tổng thống đã nhiều lần nói về mối quan hệ không thể lay chuyển giữa hai nước. Ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất khi bạn đối mặt với hỗn loạn chính trị... chúng ta cần kề vai sát cánh bên nhau”.
Vấn đề chính trị gây tranh cãi trong chuyến công du lần này liên quan đến việc Mỹ gây sức ép để buộc Anh cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc xây dựng mạng lưới 5G mới tại Anh. Bên cạnh đó, London cũng duy trì cam kết với thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ đã rút khỏi trước khi tiến hành chiến dịch gây sức ép kinh tế nhằm vào giới lãnh đạo của Tehran. Không chỉ vậy, kế hoạch hòa bình Trung Đông của Jared Kushner, cố vấn và là con rể ông Trump, dường như trái ngược với quan điểm của Anh rằng giải pháp 2 nhà nước là cách thức để chấm dứt xung đột Israel-Palestine.