65.000 con lợn tại 21 tỉnh thành bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi (ASF) lây lan nhanh chóng và chưa có dấu hiệu dừng lại, Thủ tướng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống ASF do Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường làm trưởng Ban. 
65000 con lon tai 21 tinh thanh bi tieu huy do dich ta lon chau phi

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến chiều 25/3 bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xảy ra ở 447 xã, 84 huyện tại 21 tỉnh thành với tổng lợn bị tiêu hủy gần 65.000 con.

Trước tình hình đó, Thủ tướng vừa có quyết định thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống ASF do Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường làm trưởng Ban.

Sáng 26/3, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống ASF đã cuộc họp đầu tiên ra mắt với sự tham gia của nhiều bộ ngành. Tuy nhiên, trong cuộc họp đầu tiên, đại diện của các thành viên đóng vai trò quan trọng hỗ trợ phòng chống dịch như: Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia…đã vắng mặt.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định dịch tả lợn châu Phi tiếp tục nguy cơ lan rộng. Ảnh báo Tiền phong

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định dịch tả lợn châu Phi tiếp tục nguy cơ lan rộng. Ảnh báo Tiền phong

Hiện 21 tỉnh thành đã xuất hiện dịch ASF là: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Lai Châu và Bắc Giang.

Trong đó, ổ dịch lớn nhất tại trang trại thuộc xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên với 4.500 con bị tiêu hủy.

Các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do dịch ASF nhất là Thái Bình tiêu hủy 32.400 con, tiếp đó Hưng Yên tiêu hủy 11.600 con, Hải Phòng gần 11.000 con.

Đánh giá về dịch ASF, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PNTT, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh ASF cho rằng loại dịch bệnh này rất nguy hiểm, xuất hiện trên thế giới từ năm 1921 đến nay, nhưng vẫn chưa có vắc - xin.

Hiện bệnh ASF đã lan tới hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các nước xung quanh Việt Nam, từ các nguồn tin chính thức và không chính thức đều đã xuất hiện bệnh ASF.

Bên cạnh đó Cục thú y cho biết, virus ASF có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong xác động vật, trong thịt và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, dăm bông, salami… vài chục ngày đến 1.000 ngày (thịt đông lạnh).

Virus ASF có khả năng chịu được nhiệt 56°C trong 70 phút, ở 70°C trong 20 phút, ở 100°C trong 1 phút. Vi rút có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5 - 11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày. Bởi vậy để tiêu diệt, ngăn ngừa ASF trong thịt lợn và các chế phẩm tươi sống từ lợn lây lan là vấn đề rất khó.

Tuy nhiên Bộ trưởng Cường cũng khẳng định, bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ nguy hiểm trên đàn lợn, nhưng không ảnh hưởng đến người và các loại vật nuôi khác. Vì thế, cần tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng, tẩy chay thịt lợn, nếu không sẽ "giết chết” cả một ngành hàng.

Hà An
Phiên bản di động