Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn: Các bị can đã nộp lại 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD

Liên quan đến vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, đến nay, cơ quan điều tra đã thu hồi 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại.
Nhiều cán bộ chứng khoán bị liên quan đến vụ án Tập đoàn FLC

Đây là thông tin được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết tại họp báo Chính phủ, diễn ra chiều 3/4.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án. Tính đến nay, cơ quan điều tra đã thu hồi 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại, đồng thời đang rà soát kê biên, phong toả nhiều tài sản có giá trị của các bị can, đối tượng có liên quan.

Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn: Các bị can đã nộp lại 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an.

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công an diễn ra cách đây ít ngày, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, hiện cơ quan công an đang tập trung tập trung điều tra hành vi sai phạm của các bị can tại tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi, đồng thời điều tra các sai phạm khác có liên quan.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, thông qua điều tra vụ án, lời khai của một số bị can, Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn đã có những hành vi chi phối, lũng đoạn, gây áp lực, ép một số bị can nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ, thậm chí là Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để trục lợi.

"Để làm được việc này, họ đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn để thực hiện. Bộ Công an coi hành vi này là rất nguy hiểm, là một dạng tội phạm mới, không chỉ gây thiệt hại đối với tài sản của nhà nước và của nhân dân, mà còn có ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, làm xấu hình ảnh của đảng, của chính quyền Nhân dân”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành phân tích.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết bà Hoàng Thị Thúy Lan (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) và ông Lê Duy Thành (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ. Quá trình điều tra xác định 2 bị can này đã nhận số tiền hối lộ hàng tỷ đồng, bước đầu các bị can đã nộp lại số tiền đã khai nhận với cơ quan điều tra.

Phó Cục trưởng cũng cho biết, trong vụ án này, Nguyễn Văn Hậu khai đã chuyển tiền cho nhiều người, trong đó đã chuyển hơn 64 tỷ cho Đặng Trung Hoành, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, ông Hoành đã sử dụng số tiền này vào nhiều mục đích khác nhau trong đó có mục đích cá nhân.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 27/3/, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Phó Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ngãi và ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cùng về tội "Nhận hối lộ".

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Tập đoàn Phúc Sơn trúng gói thầu “Thi công tuyến chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi”; bị can Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Hậu Lộc
Phiên bản di động