Việc rà soát quốc tịch cổ đông hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là bình thường

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc giải trình rõ vấn đề xác định quốc tịch cổ đông của một hãng hàng không là rất bình thường, không có gì phức tạp.
Kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cấp phép bay cho hãng hàng không IPP Air Cargo Hai bộ nữa ủng hộ cấp phép bay cho hãng hàng không IPP Air Cargo

Chiều 1/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chia sẻ về tiến độ cấp phép bay với hãng hàng không chở hàng của ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Cục Hàng không Việt Nam rà soát hồ sơ và đến ngày 26/9, hồ sơ đã được chính thức trình lên Thủ tướng Chính phủ.

"Sau khi có chủ trương đầu tư thì chúng tôi sẽ thực hiện quy trình cấp phép vận chuyển hàng không", ông Thọ nói.

Trong khi đó, nói về việc rà soát quốc tịch của cổ đông Công ty Cổ phần IPP Air Cargo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc giải trình rõ vấn đề xác định quốc tịch của cổ đông là rất bình thường, không có gì phức tạp.

Theo ông Phương, việc xác định quốc tịch cổ đông để chúng ta biết được tư cách của doanh nghiệp đó thuộc thể loại nào. Theo quy định hiện hành của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thì trong một công ty có nhiều cổ đông mà có 2 cổ đông quốc tịch nước ngoài thì cách ứng xử khác, vì khi đó doanh nghiệp là doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, giữa doanh nghiệp 100% vốn trong nước và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài là áp dụng chính sách khác.

Cũng theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay theo quy định của Luật Quốc tịch 2014, một số trường hợp người Việt Nam mang 2 quốc tịch và trong quy định về hướng dẫn Luật Đầu tư thì cũng có các tình huống ứng xử với nhà đầu tư mang 2 quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam để có các quy định trình tự thủ tục cụ thể đối với các trường hợp cụ thể. Do vậy vấn đề đặt ra là xác định cổ đông đó, nhất là cổ đông sáng lập, cổ đông thành lập để có cách ứng xử phù hợp.

Trước đó, cuối tháng 9/2022, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty Cổ phần IPP Air Cargo.

Việc rà soát quốc tịch cổ đông hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là bình thường
Máy bay IPP Air Cargo đã xuất xưởng và đang chờ ngày cất cánh.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tính đến ngày 31/7/2022, có 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines (bao gồm VASCO), Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines đang khai thác thường lệ 69 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với 19 sân bay địa phương.

Trên thị trường quốc tế, hơn 60 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác 110 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 24 quốc gia/vùng lãnh thổ. Số lượng hãng hàng không nước ngoài có chuyến bay chuyên chở hàng hóa thường lệ bằng tàu bay chuyên dụng đến Việt Nam là 47 hãng hàng không.

Cũng theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, IPP Air Cargo ra đời nhằm mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam; Thúc đẩy tăng trưởng vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam tăng trưởng 10 - 15%/năm.

Dự kiến sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của IPP Air Cargo sẽ tăng dần trong các năm, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm dự kiến là 18 - 20%.

"Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa kèm theo các báo cáo, tài liệu pháp lý cập nhật, bổ sung bản chính của cơ quan có thẩm quyền hoặc có công chứng trong vòng 6 tháng của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo đảm bảo đáp ứng các điều kiện", báo cáo của Bộ Giao thông vận tải nêu.

Cùng với đó, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa cho Công ty Cổ phần IPP Air Cargo theo quy định pháp luật.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không hiện có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Trong khi đó, tại Quyết định số 318/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì đến năm 2020 sẽ phát triển đội tàu bay chở hàng khoảng 8 - 10 chiếc, đến năm 2030 tàu bay chở hàng khoảng 15 - 20 chiếc.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 236/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ hình thành và phát triển đội tàu bay chuyên vận chuyển hàng hóa.

“Như vậy, việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa là phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ Giao thông vận tải đánh giá và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép bộ cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo.

Hậu Lộc
Phiên bản di động