Tung Clip bị can Nguyễn Văn Đông thuật lại vụ thảm sát tại Đan Phượng có vi phạm pháp luật?

Từ sáng nay (2/9) trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan clip bị can Nguyễn Văn Đông thuật lại vụ thảm sát với góc quay cận, rõ ràng và chính diện. Liệu việc phát tán clip này có đúng quy định của pháp luật?
Vụ thảm sát tại Đan Phượng: Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Đông Bà nội bé gái 1 tuổi trong vụ thảm sát cũng không qua khỏi

Vụ thảm sát tại Đan Phượng (Hà Nội) xảy ra được hơn một ngày khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ký Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam đối tượng Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) về tội giết người.

Đáng chú ý, từ sáng nay (2/9) trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan clip bị can Nguyễn Văn Đông thuật lại hành vi sát hại các nạn nhân với góc quay cận, rõ ràng và chính diện.

tung clip bi can nguyen van dong thuat lai vu tham sat tai dan phuong co vi pham phap luat
Clip bị can thuật lại vụ thảm sát phát tán trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip

Tuổi trẻ và Pháp luật đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Quang Tâm, Công ty luật Phúc Quang về việc trong quá trình điều tra, thông tin, hình ảnh từ bị can có được phép công khai trên mạng xã hội và nếu có thì cơ quan nào có quyền?.

Luật sư Nguyễn Quang Tâm cho biết: Giữ bí mật về điều tra là trách nhiệm của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng và người chứng kiến. Trong trường hợp nhận thấy có những thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước hoặc bí mật điều tra khác, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải báo trước cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người bào chữa, người giám định, người phiên dịch và người chứng kiến...

Việc giữ bí mật điều tra phải được thực hiện trước, trong và sau khi tiến hành các hoạt động điều tra. Việc thông báo đó phải được ghi vào biên bản điều tra.

Trường hợp Điều tra viên, Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng, người chứng kiến tiết lộ bí mật điều tra thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 337 (Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước); Điều 338 (Tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội làm mất tài liệu bí mật Nhà nước); Điều 361 (Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác); Điều 362 (Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác)...

Khi để lộ thông tin đối tượng phạm tội, lời khai, clip... sẽ trực tiếp gây khó khăn cho việc điều tra, làm rõ vụ án, làm sai lệch vụ án... Nghiêm trọng hơn là làm xã hội mất ổn định, mất lòng tin vào các cơ quan thực thi pháp luật.

Thẩm quyền điều tra vụ việc nếu có dấu hiệu làm lộ bí mật... thuộc về Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân.

Luật sư cho rằng với sự việc trên cần Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân vào cuộc. Cần làm rõ clip này do ai ghi lại? Ai là người đưa lên mạng xã hội? Đăng tải với mục đích gì? Nếu clip được phát tán trong quá trình điều tra là trái quy định, phải truy cứu trách nhiệm của đối tượng tuồn clip ra ngoài. Từ đó xử lý nghiêm minh tránh trường hợp tương tự xảy ra làm ảnh hưởng tới công tác nghiệp vụ của cơ quan điều tra.

Đối sánh với việc điều tra vụ học sinh tiểu học tử vong tại trường Tiểu học Gateway, thực tế Công an TP Hà Nội đã giữ bí mật thông tin điều tra. Người liên quan tới vụ án là tài xế điều khiển chiếc xe chở nạn nhân tử vong cũng giấu mặt, không ai có thể tiếp cận, thậm chí hình ảnh khi thực nghiệm hiện trường cũng không rõ khuôn mặt đối tượng.

Chính Thuần
Phiên bản di động