Thực phẩm chức năng Trinh Nữ Vương "se khít" vùng kín: Dấu hiệu hàng giả rất rõ

Trinh Nữ Vương chỉ là thực phẩm chức năng (TPCN) dùng qua đường uống nhưng lại được hướng dẫn sử dụng là viên đặt se khít vùng kín, hỗ trợ điều trị viêm nhiễm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và nguy hiểm với người sử dụng.
Thổi phồng viên ngậm thơm miệng Trinh Nữ Vương có tác dụng "se khít" âm đạo Lạ lùng Thảo mộc vệ sinh Mộc Linh có hai phiếu công bố Mắc hội chứng buồng trứng đa nang liệu có khó mang thai không? Những dấu hiệu viêm phụ khoa nặng, cần đi khám và điều trị gấp Hotmom Hằng túi “đùa giỡn" với sức khỏe người tiêu dùng Dù bị xử phạt, Saxy Lady vẫn 'ngựa quen đường cũ'

Trong bài trước, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phản ánh về hiện tượng con buôn thổi phồng thực phẩm chức năng với sản phẩm Trinh Nữ Vương. Đây là sản phẩm được công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng qua đường uống. Tuy nhiên, trong hướng dẫn sử dụng và giới thiệu của các "boss" bán hàng, sản phẩm Trinh Nữ Vương lại biến thành viên đặt phụ khoa dùng cho những người viêm lộ tuyến, se khít âm đạo… kiêm luôn chữa viêm chân răng.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ với đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Ân Dược (Công ty Thiên An Dược) và đơn vị phân phối: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoa Cúc (Công ty Hoa Cúc). Tuy nhiên, rất bất ngờ khi cả 2 đơn vị đều phủi trách nhiệm, khẳng định không hề liên quan tới sản phẩm.

Công ty Hoa Cúc nhập nhèm thông tin

Theo ông Lê Nhất Minh Vũ - Giám đốc Công ty Hoa Cúc thừa nhận có phân phối sản phẩm nhưng sẽ không chịu trách nhiệm gì với thông tin sai lệch về công dụng, cách dùng của sản phẩm Trinh Nữ Vương. Ông Vũ cho rằng: Trên giấy phép đăng ký kinh doanh, công ty chúng tôi chỉ làm thương mại (bán hàng - pv) chứ không sản xuất.

tpcn trinh nu vuong se khit vung kin da bong trach nhiem
Boss Trinh Vũ vợ của giám đốc Minh Vũ thường xuyên "livestream" để quảng cáo sự thần thánh của sản phẩm Trinh Nữ Vương

“Những sản phẩm này, về chất lượng, bao bì mẫu mã thì do bên sản xuất (Công ty Thiên Ân Dược - pv) làm toàn bộ, bên tôi không làm khâu nào cả. Họ có đủ điều kiện sản xuất, nhà máy đạt chuẩn thì gia công các sản phẩm theo yêu cầu cho bên tôi, có hợp đồng kinh tế ràng buộc. Bên sản xuất phải đảm bảo về vấn đề pháp lý và chất lượng sản phẩm” - ông Minh Vũ khẳng định.

tpcn trinh nu vuong se khit vung kin da bong trach nhiem
Nguy hiểm hơn sản phẩm này còn được bày bán tràn lan ở hiệu thuốc khiến người tiêu dùng càng lầm tưởng đây là thuốc đặc trị

Ông Vũ còn "khoe" giữa Công ty Thiên Ân Dược và Công ty Hoa Cúc có biên bản nghiệm thu, biên bản lưu kho, nhập kho… nhưng trong buổi làm việc với phóng viên ông Vũ không hề cung cấp được bất cứ giấy tờ nào chứng minh việc đó.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc ký biên bản nghiệm thu sản phẩm, với tư cách là đơn vị phân phối, Công ty Hoa Cúc có đồng ý ký hay không khi Giấy hướng dẫn sử dụng lại sai so với phiếu công bố? Ông Vũ một mực phủ nhận và cho rằng đó là trách nhiệm của nhà sản xuất.

“Nhà sản xuất sẽ tự biết làm sao cho chuẩn để công bố được sản phẩm. Như lúc đầu tôi đã nói, bên tôi chỉ làm thương mại không sản xuất” - ông Minh Vũ nói.

Công ty Thiên Ân Dược đã dừng sản xuất từ tháng 6/2019

Ông Đào Văn Tuấn - Đại diện pháp luật Công ty Thiên Ân Dược khẳng định với phóng viên đã ngừng sản xuất từ tháng 6/2019 và không còn phân phối sản phẩm cho Công ty Hoa Cúc từ tháng 3/2019.

tpcn trinh nu vuong se khit vung kin da bong trach nhiem
Để tăng sự tin tưởng cho sản phẩm Trinh Nữ Vương Công ty này thường xuyên sử dụng hình ảnh nhà thuốc, thầy thuốc về hưu để làm "màu"

Ông Tuấn cho biết: "Trước khi có công bố sản phẩm, Công ty Thiên Ân Dược sản xuất 12.000 viên gửi cho Công ty Hoa Cúc nhưng bị trả 10.800 viên, số còn lại (1.200 viên - pv) thì chúng tôi không thu hồi lại. Sau đó, vì nhiều bất đồng, Thiên Ân Dược và Hoa Cúc không còn hợp tác nữa nhưng họ trơ trẽn và rất liều lĩnh khi chúng tôi nhờ Công ty Luật Việt làm giấy tờ công bố xong thì vợ chồng Trinh Vũ (chủ Công ty Hoa Cúc) lại tự ý lấy số công bố để in vào bao bì.

Tôi còn chưa biết cái vỏ hộp ấy nó ra làm sao. Theo cái giấy công bố của tôi thì sản phẩm Trinh Nữ Vương chỉ dùng để uống và có tác dụng điều hòa khí hư bạch đới chứ làm gì có chuyện chữa sâu răng với đặt phụ khoa đâu. Từ tháng 6/2019 khi nhà máy của tôi không đạt tiêu chuẩn GMP thì tôi nghỉ không sản xuất nữa rồi, giờ tôi mở quán bún bò. Hai vợ chồng Trinh Vũ từng đến xin lỗi và hứa không tự ý sử dụng số công bố nữa thế mà giờ vẫn làm".

Ông Tuấn còn khẳng định: "Tôi đã gửi công văn cho Cục An toàn Thực phẩm để trình bày về việc tôi chưa sản xuất sản phẩm Trinh Nữ Vương nhưng hiện nay lại có trên thị trường, nếu có vấn đề gì về sản phẩm, tôi không chịu tránh nhiệm".

tpcn trinh nu vuong se khit vung kin da bong trach nhiem
Đơn vị sở hữu Giấy công bố sản phẩm là Công ty Thiên Ân Dược tố Công ty Hoa Cúc mạo danh sản phẩm Trinh Nữ Vương (P2)

Mặc dù khẳng định của ông Tuấn là vậy nhưng trên vỏ sản phẩm Trinh Nữ Vương, phần thông tin thể hiện số lô, ngày sản xuất in trên bao bì là ngày 21/10/2019, lô sản xuất số 001. Ngoài ra trên bao bì sản phẩm cũng ghi rõ “SĐK lưu hành: 2850/2019/ĐKSP” trùng với bản tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trinh Nữ Vương do Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong ký.

Về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định: “Nếu công ty sản xuất xác nhận là ngừng gia công từ tháng 6 mà trên bao bì sản phẩm do công ty phân phối đưa ra lại đề là tháng 10, nội dung sản phẩm lại không đúng với phiếu công bố thì cũng có thể coi đây là dấu hiệu làm hàng giả”.

Vậy thực hư sản phẩm Trinh Nữ Vương có phải đang bị làm giả và tự đóng gói trôi nổi hay không? báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Chiếu theo Nghị Định số 185/2013/NĐ-CP thì hàng giả gồm:

a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 ;

h) Tem, nhãn, bao bì giả.

9. “Tem, nhãn, bao bì giả” gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác.

(Còn tiếp...)

Đinh Linh
Phiên bản di động