Sữa học đường "đẩy" trẻ vào viện: Còn bao nhiêu lời xin lỗiaa!
Sữa học đường là chương trình do Bộ Y tế chủ trì và giao cho các tỉnh triển khai dự án. Đối tượng thụ hưởng là học sinh thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cần về chuyên môn thì có Bộ Y tế.
Đề án được xây dựng từ năm 2014 - 2015, đến ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án này thì mới bắt đầu triển khai. Tuy nhiên khi duyệt đề án thì không có kinh phí từ ngân sách, các địa phương không có ngân sách cho đề án nên mới huy động từ các nhà tài trợ, ví dụ các công ty sữa cùng đóng góp với các trường, các tỉnh. Tỉnh nào có ngân sách có thể bỏ ra một phần, thứ 3 là gia đình đóng góp một phần.
Đáng nói, thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ ngộ độc trong trường học có liên quan đến việc uống sữa từ chương tình Sữa học đường.
Có thể kể tới sự việc trưa ngày 2/3/2018, 73 học sinh trường Tiểu học Phạm Văn Đồng, xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, Đồng Nai đã phải vào viện cấp cứu với những biểu hiện nôn và đi ngoài sau khi uống sữa Nutifood.
Hai ngày sau, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn ngừng chương trình Sữa học đường.
Hàng trăm học sinh ngộ độc sau khi uống sữa miễn phí
Hay như trước đó vào ngày 27/10/2017, gần 400 học sinh tại hai trường tiểu học Lái Hiếu và Nguyễn Hiền ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) được uống sữa miễn phí theo chương trình Sữa học đường của công ty quảng cáo MC do Nes'tle Việt Nam ủy quyền cũng đã có dấu hiệu ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.
Trong công văn sau đó của Bộ GD&ĐT: "Bộ GD&ĐT trân trọng cảm ơn Công ty TNHH Nes'tle Việt Nam trong thời gian qua đã phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình sữa học đường, góp phần giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam. Bộ GD&ĐT đề nghị Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tạm ngừng chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh uống trên phạm vi toàn quốc. Sau khi xác định được nguyên nhân, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với công ty để chỉ đạo và hướng dẫn việc triển khai Chương trình sữa học đường trong thời gian tiếp theo."
Sau đó, trả lời qua thông cáo báo chí đại diện Nes'tle cho rằng nguyên nhân trẻ ngộ độc là do quá trình pha chưa đảm bảo khiến chất lượng sữa bị ảnh hưởng.
Gần đây nhất là vụ việc ngày 15/3/2019, 29 học sinh Trường tiểu học Nhã Lộng (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) phải nhập viện cấp cứu nghi bị ngộ độc sau khi uống sữa Famikid.
Học sinh tại trường Tiểu học Nhã Lộng cấp cứu tại bệnh viện sau khi uống sữa đậu nành Famikid
Thông tin về sự việc trên, ông Lý Văn Cảnh - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Thái Nguyên cho biết: Năm học 2017 - 2018, chương trình "Sữa đậu nành học đường Vinasoy" được triển khai tại các trường tiểu học thuộc TP Sông Công, thị xã Phổ Yên, hai huyện Đại Từ và Phú Bình (Thái Nguyên). Năm học 2018 - 2019, chương trình này được triển khai tại hai huyện Phú Bình, Đại Từ và thị xã Phổ Yên.
Sau khi uống sữa này vào sáng 15/3, 29 học sinh có các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình điều trị. Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã chỉ đạo các trường tiểu học ở huyện Phú Bình, Đại Từ và thị xã Phổ Yên tạm dừng cho học sinh uống loại sữa này.
Ngày 15/3, Chi cục VSATTP Thái Nguyên đã lấy các mẫu sữa Famikid tại Trường tiểu học Nhã Lộng đưa đi xét nghiệm để xác định có bảo đảm các yêu cầu về an toàn, các tiêu chuẩn công bố. Chi cục trưởng VSATTP Lý Văn Cảnh cho biết, kết quả xét nghiệm sữa Famikid sẽ có trong những ngày tới.
Kế hoạch sữa đậu nành học đường Vinasoy của Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên triển khai, đối tượng được áp dụng là học sinh tại các trường Tiểu học ở 3 huyện Đại Từ, Phú Bình và Thị xã Phổ Yên với khoảng 45 nghìn học sinh. Ảnh: Tùng Dương.
Đại diện Sở GD&ĐT Thái Nguyên chia sẻ, khi có kết quả xét nghiệm sẽ kết luận có tiếp tục cho học sinh tiểu học uống sữa Famikid thuộc chương trình "Sữa đậu nành học đường Vinasoy" nữa hay không.
Một chương trình mang tầm vóc quốc gia, do Bộ Y tế chủ trì, học sinh là Bộ Giáo dục & Đào tạo trực tiếp quản lý, bảo vệ quyền lợi cho các em. Mục đích của chương trình Sữa học đường là để tăng cường sức khỏe cho học sinh. Thế nhưng chính các em lại là "nạn nhân", chịu tổn hại về sức khỏe khi uống sữa miễn phí. Đáng nói, sau mỗi vụ "lùm xùm", chưa có bất cứ một đơn vị cung cấp hay cơ sở giáo dục nào đứng ra nhận trách nhiệm hoặc bị cơ quan chức năng xử lý. Kết luận về nguyên nhân ngộ độc của các em cũng hết sức "mập mờ". Tất cả chỉ dừng ở việc "hỗ trợ" chữa trị cho các em.
Liệu sự cố lần này, phụ huynh của 29 em học sinh tại Thái Nguyên phải nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa Famikid và công luận có nhận được câu trả lời cũng như cách giải quyết thỏa đáng từ cơ quan chức năng?