Làm giàu không khó - Bài 5: Công ty Bảo Trang thu tiền triệu, cấp bằng “sang”, lòe khách hàng
Thêm chiêu "tận thu" của vợ chồng Bảo Trang
Trước đó, báo Tuổi Trẻ Thủ Đô đã có loạt bài phản ánh về việc tổ chức hội thảo không phép, huy động vốn theo hình thức đa cấp và việc rao giảng sai sự thật về sản phẩm mỹ phẩm Lộ Khiết Hồng Trang, nhãn hàng Doctor Queen của công ty TNHH Bảo Trang Academy (công ty Bảo Trang).
Chưa dừng lại ở đó, công ty này còn thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo thu tiền triệu sau đó cấp một tấm bằng vô giá trị.
Trong vai khách hàng, PV đã đặt cọc tiền mua hàng để tham gia hệ thống mỹ phẩm Docter Queen và Jang Won tại buổi hội thảo ngày 18/6. Theo lời ông Đỗ Văn Tâm (Đỗ Tâm) Giám đốc công ty cổ phần TM&DV Toàn Cầu Express, nếu khách hàng đặt cọc mua sản phẩm với đơn hàng giá trị 10 triệu sẽ được trở thành đại lý của công ty Bảo Trang. Sau khi hoàn thiện đơn hàng khách hàng sẽ được học 6 buổi học về kinh doanh miễn phí do chính ông Đỗ Tâm đào tạo.
Ngay sau khi buổi hội thảo kết thúc, phóng viên nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là nhân viên của công ty Bảo Trang. Người này giới thiệu: “Em là nhân viên của chị Bảo Trang. Em thấy chị có phiếu đóng tiền cọc để mua đơn hàng 10 triệu ở buổi hội thảo hôm 18/6 nên chị sẽ được tham gia 3 buổi học tại Bắc Giang vào mùng 2, mùng 3 và mùng 4 tháng 7. Nhưng chị cần phải chuyển khoản trước 1 triệu để giữ chỗ và chắc chắn chị sẽ đi học. Bên em chỉ thu tiền từ nay đến 1/7 thôi. Sau khi kết thúc buổi học, chị sẽ được phần quà là mỹ phẩm Doctor Queen”.
Nhằm thuyết phục khách hàng tham gia buổi học, nhiều ngày sau đó, những nhân viên này thường xuyên gọi điện giục hỏi xem đã chuyển khoản chưa và liên tục nói về ưu đãi của khóa học này.
Nhân viên sẽ thuyết phục khách hàng ký vào cam kết ở mỗi buổi học |
Thậm chí một nhà phân phối, người giới thiệu PV đến buổi hội thảo cũng ráo riết nhắn tin gọi điện và dùng những lời hứa hẹn như sau 3 buổi học sẽ được cấp bằng.
"Giờ có buổi lẻ như này thì em cứ học đi, chứ học cả gói toàn từ 10 đến 30 triệu đó. Học xong 3 buổi, em đã được cấp bằng rồi. Ngày trước khi mới vào hệ thống chị phải nộp khóa 30 triệu đấy".
Cơ sở Angel Spa thuộc chuỗi spa của hai vợ chồng Bảo Trang và Đỗ Tâm |
Có mặt tại cơ sở Angel Spa thuộc chuỗi spa của hai vợ chồng Bảo Trang và Đỗ Tâm ở địa chỉ số 316 Minh Khai, T.P Bắc Giang (Bắc Giang), qua quan sát tại cơ sở này, PV nhận thấy ở đây treo vô số các loại bằng cấp chứng chỉ của nhiều trường, trung tâm khác nhau.
Buổi học có khoảng từ 20 đến 30 người tham gia, hầu như đều là những chủ spa ở các nơi. Một khóa học gồm 3 ngày, giá trị của mỗi buổi học là 1 triệu đồng. Khi tham gia lớp học, học viên sẽ phải ký vào một tờ cam kết.
Tấm bằng toàn chữ tiếng Anh nhìn có vẻ "sang" nhưng thực chất không có giá trị gì ngoài việc treo cho "đẹp" |
Mở đầu khóa học vẫn là phần giới thiệu quen thuộc về bản thân của ông Đỗ Tâm là sinh ra nghèo khó, nhiều lần thất bại… Sau đó là màn phô diễn, khoe khoang, đánh vào tâm lý nôn nóng kiếm tiền, làm giàu của học viên cũng như khoe sự giàu có, thành công của mình. Buổi cuối của khóa học, Bảo Trang dạy các thành viên cách lăn kim và dùng sản phẩm Doctor Queen khi thực hiện chữa nám, mụn cho khách hàng.
Với cách chiêu dụ, thu tiền đặt cọc giữ chỗ học nhận quà là sản phẩm, chỉ tính sơ trong 3 ngày, vợ chồng Bảo Trang đã kiếm vài chục triệu đồng từ các chủ spa đúng như những gì ông Đỗ Tâm chia sẻ là “Làm giàu không khó”.
Giá trị bị đánh tráo
Để làm rõ những tấm bằng do công ty cổ phần TM&DV Toàn Cầu Express và công ty Bảo Trang cấp có giá trị hay không, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Việt Hải, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao Động Thương binh & Xã hội) Bắc Giang.
Tại buổi làm việc, ông Hải cho biết: “Hiện tại trên địa bàn Bắc Giang không có cơ sở được cấp phép đào tạo nghề về lĩnh vực làm đẹp. Vì vậy, công ty cổ phần TM&DV Toàn Cầu Express và công ty Bảo Trang tổ chức đào tạo cấp bằng là sai quy định nhà nước. Kể cả khi hai cơ sở này liên kết với trường Cao Đẳng nghề nào đó thì phải có hợp đồng liên kết trường đó và phải có quyết định thành lập cơ sở trên địa bàn. Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, nếu doanh nghiệp muốn tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ, chứng nhận cho học viên thì phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp”.
Tại cơ sở spa của hai vợ chồng Bảo Trang và Đỗ Tâm xuất hiện 2 loại văn bằng "lạ" |
Như vậy, cả hai công ty mà vợ chồng Bảo Trang sở hữu không hề được cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các tấm bằng cấp cho đại lý thực chất không có giá trị nhưng lại trở thành "chiêu trò" đánh vào tâm lý khách hàng. Chứng nhận màu mè, có cả phần tiếng Anh, dấu đỏ nhìn rất sang nhưng chỉ là tờ giấy trưng cho đẹp.
Tại cơ sở Angel Spa thuộc chuỗi spa của hai vợ chồng Bảo Trang và Đỗ Tâm có treo 2 loại giấy chứng nhận "lạ" được đóng dấu của trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội, chứng nhận Bảo Trang là giáo viên liên kết.
Về chứng nhận lạ này, ông Hải phân tích: "Trong hệ thống văn bằng của Việt Nam không có cái giấy chứng nhận nào gọi là "chứng nhận giáo viên liên kết". Đây rõ ràng là một hình thức cấp văn bằng sai quy định, sử dụng con dấu của nhà trường để "lòe" người dân. Cần phải làm rõ ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn".
Trên thực tế, giấy phép duy nhất có giá trị mà PV ghi nhận được tại cơ sở Angel Spa là chứng chỉ hành nghề phun xăm thẩm mỹ do Sở Y tế Bắc Giang cấp cho bà Bảo Trang.
Điều 5 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định: Phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp đối với hành vi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cùng với đó, buộc cơ sở đào tạo hoàn trả cho tổ chức, cá nhân các khoản tiền đã thu, trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm; Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được người học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đối với hành vi vi phạm quy; Buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận kiểm định đã cấp đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm quy định về tuyển sinh đào tạo, Điều 8 Nghị định này cũng quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thông báo tuyển sinh bằng bất cứ hình thức nào khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thu nhận hồ sơ, tổ chức thi hoặc xét tuyển khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; |
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục đưa tin.