“Khoác áo mới” cho thông tin “khô khan” thành sản phẩm tuyên truyền đặc sắc
Chia sẻ về công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021 - 2026, đồng chí Chu Hồng Minh, UVBTV Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí Thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đem lại hiệu quả, lan tỏa rộng khắp với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng.
Đồng chí Chu Hồng Minh, Bí thư Thành đoàn Hà Nội tham luận tại hội nghị |
Những thông điệp, thông tin cơ bản về bầu cử được cụ thể hóa thành nhiều bộ infographic (đồ họa thông tin qua hình ảnh) trực quan, sinh động, thu hút đoàn viên, thanh niên, người dùng mạng xã hội như: Bộ nhận diện “Bầu cử trách nhiệm - Chống dịch toàn diện”, tờ tin sinh hoạt chi đoàn cao điểm “Lá phiếu - Trách nhiệm của cử tri trẻ”, “Đề cương online tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”...
Bên cạnh các infographic, Thành đoàn Hà Nội xây dựng tài khoản Zalo Offical (tài khoản của cơ quan Nhà nước được ứng dụng Zalo hỗ trợ các tiện ích trong tuyên truyền, gửi thông tin…) để đảm bảo kịp thời thông tin hai chiều giữa Thành đoàn và các cấp bộ Đoàn; Thiết kế các khung ảnh đại diện, ảnh bìa tuyên truyền về bầu cử, mở và duy trì chuyên mục “Hỏi - đáp về bầu cử” trên fanpage Thành đoàn…
Đặc biệt, nắm bắt tâm lý người trẻ, người dùng mạng xã hội đồng thời hạn chế tối đa việc tập trung đông người để đảm bảo phòng dịch, Thành đoàn Hà Nội đã dựng một “trường quay ảo” tại trụ sở cơ quan Thành đoàn Hà Nội, tổ chức Talkshow trực tuyến với chủ đề “Cử tri trẻ Thủ đô: Bầu cử trách nhiệm - Chống dịch toàn diện” phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội của tổ chức Đoàn Thanh niên thành phố.
Kinh nghiệm từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền về cuộc bầu cử vừa qua cho thấy: Với mục tiêu và mong muốn tuyên truyền sâu rộng trong người trẻ, từ đó cổ vũ thanh niên, cử tri trẻ tích cực và chủ động tuyên truyền, tham gia bầu cử, tổ chức Đoàn cần phải “khoác áo mới” cho những thông tin tuyên truyền tưởng chừng như “khô khan”, kém hấp dẫn thành những sản phẩm truyền thông “bắt mắt”, đặc sắc, dễ hiểu, dễ “lưu”, dễ làm theo, dễ chia sẻ. Từ đó, nhưng thông tin này trở thành “cẩm nang” đồng hành với mỗi người trẻ và người dùng mạng xã hội, tác động tới ý thức chủ động và mong muốn chung tay lan tỏa tới cộng đồng của mỗi người.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội tham luận tại hội nghị |
Trong thời gian tới, Thành đoàn Hà Nội và các cấp bộ Đoàn Thủ đô tiếp tục phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, tích cực nghiên cứu, cập nhật và học hỏi các xu hướng truyền thông mới; Bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách; Không ngừng đổi mới cách thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận hiệu quả hơn tới người trẻ và các tầng lớp Nhân dân.
Để đảm bảo tiến độ kịp thời trong nắm bắt, truyền tải các thông tin, chỉ đạo của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thành đoàn Hà Nội đề xuất mong muốn được bộ phận công nghệ thông tin của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy cung cấp tài khoản, hướng dẫn cách thức lắp đặt mở một điểm cầu trực tuyến tại trụ sở cơ quan Thành đoàn để kết nối và tham gia cùng hệ thống họp trực tuyến đã và đang được Thành ủy triển khai với 30 quận, huyện, thị ủy và MTTQ thành phố.