Điều tra độc quyền - Bài 2: Công ty sở hữu thương hiệu SEVEN.am thừa nhận nhập hàng Trung Quốc

Chánh văn phòng Công ty Cổ phần MHA (đơn vị sở hữu thương hiệu SEVEN.am) thừa nhận doanh nghiệp có nhập thêm hàng Trung Quốc về bán kèm với hàng sản xuất trong nước, tuy nhiên số lượng không nhiều và Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra thường xuyên nhưng không có ý kiến gì?
Vụ tráo nhãn mác NEM, IFU: Sẽ chuyển hồ sơ sang công an 'Nóng' chuyện cắt mác Trung Quốc sản phẩm thời trang NEM, IFU, SEVEN.AM Vụ tráo nhãn mác NEM, IFU: 'Đế chế' hãng thời trang NEM là ai? Điều tra độc quyền - Bài 1: Thâm nhập “công xưởng” thời trang SEVEN.AM tại Hà Nội

Quản lý thị trường Hà Nội thờ ơ

Sau khi phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhập vai làm công nhân của Công ty Cổ phần MHA (đơn vị sở hữu thương hiệu SEVEN.am) tại "tổng kho" tầng 4, tòa nhà Hesco (địa chỉ 135 Trần Phú, quận Hà Đông, TP Hà Nội) một thời gian thì phát hiện thực trạng cắt tem nhãn có chữ Trung Quốc trên một số sản phẩm khăn, quần áo, đồ lót… rồi gắn nhãn SEVEN.am vào. Sự việc đã được phản ánh trong bài báo trước.

Để thông tin khách quan và rộng đường dư luận, nhóm phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thu Hằng - Chánh văn phòng của Công ty Cổ phần MHA.

Tại buổi làm việc, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc Công ty Cổ phần MHA có nhập khẩu sản phẩm thời trang về rồi cắt mác có chữ Trung Quốc và thay nhãn SEVEN.am vào hay không? Bà Hằng khẳng định không có chuyện đó và "bật mí" Quản lý thị trường Hà Nội vẫn thường xuyên kiểm tra nhưng "không ý kiến gì".

Một câu trả lời đanh thép, đầy chất lửa của bà Chánh văn phòng Công ty Cổ phần MHA khiến phóng viên không khỏi ngỡ ngàng, bởi nó hoàn toàn trái ngược với những gì phóng viên đã ghi nhận được trong kho hàng của công ty trong suốt thời gian dài nhập vai làm công nhân.

dieu tra doc quyen bai 2 cong ty so huu thuong hieu sevenam thua nhan nhap hang trung quoc
Trước khi đưa ra thị trường công nhân của Công ty MHA phải kiểm tra sản phẩm có bất kỳ chữ Trung Quốc nào phải loại bỏ từ viên chống ẩm

Ngạc nhiên hơn nữa, khi trao đổi với phóng viên về việc này, ông Trịnh Bá Quang - Trưởng phòng Tổng hợp (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) khẳng định: "Chúng tôi đã nhận được thông tin nhưng nói về SEVEN.am thì chỗ đó là họ may hàng nội địa thôi chứ có gì đâu (?)

Khi phóng viên cung cấp thông tin thương hiệu SEVEN.am có các mặt hàng khác nhập về từ Trung Quốc thì ông Quang tỏ vẻ ngạc nhiên: "Hàng nhập á? Bên này họ toàn may hàng công sở mà? Xuởng của họ ở đâu? Để anh lên xem thế nào đã nhé, anh thấy họ may hàng công sở thì tưởng là may mặc của Việt Nam, có gì anh sẽ thông tin lại, mà phải sang tuần mới làm được”.

Cả hai câu trả lời của đại diện Công ty Cổ phần MHA là bà Nguyễn Thu Hằng và đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội khiến phóng viên không khỏi thắc mắc, bởi nếu lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra liên tục như bà Hằng nói thì tại sao một số mặt hàng nhập khẩu mang thương hiệu SEVEN.am đã và đang bày bán tại các cửa hàng trên hệ thống không hề có nhãn phụ, nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành nhưng lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội không phát hiện ra, và nếu Quản lý thị trường Hà Nội "ngây thơ" đối với hàng hóa như thế thì phải chăng năng lực là có vấn đề hay vì lí do nào khác?

Đơn cử, sản phẩm áo dạ khâu tay được treo bán tại một showroom với “thẻ bài” ghi là “sản phẩm bán theo điều kiện”… “Xuất xứ P.R.C” trong khi ghi đúng phải là: “Xuất xứ Trung Quốc”. Được biết, P.R.C là cụm từ viết tắt của “People’s Republic Of China” - Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Nhưng theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 43/2017 về Nhãn hàng hóa thì phải ghi rõ tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó, không được viết tắt.

dieu tra doc quyen bai 2 cong ty so huu thuong hieu sevenam thua nhan nhap hang trung quoc
Mác trên sản phẩm của SEVEN.AM không ghi xuất xứ.

Thiết nghĩ, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tồn tại bao nhiêu thập kỷ sẽ không thể non nớt đến mức phải "cầm tay chỉ việc" và chờ người dân, báo chí phanh phui ra chỗ nào sai phạm thì mới vào cuộc kiểm tra xử lý, bởi những vi phạm này chỉ cần người tiêu dùng hiểu luật và thông thái cũng rất dễ nhận ra.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc để thị trường thời trang hỗn loạn như hiện nay khi người dân rất khó phân biệt hàng Trung Quốc, hàng Việt Nam, đâu là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng thì trách nhiệm đầu tiên phải là lực lượng Quản lý thị trường.

Nói một đằng, thực tế một nẻo

Quay trở lại với những dấu hiệu vi phạm trong vụ việc thương hiệu SEVEN.am trà trộn hàng Trung Quốc bán kèm với hàng Việt Nam, trong buổi làm việc chiều 7/11, bà Nguyễn Thu Hằng - Chánh văn phòng của Công ty Cổ phần MHA cho biết: “Kho 135 Trần Phú, Hà Đông là của Công ty Bảo Anh, một đối tác cung cấp hàng cho bên tôi, chúng tôi chỉ có cửa hàng ở tầng 1. Những sản phẩm áo măng tô được nhập Trung Quốc có hóa đơn, tờ khai đầy đủ. Khi bán hàng chúng tôi cũng nói rõ cho khách hàng biết đó là hàng Trung Quốc để họ tự nguyện lựa chọn, chính vì nói rõ nên việc cắt bỏ mác chữ Trung Quốc như phản ánh là không có và thao tác đó là thừa (?)”.

dieu tra doc quyen bai 2 cong ty so huu thuong hieu sevenam thua nhan nhap hang trung quoc
Trên sản phẩm túi xách không ghi rõ xuất xứ Trung Quốc như bà Hằng khẳng định.

Khi phóng viên hỏi sẽ tập kết hàng ở đâu khi sản phẩm được nhập về thì bà Hằng khẳng định không cần tập kết mà sẽ chia thẳng cho các cửa hàng (?).

Trái ngược với khẳng định của bà Hằng, phóng viên ghi nhận tại cửa hàng thuộc hệ thống của SEVEN.am ở 146 phố Tôn Đức Thắng, Quốc Tử Giám, Hà Nội), sản phẩm khăn chỉ có thẻ bài thể hiện là Công ty Cổ phần MHA phân phối nhưng không ghi rõ nguồn gốc. Mặt hàng túi xách, ví da cũng tương tự như vậy, mặc dù nhân viên cho biết không phải do công ty sản xuất mà được đặt hàng từ đơn vị khác.

Tương tự, tại cửa hàng số 135 Trần Phú (Hà Đông) thì những sản phẩm áo dạ khâu tay “bán theo điều kiện” (sản phẩm này chỉ được bán khi khách hàng mua một sản phẩm khác có giá trị tương đương – PV) trên thẻ bài cũng chỉ thể hiện sản phẩm do Công ty Cổ phần MHA phân phối mà không ghi rõ đơn vị sản xuất cũng như nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, trong quá trình nhập vai làm công nhân cho Công ty Cổ phần MHA tại tầng 4, 5 của tòa nhà Hesco (địa chỉ 135 Trần Phú, quận Hà Đông), phóng viên ghi nhận việc các kiện hàng khi nhập về phải được đưa đến tầng 5 của tòa nhà để cắt bỏ tất cả chữ Trung Quốc và thay bằng thẻ bài có chữ SEVEN.am, Charming, sau đó các công nhân sẽ phải tự chia hàng cho 24 cửa hàng theo tỷ lệ doanh số bán hàng.

Như vậy, rõ ràng không thể có chuyện tầng 4, 5 của tòa nhà Hesco (địa chỉ 135 Trần Phú, quận Hà Đông) là cơ sở của doanh nghiệp khác không liên quan đến Công ty Cổ phần MHA được.

(Còn nữa...)

Nhóm PV
Phiên bản di động