Để du lịch Hà Nội trở thành thương hiệu…
Đổi mới phương thức quảng bá
Thực hiện Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” (Quyết định số 1685), ngày 1/4/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1310/UBND-KGVX yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ.
Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội. Ảnh: Minh Việt |
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội giao Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đẩy mạnh xã hội hóa công tác xúc tiến du lịch, phối hợp công tư hiệu quả, đặc biệt trong tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch lớn ở nước ngoài. Qua đó, thành phố thu hút khách du lịch quốc tế từ các thị trường trọng điểm, thị trường khách theo loại hình du lịch chuyên đề mà Hà Nội có thế mạnh; triển khai Đề án Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Trong những năm qua, du lịch thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu đáng mừng. Năm 2017 - 2018, tốc độ tăng bình quân khách du lịch đến Hà Nội đạt trên 9,8%/năm, chiếm tỷ trọng 26,8% so với tổng lượng khách toàn ngành Du lịch Việt Nam.
Tổng thu từ khách du lịch trong giai đoạn 2017 - 2018 tăng bình quân 12%/năm, chiếm tỷ trọng 12,9% so với tổng thu từ khách của ngành Du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2019 tổng thu từ khách du lịch ước đạt 50.242 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối năm 2019, tại Hội chợ Du lịch Nhật Bản JATA Expo (tổ chức ở Osaka, Nhật Bản), gian hàng của Hà Nội với kiến trúc mô phỏng Khuê Văn Các, biểu tượng của Thủ đô đã gây ấn tượng mạnh mẽ, thu hút hàng trăm lượt doanh nghiệp du lịch Nhật Bản tham quan. Đến gian hàng, khách được xem trình diễn nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn t’rưng do nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn. Việc quảng bá du lịch Hà Nội bằng hình thức trình diễn nghệ thuật đã mang lại hiệu ứng tốt với doanh nghiệp Nhật Bản.
Trước đây, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thường được triển khai theo từng lĩnh vực và thị trường riêng lẻ nên kết quả đạt được không như mong muốn. Do đó HPA đã đổi mới bằng cách trực tiếp thực hiện tại các thị trường trọng tâm, trọng điểm như: Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Mở rộng hợp tác tới các thị trường tiềm năng
Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương cho biết, ngay sau khi đi vào hoạt động (tháng 6/2015), trung tâm đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy để tập trung cho công tác chuyên môn.
Từ khi thành lập đến nay, với nhiệm vụ là cơ quan đầu mối trong công tác xúc tiến của thành phố, HPA đã chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai chi tiết đối với từng lĩnh vực; tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, phối hợp với các Sở, ngành, năng động và sáng tạo trong các hoạt động. Nhờ đó, vốn thu hút đầu tư nước ngoài tăng dần từng năm. Khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội cũng tăng mạnh qua các năm. Năm 2016, khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội là 21,8 triệu lượt, năm 2018, tăng lên 26,30 triệu lượt.
Các hoạt động xúc tiến của HPA ngày càng được nâng cao về quy mô, chất lượng và tính chuyên nghiệp. Trong đó, các sự kiện xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, các nước châu Âu đã tạo hiệu ứng rất cao. Trong nước, doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch cũng đạt được kết quả thực chất, tăng cả về số lượng hợp đồng và quy mô, mức vốn. Những hoạt động mang tính gắn kết các lĩnh vực ngày càng được chú trọng...
Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương cho biết, trong thời gian tới HPA sẽ tập trung hoạt động xúc tiến vào các ngành: Thương mại, dịch vụ, công nghệ cao… Đồng thời, trung tâm tiếp tục quảng bá cho hàng hóa, điểm đến, dịch vụ du lịch của Hà Nội và đất nước tại các thị trường trọng điểm, từ đó phát huy thế mạnh thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội.