Đại biểu đề xuất lập dữ liệu điện tử tài sản cán bộ

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng, việc lập dữ liệu điện tử tài sản của cán bộ, đối chiếu với thực tế sẽ xóa bỏ tư duy "không dại gì liệt kê đầy đủ".
Câu chuyện giáo dục: Khai giảng cho học sinh hay đại biểu? Đại biểu đề nghị xem xét vấn đề "thanh tra bí mật"

Góp ý Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 2019 của Chính phủ, chiều 4/9, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng, kê khai tài sản là câu chuyện nói nhiều nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do "kê khai không để làm gì" nên đối tượng phải kê khai "không dại gì liệt kê đầy đủ".

Theo ông Sơn, những trường hợp thuộc phạm vi cất nhắc, bổ nhiệm cần có sự xác minh tài sản từ cơ quan chức năng và lập cơ sở dữ liệu điện tử để khi "có ý kiến" chỉ cần truy cập vào hệ thống và so sánh chênh lệch giữa thực tiễn và kê khai, không cần mất nhiều ngày đi xác minh. Ông đặt câu hỏi: "Chính phủ đã ban hành đề án Chính phủ điện tử, vậy đề án này có vai trò như thế nào đối với đấu tranh phòng chống tham nhũng?".

dai bieu de xuat lap du lieu dien tu tai san can bo
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Kê khai tài sản cũng là nội dung mà Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga rất băn khoăn. Bà cho biết, quá trình thẩm tra Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, bản thân bà, Tổng Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đã rất cố gắng để đưa chế tài mạnh vào trong luật.

"Lúc đó, Chính phủ trình là tài sản tăng thêm mà giải trình không hợp lý thì có 2 phương án xử lý là đánh thuế hoặc đưa ra tòa. Gần một năm tôi vật vã với quy định này và xu hướng của Uỷ ban Tư pháp là kiên quyết đưa ra toà, nhưng cuối cùng xin ý kiến đại biểu quốc hội thì cả 2 phương án đều không quá bán, nội dung này không được đưa vào luật", bà Nga nói.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, trong suốt cuộc đời làm công tác thẩm tra phòng, chống tham nhũng thì "băn khoăn lớn nhất là không đạt được việc xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được", mặc dù hiện nay vẫn có biện pháp xử lý nhưng vẫn ở mức độ nhẹ hơn.

Trước đó, Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trong năm 2019, có gần 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập (đạt 99,9%). Có 46 người thuộc diện phải xác minh, trong đó Bộ Xây dựng 21 người, Bộ Công an 3, Thanh tra Chính phủ 1, Đà Nẵng 1, Đắc Lắk 10, Khánh Hòa 2, Lào Cai 3, Tây Ninh 2, Thanh Hóa 1 người và Tiền Giang 2 người. 10 trường hợp bị phát hiện vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), 8 người đã bị xử lý kỷ luật, còn 2 người đang xem xét xử lý.

Đại diện nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp - ông Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, kết quả nêu trên mang tính hình thức; hiệu quả thực chất của việc kê khai chưa cao, không có ý nghĩa nhiều trong phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo ông Hà, các cơ quan mới chủ yếu quan tâm tới số lượng bản kê khai đã đủ và đúng về đối tượng, đúng về thời hạn, quy trình thực hiện, chưa kiểm soát được bản kê khai có trung thực không; tài sản có biến động bất thường, có dấu hiệu bất minh không. "Theo phản ánh của báo chí, cử tri thì nhiều trường hợp cán bộ kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm chưa hợp lý nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý", ông Hà nói.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng. Trong đó, tỉnh Trà Vinh có 1 người nộp 3 triệu đồng; Thái Bình có 2 người nộp 100 triệu đồng.

Năm 2019, có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Theo VnExpress
Phiên bản di động