Đà Nẵng: Kỳ lạ chuyện người chết từ năm 2012 vẫn ký được giấy xác nhận đất tứ cận năm 2018
Lối đi dẫn vào thửa đất 222 m2 của hộ ông Chinh đã bị hộ có sổ đỏ xây bít (Ảnh: V.Q) |
Ngày 22/10, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được đơn kêu cứu của hộ gia đình ông Hồ Ngọc Chinh (SN 1966, ngụ tổ 27, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), về việc yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã cấp trước đó cho một hộ dân khác do cấp vượt hơn 20 m2 khiến gia đình ông không còn lối đi. Hậu quả, hộ ông Chinh đến nay không xin được Giấy phép xây dựng nhà.
Người đã chết vẫn ký được giấy xác nhận
Cầm trên tay lá đơn kêu cứu, ông Chinh ngẹn ngào kể: “Vào năm 2004, gia đình ký chuyển nhượng cho ông Hồ Ngọc Hiệp (em trai ông Chinh) thửa đất có diện tích 104,5m2. Thửa đất này sau đó được huyện Hòa Vang (nay là quận Cẩm Lệ) cấp sổ đỏ số 10438 ngày 10/11/2004. Hồ sơ thửa đất thể hiện rõ con đường rộng 1,5 m để đi vào thửa đất bên trong của gia đình có diện tích 222m2”.
Theo ông Chinh, do điều kiện kinh tế nên gia đình sau đó đã chuyển về phường Hòa Khê, quận Thanh Khê để sinh sống. Lúc này, thửa đất 222m2 vẫn được gia đình để trống. Tuy nhiên, đến năm 2017, gia đình ông Chinh làm thủ tục xin Giấy phép xây dựng tại thửa đất trên thì tá hỏa phát hiện con đường dẫn vào bên trong đã được Văn phòng Đăng ký đất đai quận Cẩm Lệ cấp sổ đỏ luôn cho hộ liền kề.
Hiện hộ dân mua thửa đất có diện tích khoảng 100m2 đất trước đó đã xây bít luôn lối đi vào thửa đất của hộ ông Chinh, tức diện tích bị mất của hộ ông Chinh là hơn 20m2. Như vậy, từ diện tích ban đầu đến khi được cấp sổ đổ, thửa đất 100m2 đã tăng thành 134m2 và đã được người mua xây dựng nhà kiên cố.
Lối đi rộng 1,5m thuộc quyền sử dụng của hộ ông Chinh nay đã không còn (Ảnh: V.Q) |
“Trước khi xảy ra tranh chấp, lô đất 100m2 đã được bán cho 3 người. Đến năm 2017, lô đất trên tiếp tục được bán cho 3 người khác. Mặc dù hộ cuối cùng đã xây dựng nhà nhưng chính quyền lại không có biện pháp ngăn chặn" – ông Chinh bức xúc.
Ông Chinh cho biết, nguồn gốc đất của các hộ liền kề là do bà Phạm Thị Sé (bà nội ông Chinh) đã mất từ năm 2012 chuyển cho ông Đào Mộng Ý, với diện tích khoảng 100m2.
Các bên cũng thỏa thuận để con đường rộng 1,5m dẫn vào lô đất. Sau đó, ông Ý chuyển nhượng lại cho bà Lê Thị Phong Lan. Khi bà Lan đăng ký sổ đỏ, diện tích thửa đất bất ngờ tăng lên 134m2, trong khi các hộ liền kề và gia đình ông Chinh không hề ký tiếp giáp nhưng bà Lan vẫn được cấp sổ đỏ.
Vị trí thửa đất 222 m2 của hộ ông Chinh vẫn thể hiện con đường đi rộng 1,5 m trên sơ đồ vị trí thửa đất được chuyển nhượng (Ảnh: V.Q) |
“Bà nội tôi mất từ năm 2012 thì làm sao ký giấy xác nhận tứ cận vào năm 2018. Hơn nữa, ông Xảo và bà Hiền (2 người hàng xóm liền kề - pv) cũng không ký tứ cận. Chữ ký của bà Trần Thị Xuân cũng bị làm giả nhưng UBND phường Hòa Phát vẫn xác nhận hồ sơ. Sau đó, quận Cẩm Lệ cấp sổ đỏ cho hộ bà Lan để làm cơ sở xây dựng nhà, rồi bít luôn lối đi rộng 1,5 m dẫn ra đường bê tông” – ông Chinh phân tích.
Vào tháng 4/2018, phát hiện hộ bà Lan đang sửa nhà, gia đình ông Chinh đã ngăn chặn và làm đơn gửi UBND phường Hòa Phát. Qua nhiều lần đối thoại, hòa giải nhưng bà Lan vẫn không có mặt để giải quyết khiến vụ việc kéo dài.
Đến ngày 28/5, Văn phòng Đăng ký đất đai quận Cẩm Lệ vẫn tiếp nhận hồ sơ để tách thửa cho hộ bà Lan, từ thửa 20 thêm một thửa 293. Tách thửa thành công, bà Lan tiếp tục chuyển nhượng cho hộ ông Vũ Bình Tĩnh.
Đến tháng 4/2019, hộ ông Chinh lên quận Cẩm Lệ làm thủ tục thay đổi sổ đỏ mới nhằm chứng minh có con đường như trong hồ sơ nhưng không được giải quyết, trong khi đơn mà hộ ông Chinh đã gửi lên quận là vào tháng 5/2018. Đến tận ngày 20/8/2019, UBND phường Hòa Phát mới có văn bản trả lời đơn thư và yêu cầu hộ ông Chinh liên lạc quý cấp để được giải quyết.
“Có dấu hiệu giả mạo chữ ký”
Đem những bức xúc của hộ ông Chinh, phóng viên đã tìm đến trụ sở UBND phường Hòa Phát để làm rõ vụ việc. Qua nghiên cứu hồ sơ, ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát, thông tin: “Trước khi được cấp sổ đỏ, thửa đất 104,4m2 được bà Phạm Thị Sé bán cho ông Đoàn Ngọc Ý và sau đó được bán cho bà Bùi Thị Trang. Người mua tiếp theo là bà Lê Thị Phong Lan.
Giấy trích lục khai tử đối với bà Phạm Thị Sé do UBND phường Hòa Phát cung cấp (Ảnh: V.Q) |
Lúc này, bà Lan tách thành công thành 2 thửa rồi bán 1 thửa cho ông Lê Quốc Dũng và 1 thửa cho ông Vũ Bình Tĩnh. Ông Dũng sau đó bán lại cho ông Nguyễn Phước Thọ và Nguyễn Tấn Trung. Còn ông Tĩnh bán lại thửa đất cho ông Trần Hữu Phước và cuối cùng là bán cho ông Võ Huy Cường.
Biên bản hòa giải của UBND phường Hòa Phát đối với hộ của ông Chinh (Ảnh: V.Q) |
Qua xác minh thông tin kỹ càng từ các nguồn, ông Tuấn phát hiện hồ sơ xác nhận tứ cận để làm cơ sở cho Văn phòng Đăng ký đất đai quận Cẩm Lệ làm sổ đỏ cho thửa đất 100m2 có dấu hiệu bị là giả chữ ký của ít nhất 3 người.
Theo ông Tuấn, sau khi có đơn gửi lên phường của ông Chinh, chính quyền phường đã vào cuộc xác minh và tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành công, do hộ bà Hoa không tham dự.
Văn bản của Ban Tiếp Công dân TP Đà Nẵng gửi đến UBND quận Cẩm Lệ đề nghị kiểm tra, xử lý đối với trường hợp của ông Chinh (Ảnh: V.Q) |
“UBND phường là đơn vị xác nhận hồ sơ tứ cạnh để làm cơ sở chuyển lên quận. Do phát hiện có dấu hiệu làm giả, phía UBND phường đã yêu cầu Công an phường vào cuộc xác minh, làm rõ. Nếu phát hiện đúng là có dấu hiệu làm giả hồ sơ, UBND phường sẽ đề nghị hủy sổ đỏ đã được quận cấp trước đó, đồng thời đề nghị bổ sung lại diện tích đất mà hộ ông Chinh bị lấn chiếm trước đó (nếu có) để ông Chinh có lối đi ra ngoài” – ông Tuấn khẳng định.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin !