Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang tiếp tục bị "sờ gáy"
Đây không phải lần đầu tiên Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang vi phạm trong quá trình khai thác ở mỏ than Bố Hạ, huyện Yên Thế khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do xe tải chở than rơi vãi dọc đường, hệ thống giao thông xuống cấp nghiêm trọng, đất đá thải đổ trái phép gây bức xúc cho hàng nghìn hộ dân.
Để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế là ông Vũ Trí Hải đã chỉ đạo cơ quan liên quan vào cuộc làm rõ những vi phạm của doanh nghiệp này.
Cơ quan chức năng của huyện Yên Thế đã vào cuộc làm rõ những vi phạm của công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Giang
Ngày 18/1/2019, phòng TN&MT huyện Yên Thế gửi Văn bản gửi lãnh đạo Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Giang và Chủ tịch UBND các xã có liên quan để làm rõ những vi phạm về quản lý đất đai, tài nguyên - môi trường như đổ đất xuống ruộng lúa, san lấp mặt bằng trái phép bằng đất, đá thải ...
Trả lời PV, ông Dương Đoàn Thanh - Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Thế cho biết sẽ làm rõ những vi phạm liên quan tới lĩnh vực tài nguyên - môi trường của doanh nghiệp này.
Trước đó, người dân sinh sống trên địa bàn xã Đông Sơn phản ánh hoạt động khai thác than và đổ thải của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang không đúng quy định, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, đời sống của bà con, đặc biệt là có nguy cơ xâm hại di tích Cô Chín Thượng đã được xếp hạng.
Bãi đổ thải của công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Giang bị người dân tố đổ thải trái phép
Đáng nói hơn, người dân thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn còn bức xúc bởi nước thải từ bãi đổ thải của công ty chảy xuống đường làm hỏng đường, xói món khiến giao thông đi lại rất khó khăn. Không những vậy, nhiều người dân lo lắng nguy cơ gây ô nhiễm, xâm lấn đập Ao Đèo (nơi trữ nước phục vụ phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp) là khó tránh khỏi vì vị trí này cách bờ đập chỉ khoảng 200m.
Không chỉ đổ thải trái phép, mà kể từ khi mỏ than Bố Hạ hoạt động, hàng nghìn hộ dân ven tỉnh lộ 242 thuộc các xã Đồng Hưu, Hương Vỹ và thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế rơi vào cảnh sống chung với ô nhiễm.
Vào những ngày mưa, nước trộn với bụi than thành thứ bùn sệt đen kịt khiến việc đi lại vô cùng khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì mặt đường đen sì mầu than.
Mặt đường tỉnh lộ 242 luôn trong tình trạng một màu đen kịt màu than
Theo quan sát, sở dĩ tuyến đường này bụi, bẩn như vậy do những đoàn xe ô tô vào trong mỏ lấy than. Sau khi quay ra thì bánh xe dính bùn, đất rơi ra, bên cạnh đó là tình trạng rơi vãi than dọc đường cũng khiến cho tuyến đường này bẩn càng thêm bẩn.
Trao đổi với PV, đại diện lực lượng CSGT huyện Yên Thế cho biết, tình trạng đường bụi, bẩn là có thật. Tình trạng này là do xe chở than rơi từ đít thùng xe gây ra và một phần do bánh xe dính đất thải ở trong mỏ than rồi chạy ra đường dẫn tới như vậy. Để hạn chế tình trạng này thì chủ doanh nghiệp cần phải có biện pháp khắc phục và ý thức trong quá trình vận chuyển than.
Xe ô tô chở than là nguyên nhân chính gây ra tình trạng bụi bẩn trên đường tỉnh 242
Trước đó, tháng 11/2018, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra và chỉ ra hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang như không nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khoáng sản. Xe tải chở than của doanh nghiệp này gây ô nhiễm môi trường, khiến đường xá xuống cấp nghiêm trọng... làm người dân vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, không hiểu sao mà doanh nghiệp này chỉ bị... nhắc nhở.
Theo tìm hiểu của PV, tháng 9/2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp này với hàng loạt vi phạm trong quá trình hoạt động và yêu cầu phải khắc phục ngay những vi phạm. Tuy nhiên, không hiểu vì điều gì mà đến tháng 3/2018 UBND tỉnh Bắc Giang lại cho phép doanh nghiệp này hoạt động trở lại mặc dù những vi phạm của doanh nghiệp này vẫn chưa được khắc phục.
Mặc dù doanh nghiệp này chưa khắc phục những sai phạm nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang vẫn kí văn bản cho hoạt động
Trao đổi với PV về việc này, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) sau khi nghiên cứu hồ sơ đã đặt ra nghi vấn: Vì sao Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhiều năm nhưng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam lại xử lý đầy "ưu ái" như vậy? Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang có đang buông lỏng quản lý, để cho doanh nghiệp mặc sức cày nát tỉnh lộ và vi phạm pháp luật?
Những sai phạm của công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang đã quá rõ ràng, vậy tại sao đến nay các cơ quan chức năng của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Bắc Giang không mạnh tay xử lý mà vẫn "nương tay" để cho doanh nghiệp mặc sức vi phạm như vậy?.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.