Chùa Thành – điểm nhấn du lịch đầu năm ở Lạng Sơn
Trước kia chùa nằm cạnh Đoàn thành Lạng Sơn do nhân dân trong vùng lập nên khoảng thế kỷ XV (thời Lê) với tên gọi chùa Hương Lâm nhưng vì cạnh Đoàn thành nên người dân quen gọi là chùa Thành.
Chùa Thành là một tổng thể kiến trúc xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Ngoài cùng là cổng Tam quan, quay về hướng Tây, được xây dựng theo kiểu chồng diêm: 2 tầng 8 mái, bên trên có đắp “Lưỡng long chầu nhật”. Bên trong Tam quan là tòa Đại bái, phương đình, chính điện, hậu cung… Về phía bên phải, cách khoảng sân nhỏ là nhà Tổ và cung Mẫu.
Về nội thất, chùa Thành có một hệ thống tượng pháp rất phong phú, đa dạng, tập trung chủ yếu ở tòa Thượng điện. Toàn bộ hệ thống tượng thờ (gồm 53 pho tượng lớn, nhỏ) của chùa Thành được đúc bằng đồng nguyên khối.
Bên cạnh đó, các hoành phi, câu đối của chùa cũng được chạm khắc tinh xảo. Nhiều bộ được sơn son thếp vàng và có tuổi hàng trăm năm.
Năm 1993, chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Ở chùa có pho tượng Phật ngọc Thích ca mâu ni thiền định, nặng hơn 30 tấn, mới được phật tử cúng tiến vào đầu năm 2013.
Đây là một ngôi chùa thờ Phật nổi tiếng ở Lạng Sơn trong suốt nhiều thế kỷ qua được du khách biết tới.
Đến thời điểm này, chùa Thành nắm giữ 3 kỷ lục: Năm 2007, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Ngôi chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam”.
Năm 2008, được xác nhận kỷ lục là ngôi chùa tổ chức mừng đại lễ Phật đản nhiều nhất Việt Nam.
Năm 2009, được xác nhận kỷ lục là ngôi chùa tổ chức đại lễ chúc thọ theo nghi lễ Phật giáo lớn nhất Việt Nam.
Đến với Lạng Sơn, bạn đừng quên ghé qua Chùa Thành - một trong những điểm đến tâm linh thu hút du khách trong và ngoài tỉnh ngay từ ngày mùng 1 tết âm lịch hằng năm.