Bộ Công thương phải đặc biệt chú ý chống tiêu cực trong xây dựng chính sách
Bộ trưởng Bộ Công thương: Cần có chính sách hỗ trợ ngành thép phát triển Bộ Công thương ra chỉ thị gỡ “tắc” cho xuất khẩu, tiêu thụ nông sản |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình, kết quả công việc và các vấn đề tồn đọng, cấp bách cần tập trung chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Thông báo nêu rõ, thời gian tới, Bộ Công Thương cần quan tâm các mặt công tác, đặc biệt chú trọng yếu tố con người để tập trung nguồn lực vào công tác hoàn thiện thể chế, công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực, xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển, gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nâng cao hiệu quả trong quản lý Nhà nước.
Trong đó, Bộ Công thương cần coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị cán bộ, bảo đảm trong sạch, vững mạnh, phát huy và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tích cực phòng ngừa, tránh để xảy ra các hạn chế, khuyết điểm, sai phạm như thời gian qua, đặc biệt là phải nghiên cứu ban hành cơ chế chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí.
Trụ sở Bộ Công thương. |
Đồng thời, Bộ Công thương cũng cần rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy bên trong tinh gọn hơn nữa theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chủ yếu vào vai trò quản lý Nhà nước trong việc xây dựng thể chế và cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và bản thân từng đồng chí lãnh đạo Bộ và các cấp phải là tấm gương để cán bộ, công chức trong ngành noi theo, chức vụ công tác càng cao thì càng phải nêu gương; tăng cường bám sát thực tiễn, phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy kết quả công tác và sản phẩm cụ thể làm thước đo để điều chỉnh hành động cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tập trung chỉ đạo, rà soát kỹ nội dung Quy hoạch điện VIII, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết, trước hết, đặc biệt chú ý đến chống tiêu cực trong xây dựng chính sách, ai vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong đó, Bộ Công thương cần lưu ý nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề cấp bách Bộ Công thương cần tập trung là tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp; củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống hạ tầng thương mại nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển của thương mại trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công thương cần rà soát hệ thống văn bản để ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi đầy đủ các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai tốt, nắm bắt các cơ hội từ các Hiệp định FTA đã ký...
Đồng thời, Bộ Công thương cũng quan tâm và chỉ đạo làm tốt hơn công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách; chủ động cung cấp thông tin hoạt động của ngành, khách quan, trung thực; chú ý cho sơ kết, tổng kết những mô hình hay, cách làm có hiệu quả để tuyên truyền nhân rộng; tránh để xảy ra việc đưa thông tin không chính xác tác động đến hoạt động, uy tín của ngành, đặc biệt không để xảy ra khủng hoảng về truyền thông.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, với nhu cầu phát triển lưới điện trên, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD. Trong đó chi phí cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74 và 26%. Giai đoạn 2021-2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn và 3,3 tỷ USD cho lưới). Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỷ USD. Trong đó, chi phí cho nguồn điện là 140,2 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 73 và 27%. Giai đoạn 2031-2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,3 tỷ USD cho nguồn và 3,4 tỷ USD cho lưới). Chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 UScent/kWh (tương đương 2.024 đồng/kWh). Giai đoạn 2021-2030 và 9,6 UScent/kWh (tương đương 2.208 đồng/kWh). Giai đoạn 2021-2045, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 UScent/kWh (tương đương 2.622 đồng/kWh) giai đoạn 2021-2030 và 12,3 UScent/kWh giai đoạn 2021-2045 (tương đương 2.829 đồng/kWh). |