‘Bão chồng bão, lũ chồng lũ’ làm khổ người dân miền Trung đến bao giờ?

Cơ quan khí tượng cho biết vùng “rốn lũ” miền Trung sẽ tiếp tục phải hứng chịu thêm đợt mưa lớn kéo dài đến 20/10, do áp thấp nhiệt đới trên biển Đông khả năng mạnh lên thành bão.
Nhanh chóng khắc phục giao thông sau mưa lũ do bão số 7 gây ra Miền Trung có mưa rất to, Quảng Bình-Quảng Nam ngập lụt sâu
‘Bão chồng bão, lũ chồng lũ’ làm khổ người dân miền Trung đến bao giờ? | Môi trường | Vietnam+ (VietnamPlus)
Nhiều tuyến đường ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu.

Trong vòng một tuần qua, khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng bởi 2 cơn bão kéo theo “lũ chồng lũ,” gây ra hàng loạt trường hợp tai nạn thương tâm. Thế nhưng, thiên tai dường như vẫn chưa chịu buông, khi cơ quan khí tượng vừa đưa ra dự báo trong những ngày tới, vùng “rốn lũ” miền Trung sẽ tiếp tục phải hứng chịu thêm đợt mưa lớn kéo dài đến 20/10, do áp thấp nhiệt đới trên biển Đông khả năng mạnh lên thành bão.

Đợt mưa lớn trọng điểm từ 17-19/10

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, cho biết vào lúc 8 giờ sáng 15/10, áp thấp nhiệt đới ở miền trung Philippines đã đi vào Biển Đông với tốc độ di chuyển tương đối nhanh.

Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 16 đến 18/10 ở các tỉnh từ Nam Nghệ An đến Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to, riêng các tỉnh từ Nam Nghệ An đến Đà Nẵng mưa lớn còn có khả năng kéo dài đến ngày 20/10/2020.

Thông tin về khả năng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông hình thành bão số 8, ông Khiêm cho rằng đến lúc này, nhiều mô hình dự báo cho thấy áp thấp nhiệt đới chỉ có 50-60% khả năng mạnh thành bão. Nếu không khí lạnh tràn xuống khống chế trước, bão sẽ không xuất hiện.

“Dù vậy, những ngày tới, khi kết hợp với nhiều hình thái khác, áp thấp nhiệt đới có thể gây ra một đợt mưa rất lớn cho nhiều tỉnh Trung Bộ, trọng tâm mưa nằm từ Hà Tĩnh đến Phú Yên,” ông Khiêm nhấn mạnh.

Hiện dải hội tụ nhiệt đới vắt qua Trung Trung Bộ đang hoạt động mạnh. Đến ngày 16/10, không khí lạnh tăng cường, bổ sung trực tiếp vào khu vực Trung Trung Bộ với cường độ khá mạnh, gây mưa trực tiếp cho khu vực.

Ngoài ra, áp cao cận nhiệt đới cũng đang tồn tại. Đây chính là hình thái điển hình tạo ra nhiễu động gió đông trên cao, gây ra các đợt mưa lớn diện rộng miền Trung. Trong tâm của đợt mưa lần này có thể sẽ xuất hiện trong ngày 17-19/10.

Ông Khiêm dự báo trong những ngày tới, lượng mưa tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình có thể lên mức 400-700 mm, có nơi trên 700 mm. Khu vực Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, tổng lượng mưa 300-500 mm, có nơi trên 500 mm. Lượng mưa ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên dao động 200-400 mm.

“Sau ngày 20/10, khi áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền và suy yếu, mưa tiếp diễn ở Bắc Bộ và Trung Trung Bộ với lượng 100-150 mm. Thời gian này, mưa ở Trung Bộ chủ yếu bị khống chế bởi không khí lạnh,” ông Khiêm nói thêm.

Vận dụng phương châm “bốn tại chỗ”

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về ứng phó với mưa lũ và áp thấp nhiệt đới vừa diễn ra sáng 15/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định hoàn lưu bão số 7 sẽ còn ảnh hưởng, cùng với đó là áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ.

‘Bão chồng bão, lũ chồng lũ’ làm khổ người dân miền Trung đến bao giờ? | Môi trường | Vietnam+ (VietnamPlus)
Mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng ở huyện Phú Ninh, Quảng Nam, ngày 3/12.

“Tới đây, hoàn lưu cơn bão số 7 tiếp tục gây mưa ở một số tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng, một số tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, tuy lượng mưa không lớn nhưng không được chủ quan, phải theo dõi chặt chẽ hệ thống hồ; đặc biệt là hồ thuỷ điện, thuỷ lợi; đảm bảo dự trữ nước cho mùa khô năm sau,” ông Cường nhấn mạnh.

Đặc biệt, dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng gây mưa lớn cho khu vực Trung Bộ trong những ngày tới, do vậy, ông Cường đề nghị 5 tỉnh khu vực này vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ trong ngày 15,16/10 tập trung tối đa công tác phục hồi: cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn và phục hồi đời sống nhân dân. Chuẩn bị tích cực nhất để ứng phó hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới hiện đang trên biển Đông.

Cùng với đó, các địa phương điều hành thống nhất, chủ động; phân tích, vận dụng hiệu quả nhất phương châm “bốn tại chỗ” để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Trước đó, phát biểu tại lễ trao giải báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019 với chủ đề “Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai - Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu bắt đầu từ cộng đồng,” diễn ra sáng 13/10, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh những năm gần đây, nguy cơ rủi ro thiên tai ngày càng lớn.

Chỉ riêng tại Việt Nam, mỗi năm cả nước phải hứng chịu hơn 10 cơn bão cùng với nhiều loại hình thời tiết rất dị thường, cướp đi sinh mạng của 300 - 400 người; thiên tai cũng gây thiệt hại khoảng 1,5 đến 2% GDP/năm. Riêng năm 2017 có tới 24 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, gây thiệt hại 63.000 tỷ đồng.

Theo ông Cường, một trong những nguyên nhân khiến thiên tai ngày càng khó lường là do sự phát triển quá nhanh, chưa khoa học, chưa hợp lý của con người. Do đó cần phải hành động ở các cấp độ, không trừ một ai để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Nhắc lại bài học về “lũ chồng lũ” đã từng xảy ra tại khu vực miền Trung năm 2017, ông Cường nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

Lý giải về việc xuất hiện bão dồn dập được cho là bất thường trong những ngày qua tại miềm Trung, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết nguyên nhân chính thứ nhất là trạng thái đại dương chuyển sang Lanina. Thứ hai là trong tháng Mười này, không khí lạnh bắt đầu hoạt động khá mạnh, liên tục có các đợt tăng áp từ phía Bắc cho nên gió Đông Bắc trên khu vực Biển Đông cũng rất mạnh. Cùng với đó, mặt biển trên khu vực Biển Đông còn đang khá ấm, nhiệt độ khá cao 28-30 độ C, thuận lợi cho việc hình thành bão. Các điều kiện trên khiến cho tháng 10, tháng 11 sẽ có bão liên tiếp hình thành trên Biển Đông.
Nguồn: Vietnam+
www.vietnamplus.vn
Phiên bản di động