e magazine
01/06/2024 10:09
Tình cảm của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng

01/06/2024 10:09

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc cho thiếu niên, nhi đồng. Với Người, “trẻ em như búp trên cành”, cần được chăm sóc tận tình, chu đáo về mọi mặt. Tình cảm mà Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng là tình yêu thương vô bờ bến xuất phát từ niềm tin rằng thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ kế thừa truyền thống của cha ông để xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh.

Bác Hồ

Bác Hồ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc cho thiếu niên, nhi đồng. Với Người, “trẻ em như búp trên cành”, cần được chăm sóc tận tình, chu đáo về mọi mặt. Tình cảm mà Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng là tình yêu thương vô bờ bến xuất phát từ niềm tin rằng thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ kế thừa truyền thống của cha ông để xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh.

Trong muôn vàn tình thương yêu dành cho thiếu niên, nhi đồng, Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, ngày khai trường, Tết Trung thu… mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non Việt Nam.

Niềm tin, sự quan tâm của Bác được thể hiện phần nào qua những vần thơ, bức thư chan chứa tình cảm viết cho thiếu niên, nhi đồng, với lời lẽ ân cần, trìu mến, chí tình. Người căn dặn các cháu phải ngoan ngoãn, đoàn kết, thi đua, học tập, lao động, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khỏe và tiến bộ. Người đã đặt niềm tin yêu vào những chủ nhân tương lai của đất nước, rằng: “… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”.

Bác Hồ

Trong mỗi giai đoạn của cách mạng cũng như của cuộc đời cống hiến và hy sinh của mình, trẻ em luôn là lớp “công dân đặc biệt” được Bác dành sự quan tâm sâu sát. Chăm lo cho thế hệ trẻ, cho trẻ em thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Người. Trong Di chúc của mình, Bác Hồ 2 lần nhắc đến nhi đồng. Đoạn mở đầu, Bác viết:

“Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.

Ở đoạn kết, Bác lại viết:

“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.

Tình thương yêu trẻ luôn thường trực trong Bác. Xúc động biết bao khi đọc bài viết của Bác trước lúc từ biệt thế giới này để gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, Bác viết:

“Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

Là một nhà giáo dục vĩ đại, Bác Hồ coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ không chỉ ở nội dung mà cả phương pháp dạy học và giáo dục. Nói chuyện với lớp cán bộ đào tạo mẫu giáo, Bác nhắc nhở:

“... Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này cháu trở thành người tốt”.

Bà Lê Thu Trà (nguyên Khu ủy viên Khu ủy I; nguyên Quyền Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Trung ương; nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương - người đã có nhiều công lao to lớn, thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc) kể rằng: Trong một lần bà chuẩn bị cho Bác một bài báo về tình hình công tác thiếu nhi, có đoạn: “ ... Song còn một số ít cháu hư vì chưa được chăm sóc, dạy dỗ đến nơi đến chốn” đọc đến đây Bác dừng lại, nét mặt đăm chiêu, Bác nói: “Nói các cháu hư thì nó sẽ hư mãi. Với các cháu không nên khẳng định là các cháu hư mà nói là các cháu chậm tiến. Chậm tiến tức là chưa tiến bộ, mà chưa tiến bộ, được sự chỉ bảo dìu dắt, giúp đỡ, các cháu sẽ tiến bộ”.

Bác Hồ

Tình cảm mà Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng là tình yêu thương vô bờ bến xuất phát từ niềm tin rằng thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ kế thừa truyền thống của cha ông để xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh

Còn nhớ trong thư Bác Hồ gửi Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi tháng 11/1949, Bác căn dặn: “Giáo dục các cháu… phải giữ toàn vẹn tính cách vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra những người “già sớm”. “Trong lúc học cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần cho chúng học, ở trong nhà, ở trường học, ở xã hội chúng đều vui, đều học... Giáo dục thiếu nhi là một khoa học. Vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để tiến bộ mãi”.

Về nội dung giáo dục ở các cấp học, Bác nhắc nhở nhiều lần:

“Cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục; dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà, dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ quốc”.

Ngày 15/5/1961, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập đội Thiếu niên Tiền phong, Bác Hồ gửi thư chúc mừng các cháu, trong thư Bác âu yếm dạy các cháu thực hiện 5 điều:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào;

Học tập tốt, lao động tốt;

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt;

Giữ gìn vệ sinh;

Thật thà, dũng cảm”.

Cho đến hôm nay, thiếu nhi cả nước vẫn xem đó là mục tiêu để phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá đội viên tiêu biểu của Đội. Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Bác Hồ

Bác Hồ thăm lớp mẫu giáo tại chiến khu Việt Bắc

Năm 1964 sau khi Bác nghe bà Lê Thu Trà báo cáo về tình hình thiếu nhi, Bác nói: “Thời gian qua các cháu làm được nhiều việc tốt, nhiều cháu được Bác khen thưởng huy hiệu của Bác. Động viên khen thưởng các cháu là việc nên làm, cần phải làm. Nhưng được khen nhiều các cháu cũng dễ sinh tự kiêu, tự mãn, vì vậy Bác muốn thêm hai chữ “khiêm tốn” vào điều 5, thành: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Bác nói tiếp: “Ba điều trên 6 chữ, hai điều dưới chỉ có 4 chữ, nay thêm hai chữ khiêm tốn và điều 5, còn điều 4 chỉ có 4 chữ: “giữ gìn vệ sinh” mới giữ gìn vệ sinh thôi chưa đủ, với các cháu cần phải giữ gìn vệ sinh thật tốt. Bác thêm hai chữ “thật tốt” vào điều 4”. Như vậy 5 điều của Bác đều có 6 chữ, đủ nghĩa và để các cháu dễ nhớ.

Tình yêu thương thiếu niên nhi đồng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện bằng tất cả tấm lòng của người ông, người bác, người cha và với tầm nhìn của một vị lãnh tụ thiên tài chăm lo cho thế hệ tương lai của nước nhà. Trong hoàn cảnh nào và ở đâu, Người cũng luôn nghĩ về các cháu, hướng các cháu vào những hoạt động vui chơi bổ ích và nề nếp kỷ luật. Dù bận trăm công nghìn việc lãnh đạo đất nước, nhưng Người vẫn luôn dành thời gian đi thăm các trường học, lớp mẫu giáo, trại thiếu nhi... động viên, khuyên nhủ và cùng vui chơi với các cháu.

Bác Hồ Bác Hồ quàng khăn quàng đỏ cho thiếu nhi

Đặc biệt, Người thường xuyên viết thư thăm hỏi, gửi quà động viên các cháu thiếu niên nhi đồng miền Nam đang sống dưới sự đàn áp của Mỹ - Ngụy, chưa có một ngày hòa bình thật sự. Người cũng rất quan tâm đến các cháu thiếu nhi sự đàn áp của Mỹ - Nguỵ. Tình yêu đó, sự quan tâm đặc biệt đó bắt nguồn từ lý tưởng: suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Ở Người, quan điểm về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em đã sớm trở thành một bộ phận của tư tưởng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội văn minh. Bác luôn có một sự gắn bó mật thiết, một tình cảm trìu mến, hiền hòa và chu đáo với thiếu nhi. Đó là sự ấm áp vô cùng của một vị lãnh tụ vĩ đại.

Tháng 1/1958, Bác đến thăm trường thiếu nhi miền Nam. Nghe tin Bác đến thăm, các cô chú phụ trách trường tíu tít chuẩn bị, trang hoàng hội trường đón Bác. Khi Bác đến, tất cả mọi người ùa ra đón Bác và đưa Bác đến hội trường đã được chuẩn bị cờ, hoa lộng lẫy. Nhưng Bác đề nghị dẫn Bác đến nhà bếp và phòng ngủ xem các cháu có được ăn no, ngủ ấm và chăm sóc chu đáo không. Sau đó Bác lấy ra một gói kẹo lớn chia đều cho các cháu. Đang nhìn các cháu ăn kẹo, Bác chợt nhận ra có 1 cháu đang đứng ở góc phòng, nét mặt buồn so. Bác gọi lại hỏi:

- Cháu tên là gì? Vì sao lại đứng ở đây?

- Cháu tên là Tộ. Vì cháu phạm lỗi, tay bẩn không rửa nên các cô chú phạt, không cho nhận kẹo của Bác.

Bác cười bảo Tộ đi rửa tay rồi chia kẹo cho Tộ, sau đó Bác dạy:

- Từ nay, cháu phải luôn giữ gìn đôi tay cho sạch nhé. Bàn tay con người rất đáng quý.

Tộ rất cảm động trước sự chăm sóc ân cần của Bác. Từ đấy, Tộ luôn giữ đôi tay sạch sẽ và rửa tay sạch trước khi ăn.

Bác không bao giờ quên chuẩn bị những gói kẹo, gói bánh để làm quà tặng cho các em nhỏ, thể hiện sự quan tâm chu đáo của Người. Đối với thiếu nhi, đặc biệt là các cháu bé, Bác luôn ân cần, gần gũi và ấm áp như vậy. Bác luôn chỉ dạy các em nhỏ bằng những lời nói hết sức giản dị, tạo cảm giác thoải mái, yêu thương đến các em.

Bác Hồ

Bác Hồ thăm thiếu nhi miền Nam

Ba tháng trước lúc Người đi xa, cũng nhân dịp ngày 1/6, Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng".

Bác Hồ khẳng định: "Nói chung trẻ con ta rất tốt", Bác nhắc đến các cháu thiếu nhi ở hai miền Nam, Bắc thi đua làm nghìn việc tốt như thế nào, thành tích ra sao. Tuy nhiên, "vẫn còn một số ít cháu chậm tiến vì chưa được chăm sóc dạy dỗ đến nơi đến chốn". Nói thế là Bác muốn nhắc đến vai trò và trách nhiệm của người lớn đối với các em.

Người luôn cho rằng : "Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ...". Bác kêu gọi mọi người: "Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt".

Chuẩn bị cho ngày đi gặp các cụ Các Mác, Lênin, trong di chúc của mình, Người lại nói: "... Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".

Những lời Bác dạy, những tình cảm yêu thương vô bờ bến Bác dành cho thiếu nhi đã, đang và sẽ mãi là hành trang bổ ích cho thế hệ trẻ Việt Nam bước vào thời đại mới.

Bài viết và trình bày: Thành Trung (Tổng hợp)

Thành Trung