Với nội dung đa dạng, hấp dẫn, giúp người mua hàng vừa được giải trí, vừa tiết kiệm thời gian và có được một mức giá “phải chăng”, những phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đang thay đổi cách thức mua sắm và là “chất gây nghiện” với nhiều người trẻ.
Những phiên livestream “triệu đô”, chiến thần livestream… đang là các danh xưng mỹ miều để miêu tả về xu hướng mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử cũng như trên nhiều trang mạng xã hội. Theo báo cáo của TikTok Việt Nam, những buổi livestream đã tiếp cận 72% người dùng tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam trong mùa Lễ hội mua sắm đầu năm 2024. Nhiều kênh TikTok có lượt theo dõi cao cũng gây chú ý khi đạt doanh thu khổng lồ, thu về hàng chục tỷ đồng nhờ livestream bán hàng.
Lướt qua một vòng dưới phần bình luận của các buổi livestream đó, ta có thể thấy dễ dàng những người tương tác đa phần là các bạn trẻ, đặc biệt là ở mặt hàng mỹ phẩm, quần áo và đồ gia dụng. Nhiều người cho biết, họ khó kìm lòng trước cơn sốt chốt đơn nhanh. Vào các dịp săn sale như lễ, Tết, các dịp ngày đôi, thị trường mua sắm livestream lại sôi động hơn khi càng có nhiều “đất” phát triển.
Những phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đang thay đổi cách thức mua sắm và là “chất gây nghiện” với nhiều người trẻ |
Minh Anh (25 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ rằng, bản thân cô rất hào hứng với việc chốt đơn trên livestream nhờ những deal giảm giá, những chương trình hấp dẫn mua 1 tặng 1.
“Mỗi lần như vậy mọi người chốt đơn nhanh lắm, thêm cả việc các streamer liên tục hô hào nữa, không khí đó dễ khiến mình phấn khích chốt đơn, nhất là có mấy phiên đếm ngược 10 giây cuối để chốt sản phẩm trước khi hết mã giảm ấy, cảm giác chốt đơn thành công giống như mình đang chiến thắng một cuộc thi nào đó”, Minh Anh nói
Ngoài việc có nhiều mã giảm giá hơn, livestream khiến người mua cảm thấy được chăm sóc kỹ càng, tránh khỏi tình trạng đắn đo rồi “nản mua”. Thùy Trang (26 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một tín đồ chốt đơn trên livestream như vậy với trung bình 15 lần/tháng. Cô gái trẻ thừa nhận trong số đơn hàng được chốt phần lớn đến từ sức hút của việc xem phát trực tiếp.
“Khi xem livestream, mình sẽ được các streamer giải đáp thắc mắc về sản phẩm, còn được xem những bình luận đánh giá đến từ người mua. Vậy nên, mình sẽ không cần phải lướt xem mục thông tin về món đồ đó cũng như mục phản hồi. Điều này giúp mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian”, Thùy Trang bày tỏ.
Bên cạnh đó, Thùy Trang cũng cho rằng livestream mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị về sản phẩm, dễ hình dung về mặt hàng muốn mua. Tuy mặt hàng nhận về có lúc ưng ý, có lúc không như mong đợi nhưng đa phần khi đã chọn mua trực tiếp trên các phiên livestream, người mua hàng sẽ chấp nhận rủi ro của mình.
Tương tự, dù bị mua trúng hàng nhái nhiều lần nhưng Hà Trang (sinh viên năm 3, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) thừa nhận bản thân vẫn mắc bẫy chốt đơn do có nhiều mã giảm giá và giá thành sản phẩm thấp hơn rất nhiều.
“Theo kinh nghiệm của mình thì mỹ phẩm và quần áo dễ gặp rủi ro nhất vì mỹ phẩm không phải loại nào cũng hợp da mình, còn quần áo thì khó thấy được chất liệu vải cho đến khi nhận hàng nên việc “cầu nguyện” để có hàng chất lượng cao là chuyện bình thường. Dù vậy, vì có nhiều sự lựa chọn nên mình vẫn bị thu hút và “cuốn” vào hình thức mua sắm này”, Hà Trang chia sẻ.
Dù tiện lợi là vậy nhưng cũng có không ít bạn trẻ cho biết khi xem livestream, bản thân dễ mắc bẫy tâm lý chốt vội theo lời các streamer đốc thúc. Điều này khiến các bạn trẻ không đắn đo mà chốt nhanh, chốt vội vì sợ lỡ mất hàng, mất dịp giảm giá hời. Sau đó, cảm giác đến với họ là sự “hối hận” vì vung tiền quá tay.
Đức Minh (27 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Vì xem cuốn quá, rồi món nào cũng cảm thấy rẻ, thấy cần, nên cứ chốt đơn lia lịa, đến khi đơn hàng lên đến vài triệu lúc nào không hay. Sau những lần như vậy lại cảm thấy tội lỗi vì cứ có thói quen chốt đơn kiểu đó. Hơn nữa, tâm lý đám đông khi thấy nhiều người khác mua sản phẩm cũng có phần kích thích bản thân mình muốn mua hàng.
Khi đứng giữa cân nhắc có nên mua nó hay không thì chỉ cần món hàng đó đang trên livestream mà thấy mọi người mua gần hết, mình sẽ ngay lập tức gạt qua chần chừ và quyết định "chốt đơn" luôn tại sợ nó hết”, Đức Minh chia sẻ.
Nhiều người theo dõi livestream cho biết bản thân rất dễ "chốt đơn" vì tâm lý "sợ bỏ lỡ" |
Cũng theo chàng trai trẻ, hình thức mua sắm online quả thực gây nghiện cho người tiêu dùng. Không chỉ bởi sự tiện lợi, mà giá cả khi mua hàng online cũng thấp hơn ở các cửa hàng trực tuyến, kéo theo hiệu ứng mua sắm để cảm thấy bản thân mình tốt hơn, kích thích mọi người mua sắm một cách “không dè chừng”. Với Đức Minh, việc mua sắm còn khiến chàng trai trẻ cảm thấy vui vẻ và tự tin vào bản thân hơn.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, hiệu ứng tâm lý đám đông làm cho người xem tin rằng sản phẩm có nhiều người chốt thì sẽ có chất lượng tốt. Đồng thời, các streamer thường tạo cảm giác cấp bách và khan hiếm về số lượng sản phẩm với chiêu trò đơn hàng ảo. Từ đó, sự kết nối cảm xúc trong livestream có thể gây FOMO - nỗi sợ bỏ lỡ, khiến người mua không ngần ngại “chốt đơn”.
Ngoài lý do trên, Hạnh Huyền (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho rằng, “tâm lý chốt đơn theo cảm xúc” cũng là nguyên do. Hạnh Huyền thường "chốt đơn" nhiều hơn khi đang trong trạng thái bức bối, tiêu cực. Vậy nên, khi tình cờ bắt gặp hình ảnh tích cực của streamer, cô gái trẻ như được truyền năng lượng, và rồi… hào hứng chốt đơn vì nghĩ rằng “mình xứng đáng”.
Khi cảm xúc nhất thời qua đi, Hạnh Huyền lại chìm trong thắc mắc của chính mình: “Tại sao mình mua món hàng này?”, “Mình mua món hàng này từ khi nào?”…
Hạnh Huyền cho rằng, hình thức livestream hấp dẫn các bạn trẻ thông qua kỹ năng, thủ thuật “show” sản phẩm của streamer càng khiến cho họ bị cuốn vào vòng mua sắm theo cảm tính hơn là xuất phát từ nhu cầu thực sự, dẫn đến nhiều trường hợp chi tiền không hợp lý.
Nữ nhân viên 25 tuổi cũng cho biết nhiều bạn bè xung quanh cô cũng gặp tình trạng đặt hàng vô nghĩa vì có thể chẳng bao giờ dùng đến dù sản phẩm đó dù món đồ mua về nhìn trông rất hữu dụng.
Để tránh tình trạng trên, Hạnh Huyền cho rằng người mua cần xác định rõ mục đích mua sắm: “Chúng ta nên cân nhắc món hàng trước, ưu tiên sản phẩm cần hơn là sản phẩm thích, sau đó mới vào xem livestream. Khi xem cần cẩn thận đọc bình luận bên dưới vì gần như phiên livestream nào cũng sử dụng feedback ảo. Chúng ta cũng nên xem ít nhất khoảng 20 bình luận, phản hồi tốt thì mới mua”.
Còn với Đức Minh, chàng trai trẻ cũng rút ra bài học riêng đó là không nên xem livestream trước mà hãy chốt sản phẩm trước, sau đó đợi phiên livestream có sản phẩm đó để có mã giảm rồi mới mua. Ngoài ra, người mua nên xem livestream ở những shop, cửa hàng cũng như streamer có uy tín để hạn chế tối thiểu tình trạng hàng kém chất lượng.
Bài viết và thiết kế: Thành Trung |