e magazine
21/07/2023 12:37
Phát huy giá trị lịch sử, văn hoá đền Đồng Cổ

21/07/2023 12:37

Tên quận Tây Hồ được đặt theo tên của Hồ Tây - hồ nước tự nhiên lớn nhất Hà Nội nằm trên địa bàn. Nói đến Tây Hồ, người ta nghĩ ngay đến mảnh đất đẹp, khí hậu mát mẻ, lá phổi của Thủ đô. Nói đến Tây Hồ, người ta còn nghĩ đến những địa danh đã đi vào lịch sử, gắn bó với người dân như Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc…
Phát huy giá trị lịch sử, văn hoá đền Đồng Cổ

Ngày nay, để giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá của mảnh đất này, cấp uỷ, chính quyền, người dân quận Tây Hồ còn chú trọng cả việc phục dựng, trùng tu các di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu nổi tiếng.

Bài 1: VỀ VỚI MẢNH ĐẤT THIÊNG PHÍA BẮC THỦ ĐÔ

Phát huy giá trị lịch sử, văn hoá đền Đồng Cổ
Phát huy giá trị lịch sử, văn hoá đền Đồng Cổ
Phía trước đền Đồng Cổ (Ảnh: Hoa Thành)

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, quận Tây Hồ (Hà Nội) luôn quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Qua đó, góp phần xây dựng quận trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, hiện nay, trên địa bàn hiện có 71 di tích gồm 18 chùa, 20 đình, 33 đền, miếu, am… Trong đó, 42 di tích đã được xếp hạng (24 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 18 di tích xếp hạng cấp TP), còn lại 29 di tích chưa được xếp hạng. Hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa này cùng với nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc quanh hồ Tây, hướng nhìn ra mặt hồ.

Nhận thức rõ thế mạnh, tầm quan trọng của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, những năm qua, quận Tây Hồ đã phối hợp với đơn vị có liên quan tập trung khai thác kết hợp với bảo tồn nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Theo bà Chử Phùng Lệ Giang, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin quận Tây Hồ, trong năm 2022, công tác quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội trên địa bàn đã đạt được những kết quả khả quan, phục vụ tốt nhu cầu văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân. Cùng với đó, ý thức giữ gìn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn quận ngày càng được nâng cao.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, bà Chử Phùng Lệ Giang cho biết, trong năm 2023, quận Tây Hồ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực quản lý văn hóa, di tích, lễ hội. Đồng thời, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công đối với 11 dự án tu bổ, tôn tạo di tích đã được phê duyệt.

Đặc biệt, UBND quận cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quận, UBND các phường tăng cường kiểm tra, rà soát nắm bắt tình hình thực tế tại các di tích, không để xảy ra vi phạm trong khu vực bảo vệ di tích.

Một điều khá lý thú là các lễ hội gắn với các di tích đình, chùa, đền ở Tây Hồ không chỉ mang sắc thái văn hoá nông nghiệp của vùng đất trù phú mà còn tích hợp nhiều lớp tín ngưỡng. Nhiều tục cổ được lưu truyền ở đây, một trong số đó là Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ ở làng Đông có từ thời Lý. Đây là giá trị văn hoá phi vật thể vô giá của vùng đất Tây Hồ.
Phát huy giá trị lịch sử, văn hoá đền Đồng Cổ
(Ảnh: Hoa Thành)
Phát huy giá trị lịch sử, văn hoá đền Đồng Cổ
Khoảng sân đền Đồng Cổ (Ảnh: Hoa Thành)

Đền Đồng Cổ được xây dựng năm 1028, thời Lý. Ngôi đền thờ thần Trống Đồng rất hiển linh, gắn liền với Hội thề Trung Hiếu. Theo các sử sách, bia ký để lại, thì Hội thề Đồng Cổ do vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) khởi xướng với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ.

Trong ngày lễ hội, trước đền đắp một đàn cao, xung quanh cờ xí rợp trời, đội ngũ chỉnh tề, giáo gươm rợp đất. Giữa đàn là thờ vị thần Đồng Cổ, lư hương nghi ngút, quan giám thệ điều khiển hội thề. Bách quan văn võ từ phía đông đi vào đền, đến trước đàn, quỳ trước thần vị và đọc lời thề “Làm con bất hiếu. Làm tôi bất trung. Thần minh tru diệt”.

TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định, Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ là hội đầu tiên có chủ thể, thời gian sử liệu ra đời rõ ràng. Điều đó chứng tỏ, hội thề này là sự sáng tạo đã tồn tại, lưu truyền gần 1.000 năm của một vị vua, trở thành tập quán truyền thống, sống trong đời sống đương đại.

Trong bối cảnh lễ hội truyền thống thuộc khu vực nội thành Hà Nội chịu nhiều tác động từ quá trình đô thị hóa, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến khẳng định: “Đền Đồng Cổ gắn liền với Hội thề Trung Hiếu là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Chỉ ở đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ mới có Hội thề Trung Hiếu - một lễ hội độc đáo, mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách con người Việt Nam, truyền thống Việt Nam”.

Phát huy giá trị lịch sử, văn hoá đền Đồng Cổ
Lễ Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (Ảnh: Đinh Thuận)

Về sau lễ hội thề này vẫn được duy trì ở thời Trần và Lê. Ngày nay, lễ hội đền Đồng Cổ ở phường Bưởi được tổ chức vào ngày 4 tháng Tư âm lịch...

Đền Đồng Cổ thật sự là một di tích có giá trị đặc biệt trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam, nó thể hiện rõ tinh thần yêu nước, lòng trung thành và sự hiếu nghĩa của người Việt Nam. Lễ hội Đền Đồng Cổ gắn với trống đồng, đó là biểu hiện sức mạnh vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Hội thề Đồng Cổ là hội thề mang nội dung, ý nghĩa giáo dục luân lý, đạo đức và truyền thống dân tộc rất sâu sắc, có tác dụng thường xuyên nhắc lại một truyền thống - một nguyên nhân của sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam ta là: Đoàn kết - Thương yêu.

Tháng 5/2023, người dân làng Đông Xá, phường Bưởi nói riêng, cấp uỷ, chính quyền và người dân quận Tây Hồ nói chung vui mừng, phấn khởi khi Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ được công nhận di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Như vậy, cùng với hơn 1.790 di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn Hà Nội, Hội thề Trung Hiếu là di sản văn hoá phi vật thể gần nhất được xướng tên.

Để đánh dấu bước chuyển quan trọng này, tháng 6/2023, quận Tây Hồ đã mô phỏng lại hội thề lịch sử năm xưa.

Theo đó, Hội thề mở đầu bằng lễ dâng hương của 25 dòng họ thuộc làng Đông Xã; Tiếp đó là màn trống hội Thăng Long rất chuyên nghiệp của đội trống Đồng Cổ với thành viên đội trống là con em của các dòng họ trong làng, trống tướng là ông Ngô Văn Dần.

Phát huy giá trị lịch sử, văn hoá đền Đồng Cổ

Sau khi ôn lại lịch sử đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu, lễ thề Trung Hiếu được thực hiện với sự tôn nghiêm và trang trọng. 100 người đại diện cho Nhân dân làng Đông Xã gồm các đoàn thể: Đội tế nam quan, người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên đứng trang nghiêm trước Thần vị. Người chủ thề hô vang lời thề: “Làm con bất hiếu. Làm tôi bất trung. Thần minh tru diệt” - 100 người cùng giơ tay hô vang “Xin thề” ba lần. Trong lễ thề, tất cả Nhân dân cùng đứng làm lễ trang trọng cùng những người thề.

Phát huy giá trị lịch sử, văn hoá đền Đồng Cổ
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến đánh trống khai hội (Ảnh: Hoa Thành)
Đền Đồng Cổ có mặt ở thành Thăng Long từ thời Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn định đô dựng nước. Nơi đây thờ thần Đồng Cổ - trống đồng Đông Sơn, một trong nhiều biểu tượng đặc sắc cho cội nguồn văn minh nước Việt. Tại không gian di sản này, Lý Thái Tông, vị vua thứ hai của triều đại Lý, đã khởi dựng Hội thề trung hiếu, duy trì hằng năm nhằm khẳng định, bồi đắp niềm tin, lòng trung hiếu, quyết tâm bảo vệ triều đình, đất nước. Tham gia hội thề là các tôn thất, quan lại trong triều đình cùng thực hiện nghi thức tế lễ và tuyên thề trước đông đảo dân chúng. Chính vì vậy, lễ hội còn được coi là lễ hội của triều đình, của quốc gia, khai thác triệt để sức mạnh niềm tin vào sự đồng thuận của triều đình và toàn xã hội, vì sự toàn vẹn của vương triều, thể chế.

Bài - Ảnh: Hoa Thành

Hoa Thành