Xuất phát từ mong ước mang mái ấm đến cho những phận đời kém may mắn ở tuổi già, ba chàng trai Gen Z Lê Thanh Hải (24 tuổi), Lê Minh Sơn (23 tuổi) và Nguyễn Vương Anh (22 tuổi) đã đưa ra một quyết định táo bạo. Tự bỏ tiền túi để thành lập mái ấm “Hà Nội chung tay – Đừng gọi tôi là vô gia cư”, ba bạn trẻ đã tạo ra một nơi gọi là “nhà” cho những cụ già neo đơn, lang thang tại Hà Nội.
Đã 2 năm từ ngày khởi tạo dự án, đến nay, mái ấm của Hải, Sơn và Vương Anh luôn tràn ngập niềm vui và hơi ấm đến từ lòng tốt giản đơn của những tâm hồn trẻ biết yêu thương và san sẻ với cuộc đời.
Xót xa trước những cuộc đời bất hạnh
Cuối năm 2022, bạn trẻ Lê Thanh Hải đã nhận công việc làm giáo viên mầm non tại Hà Nội. Về làm việc tại Thủ đô, Hải đã luôn chú ý đến những người vô gia cư nằm ngủ dọc trên hè phố Hà Nội mỗi khi đi có việc về khuya. Điều khiến cậu day dứt đó là rất nhiều người trong số đó là các ông, bà lớn tuổi phải chịu cảnh cô đơn, màn trời chiếu đất.
Lê Thanh Hải, Lê Minh Sơn và Nguyễn Vương Anh kiểm tra sổ sách thu chi cho mái ấm "Hà Nội chung tay"
Hải cùng Sơn, Vương Anh đều đến từ Thanh Hóa, là những người bạn từ thuở nhỏ, làm gì cũng có nhau. Ba bạn trẻ đã tham gia vào những chuyến đi từ thiện, tặng thực phẩm, chăn, quần áo cho những người vô gia cư tại nhiều khu vực địa bàn Hà Nội.
Dù tích cực làm thiện nguyện, nhưng Hải luôn canh cánh trong lòng rằng cậu cần phải làm gì đó nhiều hơn cho những phận đời kém may mắn. Từ những buổi tám chuyện ngẫu hứng, ba chàng trai dần tiến tới những cuộc thảo luận nghiêm túc về việc phát triển một dự án cụ thể nhằm giúp đỡ người già neo đơn, vô gia cư có một mái ấm dưỡng lão tuổi xế chiều.
Sau nhiều lần bàn bạc kỹ lưỡng, Hải, Sơn và Vương Anh đã đưa ra quyết định tự lực tài chính, triển khai dự án với việc thuê một nhà trọ tiện nghi nhằm tìm kiếm và đón những người già vô gia cư về ở chung.
Bạn Lê Minh Sơn chia sẻ: “Chúng tôi có rất nhiều khó khăn từ việc tìm thuê một căn nhà sao cho đầy đủ tiện nghi, không gian đủ để có thể chứa được nhiều người mà giá cả trong tầm tay. Người già thì khó tính nên việc chăm sóc hay đưa họ vào một lối sống kỷ luật, lành mạnh, văn minh hơn khi họ còn nằm đầu đường góc chợ cũng rất vất vả, có những cuộc cãi vã do bất đồng quan điểm từ các cụ già. Chúng tôi đã xác định trước những khó khăn nên cả ba đều thống nhất sẽ làm việc một cách cẩn trọng và không ngừng học hỏi qua từng ngày để rút kinh nghiệm triển khai dự án tốt hơn”.
Ban đầu, khi nghe các con đề cập đến dự án “Hà Nội chung tay”, gia đình ba bạn trẻ đều phản đối kịch liệt. Bố mẹ đều cho rằng dự án này quá viển vông, ba chàng trai sẽ không đủ trách nhiệm và khả năng tài chính để giúp đỡ những người xa lạ. Ngoài ra, các phụ huynh còn rất lo khi sức khỏe người cao tuổi vốn không ổn định, khó biết tương lai. Nếu có vấn đề bất trắc xảy ra sẽ gây nhiều phiền toái đến cuộc sống và công việc của con em. Tuy nhiên, Hải, Sơn và Vương Anh đã trình bày cụ thể về tiến trình dự án, khẳng định ba anh em có thể “kham” được bài toán khó này dù sẽ gặp nhiều chông gai.
“Kỳ thực chúng tôi cũng chỉ là những người trẻ muốn làm một điều gì đó đóng góp cho xã hội” – Lê Minh Sơn nói – “Những cụ ông, cụ bà bất hạnh ngoài kia còn quá nhiều, việc chúng tôi làm cũng chỉ mong xoa dịu bớt những nỗi đau cuộc đời họ trải qua. Hơn hết, anh em chúng tôi cho rằng “ai cũng cần một mái ấm để trở về”, vậy nên chúng tôi luôn cố gắng hết sức làm những gì có thể trong khả năng để giúp đỡ, hỗ trợ các cụ”.
Hải và Sơn đã có nhiều đêm trắng đi tìm hiểu về cuộc sống, tâm tư của người vô gia cư. Đa phần, các cụ già chẳng sợ chết, chẳng sợ đói rét mà điều họ sợ nhất là sự cô đơn và điều họ mong mỏi nhất là có một mái ấm để về, có người bầu bạn, để biết mình sống trên đời còn có ý nghĩa. Qua những cuộc trò chuyện, các bạn trẻ còn xác định được những trường hợp giả vô gia cư, ăn xin, trục lợi tình thương cộng đồng có tổ chức,... để tránh nhầm lẫn. Qua những chuyến đi thâu đêm, ba chàng trai đã học hỏi được nhiều điều về xã hội và cuộc sống “sương là chăn, đất là nhà” của những người cơ nhỡ. Cơ duyên đã đưa đẩy ba chàng Gen Z gặp được những mảnh đời rất đặc biệt.
Ông và cháu
Ở số 31, ngách 54, ngõ 76 phố An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội), có một căn phòng trọ ấm áp và đầy hạnh phúc của ba cụ ông: Nguyễn Văn Phương (94 tuổi, quê Nam Định), Nguyễn Bá Thành (74 tuổi, quê Hải Phòng), và Đặng Thế Quý (74 tuổi, quê Hà Nội).
Tháng 2 năm 2023, khi hai chàng trai trẻ Lê Thanh Hải (24 tuổi), Trưởng dự án "Hà Nội chung tay", và Lê Minh Sơn (23 tuổi) đến thuyết phục ông Quý và ông Thành - những người vô gia cư - về sống chung để đón Tết Quý Mão. Ban đầu, hai ông chưa hiểu hết tấm lòng của Hải và Sơn nên từ chối, tiếp tục sống trên chiếc thuyền cũ bên bến sông Hồng, âm thầm nhìn Tết trôi qua. Nhưng rồi, Tết Giáp Thìn 2024 đã trở thành cái Tết đầu tiên sau bao nhiêu năm "không nhà, không Tết" của ba ông cụ.
Mỗi người một hoàn cảnh, người thì mất nhà do cháy, người thì vợ mất, con cái vô tâm, người thì đãng trí, sống vất vưởng bằng nghề nhặt rác, nhưng khi về với "Hà Nội chung tay", các ông được các bạn trẻ chăm sóc tận tình. Hải và Sơn mong muốn các cụ không phải ra đường ăn xin nữa, sống đoàn kết và thiếu thốn gì cũng sẽ được hỗ trợ. Các cụ vẫn tiếp tục một số công việc thường nhật như nhặt ve chai, trồng rau để có thêm thu nhập và niềm vui lao động.
Thông điệp của dự án “Hà Nội chung tay” là “Đừng gọi tôi là vô gia cư”, với mục tiêu giúp người vô gia cư tìm được công việc, tự tạo ra thu nhập cho bản thân để không phải ra đường bám víu vào tình thương của xã hội. Để minh chứng cho thông điệp này, nhóm đặt ra một số nguyên tắc như không kêu gọi hỗ trợ, không ra đường ăn xin, các cụ phải về nhà trước 11 giờ đêm,…
Ông Nguyễn Bá Thành (Hải Phòng) là thành viên đầu tiên được mời về mái ấm của nhóm bạn trẻ "Hà Nội chung tay".
Ông Nguyễn Bá Thành, người có sức khỏe tốt nhất, đã được bầu làm "tổ trưởng" của xóm trọ. Gần đây, ông còn được các bạn trẻ dạy cách bán hoa quả online để kiếm thêm thu nhập, không phải đi nhặt rác như trước nữa.
Ông Thành kể rằng, trước Tết Dương lịch 2022, ông gặp Hải ở vườn hoa gần khu vực Tòa án TP Hà Nội. Hải hứa "Ông chờ cháu! Trước Tết cháu sẽ cố gắng đón ông về nhà". Ông Thành tưởng rằng lời hứa đó chỉ là lời nói vui hoặc sẽ phải chờ lâu lắm mới thành hiện thực. Vậy mà Hải đã đến đón ông về nhà thật. "Từ ngày hôm đó, tôi không còn là người vô gia cư nữa vì tôi có nhà để về ngủ khi đêm xuống, nghỉ lưng lúc ốm đau," ông Thành vui vẻ kể lại.
Từ ngày được các cháu mời về đây, ông Thành được tắm nước nóng, điều mà ông rất thích. Hồi còn phải nằm ở góc chợ, muỗi đốt không ngủ nổi, cả tháng không được tắm lần nào. Lúc đó, ông chỉ nghĩ sống được ngày nào thì sống, chết ở đâu thì chết. Giờ đây, ông đã có một cuộc sống mới, ổn định và đầy tình thương.
Ba bạn trẻ thay nhau lo cơm nước, dọn dẹp cho các cụ ông khỏi vất vả.
Để duy trì cuộc sống ổn định cho các ông, Hải, Sơn và Vương Anh người thì làm hai công việc một lúc, bạn thì sáng đi học, tối làm thêm để có nguồn tài chính lo việc trong nhà. Ngoài ra, sau thời gian đầu, chứng kiến những gì các bạn trẻ đã và đang nỗ lực làm được, các bậc phụ huynh của ba chàng trai đã trích một phần tiền lương hàng tháng gửi lên hỗ trợ các con duy trì mái ấm. Hải, Sơn và Vương Anh đã thay nhau đến nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho ba ông đỡ vất vả.
Không chỉ chú ý đến điều kiện ăn, ở, nhóm Gen Z còn sát sao theo dõi sức khỏe, đưa các ông đi khám định kỳ, lo thuốc men đầy đủ cho từng người. Ngoài ra, do điều kiện công việc nên 3 bạn trẻ cắt cử thay phiên nhau chăm sóc rồi tâm sự, chơi cờ với các cụ cho khuây khỏa. Thỉnh thoảng một đội 6 người 2 thế hệ, 3 già 3 trẻ không máu mủ cùng nhau đi tham quan các di tích tại Hà Nội. Đến dịp sinh nhật của các cụ, các bạn trẻ lại tổ chức buổi sinh nhật đầm ấm, điều mà các cụ gần cả cuộc đời chưa bao giờ nghĩ tới.
Hải, Sơn và Vương Anh cùng những người bạn thân đã tổ chức nhiều bữa tiệc đầm ấm để ba người ông đặc biệt của nhóm chung vui
Đối với ba chàng trai, những người vô gia cư tại mái ấm là gia đình, cũng giống như ông nội, ông ngoại của các bạn. Vậy nên, nhóm bạn trẻ luôn đối xử với các cụ một cách thân tình, chân thành nhất, chia sẻ mọi khó khăn, vui buồn với ba ông như đang tâm sự với ông bà trong nhà.
Bạn Lê Thanh Hải chia sẻ: “Đối với tôi, mái ấm này chứa nhiều kỷ niệm thật đáng nhớ của mình. Chúng tôi được chăm lo cho những người không cùng một dòng máu nhưng rất thân thương khiến tôi cảm thấy ấm lòng. Ví dụ, rất lâu chẳng ai nhớ đến ngày sinh nhật của các ông, ngay cả chính bản thân họ còn quên mất đi thì chúng tôi lại xuất hiện để nhắc lại, động viên tinh thần các ông được phấn chấn và ít nhất họ có động lực, vui khỏe hơn ở độ tuổi xế chiều”.
Các cụ rất vui vì được nhóm Gen Z mang đến một cuộc sống tốt hơn trước.
Lan tỏa những điều tử tế
Chia sẻ thêm về dự án “Hà Nội chung tay”, Lê Minh Sơn cho biết: “Dự án được triển khai gần 2 năm nay, không phải quá ngắn và không phải quá dài nhưng cũng là một điểm chứng minh rằng chúng tôi không nói khoác. Chúng tôi vẫn ở đây để đón chờ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Đối với nhóm, dự án như một đứa con tinh thần, cho chúng tôi có thêm những người ông xa lạ mà thân thương. Đồng thời là nguồn động lực để anh em tôi cố gắng hơn”.
Nhiều bạn trẻ biết tới dự án "Hà Nội chung tay" cũng đã năng nổ góp sức, góp phần thăm nuôi các ông.
Tuy gặp nhiều khó khăn để duy trì mái ấm trong thời điểm kinh tế còn gặp bất lợi, nhưng Hải, Sơn và Vương Anh vẫn mơ ước mở rộng dự án trong tương lai, không chỉ ở Hà Nội mà còn là nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Lê Thanh Hải chia sẻ: “Sau gần 2 năm hoạt động, nhóm luôn làm việc minh bạch và công tâm. “Tình người còn mãi” là ý nghĩa của dự án này. Thế nhưng chỉ 3 anh em tôi là không đủ sức, không đủ nguồn tiền, không đủ nhân sự và rất nhiều yếu tố khác. Hiện tại, chúng tôi thật sự mong muốn có những nhà đồng hành cùng nhóm để chúng tôi có thể đi lâu hơn, xa hơn trên con đường làm thiện nguyện của mình. Tương lai sắp tới, nếu có thêm những nhà đồng hành tài trợ, chúng tôi sẽ mở rộng thêm các cơ sở để cái tên “Hà Nội chung tay" có thể đi xa hơn nữa tới các vùng xa xôi, nơi những người dân, đồng bào cần chúng ta đưa tay ra nắm”.
Bài viết: Tùng Linh; Ảnh: NVCC |