Luật Điện lực (sửa đổi): Chưa xóa bỏ “bù chéo giá điện”
Cần xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt Thủ tướng: Giá điện phải phù hợp với chi trả của người dân |
Chiều 30/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi).
Với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,65% tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi).
Trước đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ 91,65% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. |
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật đã được rút ngắn từ 130 điều xuống còn 81 điều (giảm 49 điều so với dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8; chỉ bổ sung 11 điều so với Luật Điện lực hiện hành).
Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất chỉnh lý các nội dung liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là các đạo luật đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 về quy hoạch, đầu tư và đấu thầu.
Về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ để không xảy ra các sai phạm trong thời gian trước hoặc xảy ra việc trục lợi chính sách, hợp pháp hoá sai phạm các dự án điện năng lượng tái tạo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm các nội dung trong dự thảo Luật không quy định hoặc có quy định liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo đang thuộc diện thanh kiểm tra, điều tra, không hợp thức hóa sai phạm.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định tại Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (từ Điều 20 đến Điều 29), bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.
Về giá điện, giá dịch vụ về điện và thị trường điện (Chương V), đối với nội dung xóa bỏ bù chéo giá điện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền là cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW.
Hiện nay, giá bán lẻ điện đang áp dụng thống nhất toàn quốc, có bù chéo giá điện giữa các vùng miền. Đối với bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ thông qua xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phản ánh chi phí theo đặc điểm tiêu thụ điện gây ra cho hệ thống điện.
Việc thực hiện giảm bù chéo giá điện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (như tiến độ thực hiện và mức độ tái cơ cấu ngành điện, các chính sách/công cụ về tài chính khả thi để thực hiện giảm bù chéo...), cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng để xây dựng phương án lộ trình cụ thể; việc quy định để thực hiện xoá bỏ ngay việc bù chéo giá điện là chưa khả thi.
Vì vậy, dự thảo luật chỉ quy định lộ trình xoá bỏ bù chéo giá điện và giao Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện đồng bộ với các cấp độ phát triển thị trường điện như thể hiện tại điểm d khoản 2 Điều 39 và điểm c khoản 3 Điều 50.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định giá điện trúng thầu là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu, giao Chính phủ quy định chi tiết việc đàm phán, giao kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của các bên tại khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 19.
Đối với thị trường điện kỳ hạn là vấn đề mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm ở Việt Nam, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết như thể hiện tại khoản 6 Điều 45.