e magazine
14/08/2021 09:22
Hà Nội: "Siêu thị 0 đồng" - Hành trình phục vụ từ Trái tim

14/08/2021 09:22

Dịch bệnh ngày càng phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe, đời sống toàn cộng đồng xã hội. Người dân, khó khăn chồng chất khó khăn. Những "siêu thị 0 đồng" xuất hiện và được nhân rộng góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, góp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.

Siêu thị

Dịch bệnh ngày càng phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe, đời sống toàn cộng đồng xã hội. Người dân, khó khăn chồng chất khó khăn. Những "siêu thị 0 đồng" xuất hiện và được nhân rộng góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, góp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.

Từ sáng sớm, bà Thủy và chị Hà đã đến Trung tâm Thể thao Văn hóa phường Xuân La để xếp hàng đi “siêu thị 0 đồng”. Thời tiết thất thường do ảnh hưởng của mùa mưa bão tháng 8 nhưng đâu đó trong ánh mắt của họ vẫn hiện ánh lên sự vui mừng, tràn đầy xúc động.

Ngay từ ngoài Trung tâm Thể thao Văn hóa phường Xuân La, bà Thủy, chị Hà cũng như rất nhiều người dân trong khu vực tuân thủ việc xếp hàng, lần lượt khử khuẩn, khai báo y tế để đi "siêu thị" đặc biệt. Những tờ “phiếu quà tặng” được phát sẵn đến nhà dân ghi rõ thời gian đến mua sắm, chia lượt theo khung giờ để đảm bảo giãn cách và hạn chế tập trung đông người.

Kể từ khi “Siêu thị mini 0 đồng” đầu tiên tại Hà Nội hoạt động chiều 1/8 tại UBND phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), siêu thị lần này tổ chức ở phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) trong ba ngày (9 - 11/8). Trung bình mỗi ngày, siêu thị phục vụ từ 150 đến 200 khách mua hàng. Trong siêu thị có hơn 60 mặt hàng được xếp ngay ngắn trên kệ, từ thực phẩm khô, đến các thực phẩm tươi, gia vị, rau củ quả…

“Siêu thị” đặc biệt này dành tặng hơn 1.000 “phiếu mua hàng” cho đối tượng là người lao động tự do, thuê trọ, công việc không ổn định và các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, người có công với cách mạng, bệnh tật, neo đơn trên địa bàn.

Hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Thủy (60 tuổi, tổ 11, cụm 2, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) có lẽ người dân trong phường ai nhắc đến cũng cảm thông. Một mình bà Thủy nuôi cháu nội từ lúc 3 ngày tuổi (đến nay cháu đã 5 tuổi) và mẹ già 85 tuổi, hiện đang trong viện điều trị huyết áp. Trước khi Hà Nội giãn cách xã hội, bà Thủy hằng ngày chở rau, hoa đi bán rong.

“Những ngày dịch bệnh, không có thu nhập gì, nhưng may mắn là trong vườn còn có đồ tự cấp tự túc. Chỉ buồn vì tôi không có tiền mua quà bánh, sữa… cho đứa cháu 5 tuổi. Vì thế, khi phường thông báo, phát phiếu quà tặng để chọn lấy hàng ở siêu thị 0 đồng, tôi rất vui. Chỉ mong mau đến sáng để ra lựa chọn những món đồ về cho cháu. Thấy cháu nó cứ tíu tít dặn bà lấy cho cháu sữa, bánh ngọt mà tôi vừa mừng vừa tủi.

Đi siêu thị 0 đồng: Người lớn vui một – trẻ vui mười

Sau khoảng 20 phút lựa chọn đồ trong siêu thị, tôi đã chọn ra một vài món đồ cần thiết cho bữa cơm hằng ngày như gạo, trứng, nước mắm, dầu ăn. Tôi đã lấy thêm sữa, bánh, xúc xích… cho cháu. Chắc nó mừng lắm. Khi được nhận “phiếu quà tặng” trị giá 400 nghìn tôi vui mừng bao nhiêu, thì khi được trực tiếp lựa chọn, hướng dẫn chọn những món hàng cần thiết cho gia đình tôi càng ngạc nhiên bấy nhiêu. Tôi rất cảm ơn chương trình ý nghĩa này”, trên tay cầm những món đồ vừa “mua” ở “Siêu thị 0 đồng”, bà Thủy chia sẻ.

Đối với chị Nguyễn Thị Thu Hà, 32 tuổi, trọ tại ngõ 565 Lạc Long Quân, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội, thì hôm nay là một ngày đáng nhớ. Hai vợ chồng chị Hà quê ở Nghệ An. Khi quyết định ra Hà Nội, hai vợ chồng chỉ làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh. Chồng sửa chữa vặt tại nhà, vợ đi bán hàng thuê. Hiện gia đình có hai đứa con nhỏ (một cháu 5 tuổi, một cháu lớp 1 đều đang nghỉ học ở nhà do dịch bệnh).

Đi siêu thị 0 đồng: Người lớn vui một – trẻ vui mười

“Tôi chưa bao giờ được đi siêu thị như thế, đây là lần đầu tiên. Tôi thấy ai cũng tuân thủ theo đúng quy định và mọi người nhiệt tình hướng dẫn cho tôi. Tôi rất hài lòng. Tôi đã mua được trứng, mì tôm, bánh gạo, xúc xích, gạo... Thực sự những món đồ này rất cần thiết trong mùa dịch này. Tôi không có việc làm nên mua những món đồ này rất khó. Tôi chắc chắn rằng khi mang nhiều đồ về thế này, hai đứa con sẽ hét lên vì sung sướng. Lâu rồi, chúng nó chưa được cái kẹo, cái bánh, hộp sữa…”, chị Hà xúc động chia sẻ.

“Người dân có thể chọn những mặt hàng mà gia đình đang thiếu chứ không phải những sản phẩm không cần thiết. Tất cả các sản phẩm trong siêu thị đều có giá. Trên tinh thần cung cấp thiện nguyện nên chúng tôi muốn người dân nhìn thấy những sản phẩm đã chọn với tổng trị giá là 400 nghìn đồng. Điểm đặc biệt là, người dân không phải trả một đồng nào”, bà Phạm Thúy Dung, Giám đốc Công ty PNJ chi nhánh miền Bắc, cho biết.

Đi siêu thị 0 đồng: Người lớn vui một – trẻ vui mười"Tất cả những sản phẩm này đều được kiểm tra chất lượng để đảm bảo nguồn hàng tươi, sạch khi đến tay người dân",Bà PHẠM THÚY DUNG
Giám đốc Công ty PNJ chi nhánh miền Bắc

"Tại từng điểm, chúng tôi có lực lượng thanh niên cũng như các bạn sinh viên hỗ trợ bà con đi chợ làm sao trong 25 phút mỗi người có thể hoàn tất được quy trình đi chợ của mình. Để tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, giúp đỡ nhau cùng vượt qua đại dịch, tôi mong muốn sự tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau của mô hình “Siêu thị 0 đồng” sẽ ngày càng lan tỏa”, anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội chia sẻ.

Chặng đường chống dịch thời gian qua cho thấy càng khó khăn, tinh thần tương thân, tương ái càng được khơi dậy. Dịch bệnh sẽ qua đi nhưng sự tử tế, tình yêu thương được kết nối, lan tỏa từ những tấm lòng vàng vẫn còn đọng lại mãi. Người trao và người được nhận đều cùng nhau nở nụ cười hạnh phúc và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Đây là mô hình nằm trong chiến dịch "Hà Nội trái tim hồng" do Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội cùng một số doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Hà Nội tổ chức. Sở Công thương TP Hà Nội là đơn vị bảo trợ.

Dự kiến, “Siêu thị 0 đồng” sẽ được nhân rộng ra hơn 20 điểm trên khắp địa bàn TP Hà Nội với hàng chục ngàn "Phiếu quà tặng" phát ra.

Bên cạnh "Siêu thị 0 đồng'’, Ban Tổ chức còn triển khai thêm mô hình "Siêu thị mini 0 đồng’’ online (đặt hàng tại website - nhận hàng tận nơi) thuận tiện hơn các cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Phạm Mạnh