"Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ" cùng với Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ - Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe là "thanh bảo kiếm" để Hà Nội quyết tâm nâng cao ý thức, tạo "bộ mặt" giao thông văn minh ở Thủ đô.
Trước thềm năm mới 2025, Thủ đô Hà Nội đang chứng kiến những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, cùng với Luật Trật tự, An toàn giao thông mới đã mang đến những tác động mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức và hành vi của người tham gia giao thông, hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại
(Kiểm tra, kiểm soát ma tuý tại Bến xe Giáp Bát những ngày cuối năm)
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội cho thấy lực lượng CSGT đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Các chuyên đề về xử lý vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, và xe tải quá khổ, quá tải đều được triển khai quyết liệt. Đặc biệt, tình trạng ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm tại các tuyến phố trọng điểm đã giảm rõ rệt.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội, khẳng định: “Chúng tôi không chỉ đảm bảo an toàn cho các sự kiện lớn, mà còn nâng cao ý thức người dân thông qua các biện pháp xử lý nghiêm minh, kết hợp tuyên truyền sâu rộng”.
Năm 2024, lực lượng CSGT đã xử lý gần 360.000 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt lên tới 672,3 tỷ đồng. Trong đó, hơn 74.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 22.000 trường hợp vi phạm tốc độ là minh chứng cho sự quyết liệt của lực lượng CSGT trong việc lập lại trật tự giao thông.
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực với mức phạt tăng mạnh đối với nhiều hành vi vi phạm. Đây được xem là công cụ pháp lý hữu hiệu để răn đe, giảm thiểu vi phạm giao thông nguy hiểm.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), qua một thời gian ngắn Nghị định 168 có hiệu lực, các vi phạm phổ biến như vượt đèn đỏ, lấn làn, và điều khiển xe máy trên đường vành đai trên cao đã giảm rõ rệt. Mức phạt từ 2-3 triệu đồng và trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe đối với hành vi đi xe máy lên đường vành đai trên cao đã khiến nhiều người dân thay đổi thói quen.
Đại úy Phạm Ngọc Thanh, Đội CSGT số 4, chia sẻ: “Mức phạt tăng cao đã tạo ra sức răn đe mạnh mẽ. Người dân bắt đầu nhận thức rõ hơn về hậu quả từ hành vi vi phạm".
Đơn cử như sau trận đấu Việt Nam vô địch ASEAN CUP 2025, mọi ngả đường đều chật cứng người hâm mộ, tràn ngập trong sắc cờ đỏ sao vàng và tiếng hô “Việt Nam vô địch” cùng lời hát “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tuy nhiên, khác với tình trạng thường thấy trước đây như vi phạm giao thông vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi trên hè… dòng người và phương tiện di chuyển trong trật tự, chấp hành tín hiệu đèn giao thông tại mỗi ngã tư, ngã ba.
Cũng tại những nút giao thông toàn thành phố, cảnh sát giao thông, công an phường cũng tổ chức ứng trực nghiêm túc làm nhiệm vụ dù cố nén niềm vui chung của cả thành phố một đêm không ngủ.
Tuy nhiên, thay vì "vất vả" như các mùa giải trước, lần này lực lượng công an "nhẹ gánh" trong công tác điều tiết giao thông và duy trì an ninh trật tự vì người hâm mộ đều tuân thủ dừng đỗ theo tín hiệu đèn giao thông không lấn làn hay đỗ sai vạch và đi trên vỉa hè. Hình ảnh hàng ngàn người hâm mộ bóng đá hô vang "Việt Nam vô địch" sau vạch kẻ đường, tại các ngã tư có đèn đỏ đã thực sự đặt dấu mốc quan trọng làm chuyển biến ý thức tham gia giao thông của người Hà Nội.
Bên cạnh việc áp dụng Nghị định 168, việc thực thi Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ cũng đặt trọng tâm vào đảm bảo an ninh trật tự tại các bến xe – nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến ma túy và tội phạm.
Đầu tháng 1/2025, Công an quận Hoàng Mai đã phối hợp cùng Ban Quản lý Bến xe Nước Ngầm và Bến xe Giáp Bát tổ chức kiểm tra nồng độ cồn và ma túy đối với các lái xe chuẩn bị xuất bến. Đây là hoạt động định kỳ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và ngăn chặn các nguy cơ từ ma túy – một yếu tố có thể gây ra nhiều tai nạn nghiêm trọng.
Chỉ trong buổi sáng, hàng trăm lái xe đã được kiểm tra. Một số trường hợp có kết quả dương tính với ma túy hoặc vi phạm nồng độ cồn đã bị xử lý nghiêm. Anh N.N.K, một lái xe tuyến đường dài Hà Nội – Thanh Hóa, chia sẻ: “Việc kiểm tra như vậy rất cần thiết, không chỉ đảm bảo an toàn cho hành khách mà còn giúp nâng cao ý thức của các tài xế chúng tôi”.
Ngoài việc kiểm tra, lực lượng chức năng còn triển khai tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy tại bến xe, công bố đường dây nóng tố giác tội phạm và tăng cường tuần tra, giám sát. Đây là những biện pháp không chỉ đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần xây dựng môi trường giao thông văn minh tại các bến xe trọng điểm của Thủ đô.
Thiếu tá Hoàng Mạnh Tuấn, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận Hoàng Mai cho biết, Bến xe Nước Ngầm, Bến Xe Giáp Bát là hai bến xe lớn của quận Hoàng Mai và là bến xe trọng điểm miền Bắc. Tại khu vực trong và ngoài bến xe thường xuyên tập trung đông người, đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng phạm tội về ma túy lợi dụng hoạt động.
“Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ phạm tội về ma túy tại khu vực trong và ngoài các bến xe nên việc chủ động cùng Ban Quản lý Bến xe ngăn chặn hiểm họa ma túy và “ma men” cũng được tuyên truyền sâu rộng để các chủ phương tiện phối hợp thực hiện” - Thiếu tá Hoàng Mạnh Tuấn nói.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, khẳng định: “Năm 2025 là năm bản lề trong việc triển khai các mục tiêu lớn về trật tự an toàn giao thông. Chúng tôi sẽ tập trung xử lý các vi phạm gốc rễ, nâng cao ý thức người dân và đảm bảo an toàn cho tất cả các hoạt động của Thủ đô”.
Những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 bao gồm:
1. Xử lý triệt để các vi phạm: Đặc biệt là các hành vi vượt đèn đỏ, lấn làn, không đội mũ bảo hiểm và vi phạm nồng độ cồn.
2. Kiểm soát chặt chẽ tại các điểm nóng: Các bến xe lớn, tuyến đường vành đai, và các nút giao thông trọng điểm sẽ được giám sát thường xuyên.
3. Tuyên truyền nâng cao nhận thức: Các chiến dịch truyền thông sẽ được đẩy mạnh để tạo thói quen giao thông văn minh trong cộng đồng.
Những kết quả đạt được trong tuần đầu áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã cho thấy hiệu quả của các biện pháp xử lý nghiêm minh kết hợp với tuyên truyền, giáo dục. Hà Nội đang dần xây dựng một nền văn hóa giao thông văn minh, nơi mọi người đều tuân thủ pháp luật và cùng nhau bảo vệ môi trường giao thông an toàn, hiện đại.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội, nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ thực thi pháp luật mà còn đồng hành cùng người dân trong việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức giao thông. Đây là nền tảng để Thủ đô Hà Nội trở thành hình mẫu về giao thông văn minh, hiện đại cho cả nước.”
Việc kết hợp giữa kiểm soát vi phạm giao thông và đảm bảo an ninh tại các điểm nhạy cảm như bến xe là minh chứng cho sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan chức năng, hướng tới một Thủ đô đáng sống và phát triển bền vững.
Thực hiện: Hoa Thành |