e magazine
10/08/2021 17:28
Hà Nội: Nhiều người vẫn ra đường không lý do, xử phạt hàng tỷ đồng

10/08/2021 17:28

Để ngăn dịch bệnh Covid-19, nhiều chốt kiểm soát được lập tại Hà Nội, trực xuyên suốt cả ngày lẫn đêm. Ngoài các tổ cắm chốt kiểm soát, lực lượng CSGT cũng đang triển khai công tác xử lý vi phạm tại chỗ, tuần tra lưu động trên các tuyến đường để xử phạt những người ra đường không lý do chính đáng.

Nhiều người vẫn ra đường không lý do, xử phạt hàng tỷ đồng

TTTĐ - Để ngăn dịch bệnh Covid-19, nhiều chốt kiểm soát được lập tại Hà Nội, trực xuyên suốt cả ngày lẫn đêm. Ngoài các tổ cắm chốt kiểm soát, lực lượng CSGT cũng đang triển khai công tác xử lý vi phạm tại chỗ, tuần tra lưu động trên các tuyến đường để xử phạt những người ra đường không lý do chính đáng.

Siết chặt kiểm tra việc ra đường tại Hà Nội

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 2562/UBND-KT về việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 của Chủ tịch UBND thành phố. Ngày 8/8, ngày đầu tiên TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội lần 2 (đến 23/8) với mục tiêu bóc hết F0 trong cộng đồng, dập dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo đó, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa xã hội, lồng ghép công tác tuần tra, kiểm soát với tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo chân Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) triển khai lập chốt cơ động tại khu vực cầu Trắng (phường Văn Quán, quận Hà Đông) kiểm soát người dân ra ngoài trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội. Qua kiểm tra, lực lượng đã xử lý 2 trường hợp vi phạm theo Chỉ thị 16. Các trường hợp này vi phạm lỗi ra ngoài đường không có lý do chính đáng. Trường hợp nam thanh niên sinh năm 1998, từ phường Mộ Lao (quận Hà Đông) xuống phường Văn Quán để đi chợ. Tuy có giấy đi chợ nhưng không đi đúng chợ tại địa phương mình.

Trường hợp anh Bùi Anh Hà (quê Bắc Giang) tham gia giao thông trong thời gian TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nhưng không có giấy đi đường và ra ngoài khi không thực sự cần thiết. Theo anh Hà, anh đã xin chính quyền sở tại cấp giấy đi đường và đi chợ nhưng mà dịch bệnh nên chính quyền hạn chế gặp tiếp xúc khiến anh chưa được cấp giấy. "Em ở nhà mấy tháng nay rồi, ở nhà bao nhiêu tháng rồi. Nằm ở nhà không có tiền, hết tiền thì làm sao mà ăn được anh. Em đi lao động chân tay nên phải đi làm chứ", anh Hà chia sẻ.

Tuy vậy, việc ra ngoài khi không có lý do chính đáng trong thời điểm dịch bệnh đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đội CSGT số 7 sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát để xử lý kết hợp tuyên truyền những trường hợp vi phạm Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội nhằm góp phần tăng cường công tác chống dịch của thành phố.

Hà Nội: Sinh kế khó khăn, đừng mất tiền vì vi phạm trong lúc giãn cách"Trong những ngày dịch bệnh như thế này, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên ra đường để hạn chế tiếp xúc. Nếu ra đường phải có lý do thực sự cần thiết như đi chợ hay đi khám chữa bệnh."Đại uý TRẦN VĂN GIÁP
Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội

Đại uý Trần Văn Giáp (Cán bộ Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, "Trong thời gian giãn cách, lượng phương tiện tham gia giao thông rất là vắng. Tuy vậy, Đội CSGT số 7 vẫn liên tục tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt là xử lý các lỗi như lợi dụng đường vắng, các phương tiện hay đi vượt đèn đỏ và không đội mũ bảo hiểm. Ngoài ra, Tổ công tác cũng tuần tra lưu động để xử lý các trường hợp ra khỏi nhà không có lý do chính đáng, ra đường không có giấy đi đường".

Theo thống kê trong 15 ngày giãn cách lần 1, có những số liệu "thiếu tích cực", dù dịch bệnh ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, ảnh hưởng tới sinh kế của nhiều người, nhưng bình quân số trường hợp bị xử phạt trong đợt giãn cách lên tới gần 1 tỷ đồng mỗi ngày.

Đơn cử, chỉ trong khoảng thời gian từ 11h00 ngày 5/8 đến 11h ngày 6/8, lực lượng chức năng toàn thành phố đã phát hiện, lập biên bản, tham mưu cho chính quyền các cấp xử phạt vi phạm hành chính với 1.037 trường hợp có các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch, số tiền bị xử phạt gần 1,4 tỷ đồng.

Đáng nói hơn, trong khi đại bộ phận người dân chấp hành quy định về giãn cách xã hội nghiêm túc, vẫn còn một bộ phận xem nhẹ công tác phòng, chống dịch, bị xử phạt với các lỗi phổ biến như không đeo khẩu trang, đeo không đúng quy cách, ra khỏi nhà không có lý do cần thiết.

Theo ý kiến một số luật sư, bước vào giãn cách xã hội lần 2 ở Hà Nội, thành phố và người dân đang quyết tâm sớm đưa cuộc sống trở lại giai đoạn bình thường mới. Vì thế, không có lý do nào chấp nhận cho những người thiếu ý thức, nhất là khi cả xã hội căng mình chống dịch còn mình vẫn không đeo khẩu trang, vẫn ra đường khi không có lý do. Đặc biệt, càng không chấp nhận ai đó lơ là để cả xã hội phải vất vả.

Tại Hà Nội, con số vi phạm về phòng chống dịch trong 15 ngày giãn cách xã hội lần 1 khiến ai đọc cũng không vui, vì có ngày cao điểm số tiền xử phạt gần 1,4 tỷ đồng. Điều này khiến không ít người xót xa, tiếc công vì bao lực lượng đang căng mình chống dịch, tiếc của vì bao người đã đứt nguồn thu, sinh kế ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh, người dân hãy chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch, chung sức, đồng lòng với chính quyền trong thời gian giãn cách xã hội, để vượt qua dịch bệnh. Lực lượng Công an sẽ liên tục phối hợp với các ngành kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành các quy định phòng, chống dịch.

Bài: Phạm Mạnh - Hoa Thành

Phạm Mạnh