Đúng 21h45 phút ngày 22/12/1972, chiếc máy bay F-111 “cánh cụp, cánh xòe” của Mỹ đã bị xạ thủ Nguyễn Văn Hùng cùng Đại đội dân quân tự vệ 3 nhà máy Trận địa Vân Đồn bắn rơi. 50 năm đã trôi qua, nhưng kỷ niệm về những năm tháng cùng quân và dân Thủ đô anh dũng chiến đấu, góp phần đập tan “siêu pháo đài bay” B-52 chưa bao giờ phai nhạt trong ký ức của cựu xạ thủ năm xưa.
Học cách đánh địch
Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung Ương Đảng nhận định: Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn và có nhiều khả năng sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá Hà Nội-Hải Phòng.
Ngày 24/11/1972, Kế hoạch Phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Quân chủng Phòng không – Không quân được Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phê chuẩn.
Sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 4/12/1972, các lực lượng phòng không – không quân cùng quân và dân các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng đã sẵn sàng đối phó với cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ.
Ngày 17/12/1972, Bộ Tổng tham mưu lệnh cho lực lượng phòng không – không quân chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Cùng với các lực lượng vũ trang, Nhân dân miền Bắc nêu cao quyết tâm quyết đánh và quyết thắng cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ.
Tôi nhớ như in khoảnh khắc tối 18/12/1972, Thường vụ Thành ủy, Ủy ban hành chính, Hội đồng Phòng không Nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương và điện khẩn cho tất cả các khu phố, các huyện, cơ quan, trường học, xí nghiệp phải kiên quyết sơ tán nhân dân. Những người không có nhiệm vụ ở nội thành ra khỏi thành phố, học sinh tạm thời nghỉ học, các lực lượng khắc phục hậu quả sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ. Không khí Hà Nội hối hả, tất bật, ai vào nhiệm vụ của người đó, sẵn sàng cho chiến đấu.
Khi đó, tôi làm việc tại Nhà máy Cơ khí Lương Yên, thuộc Trận địa Vân Đồn (bao gồm 3 Nhà máy Cơ khí Lương Yên, Nhà máy Gỗ Hà Nội và Nhà máy Cơ khí Mai Động). Trận địa có nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu Cầu Long Biên, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô, Bệnh viện 108 và một số mục tiêu khác. Hồi đó, mỗi nhà máy như một đơn vị chiến đấu, vừa sản xuất, vừa đánh giặc. Trận địa Vân Đồn được biên chế 5 khẩu súng 14,5mm. Các dân quân tự vệ của Trận địa Vân Đồn gồm có tôi và mấy đồng chí khác như Nguyễn Văn Cường, Bùi Ngọc Mai (Nhà máy Gỗ Hà Nội), Ngô Thị Hiếu, Nguyễn Thị Viễn (Nhà máy Cơ khí Mai Động).
Lúc đầu, đế quốc Mỹ thí điểm sử dụng máy bay F-111 để bay tầm thấp, phá sóng Radar. Chúng tôi được Trung úy Hoàng Minh Giám, bộ đội chính quy trực tiếp chỉ huy, hướng dẫn cách đánh theo đúng phương pháp quân sự chuyên nghiệp, theo chiến lược. Lực lượng dân quân đánh ban ngày, ban đêm không nhìn thấy gì nên thường đánh bằng kinh nghiệm và thủ công. Khi không nhìn thấy máy bay thì chúng tôi sẽ đánh theo góc độ của súng theo 3 góc: 30 độ, 45 độ, 75 độ. Khi máy bay còn bay rất xa thì sẽ bắn đón ở góc 30 độ, viên đạn sẽ va chạm máy bay ở khoảng cách xa vài cây số, khi 45 độ là gần, còn 75 độ là ngay bên trên đầu mình.
Ban đêm, anh Giám chỉ huy và đội tôi lấy cây tre, làm vải để buộc, cắm ở các hướng và phương khác nhau để xác định vị trí tọa độ. Chúng tôi cứ tập đánh theo một cách rất thủ công như vậy hàng ngày. Lâu dần thành phản xạ, người pháo thủ sẽ phải quen và biết quay bao nhiêu vòng để căn đúng góc độ trong chiến đấu theo lệnh chỉ huy.
Suốt từ năm 1968, chúng tôi đã phải học cách đánh địch theo phương châm chủ động, kiên quyết đánh cho được, đánh bằng mọi cách để tiêu diệt đúng mục tiêu, đánh đúng đối tượng, đúng thời cơ, bảo đảm đánh liên tục.
Khoảnh khắc bắn trúng F-111
Ngày 22/12, 6h tối, các đơn vị đã phải vào trực súng rồi. Chúng tôi cứ ngồi trên bệ súng không rời. 8h tối, máy bay chỉ bay lởn vởn quanh Hà Nội chứ chưa vào. Anh Giám nói, theo thông báo bên trên là cứ chuẩn bị sẵn sàng theo chỉ thị của cấp trên.
Bỗng anh Giám hô “Tất cả chú ý, máy bay đang cách Hà Nội 200km, hướng Bắc số 1-14”. Nhanh lắm, trong tích tắc đã nghe thông báo “nó” bay được 150km. Anh Giám tiếp tục hô: “Mất mục tiêu”. Vì “nó” bay thấp quá, nên hầm chỉ huy ở Yersin cũng mất tín hiệu. Nhưng với kinh nghiệm chiến đấu ở vị trí pháo binh nhiều năm nên anh Giám biết máy bay đang bay theo hướng đó là rất gần rồi. “Nó” không thể đổi hướng được, chỉ có thể bay duy nhất 1 hướng này nên anh ấy căn thời gian mất mục tiêu theo giây để xác định vị trí máy bay địch.
Các anh em bên súng căng mắt, tay nắm chắc súng. Bỗng anh Giám hô to: “Tất cả, 14, phương vị 14, góc 45 độ!”. Ngay lập tức, theo phản xạ, tôi cứ quay đúng súng theo hướng chỉ định, vừa vào vị trí thì anh hô “Bắn!”. Tôi bắn được 9 viên, anh Cường (Nhà máy Gỗ Hà Nội ) 6 viên, chị Hiếu (Nhà máy Cơ khí Mai Động) 4 viên. Tổng cộng 19 viên. Sau khi nổ súng xong, cả đội thấy “nó” bay xẹt qua mặt mình. Khói mịt mù.
Chỉ huy Hoàng Minh Giám nói: “Bắn thế là tốt, đúng thời cơ. Điểm xạ dài bắn từ 9 đến 15 viên”.
Ngay sau đó, cả đội lại chuẩn bị súng cho chiến đấu đợt 2 mà không hề biết có trúng hay không. Đêm đó, tôi thức suốt đêm ở trận địa. Chúng tôi cùng ngồi bên ụ súng, mệt nhoài, nhưng luôn trong tâm thế sẵn sàng đánh tiếp.
Khoảng 2h sáng, mấy đồng chí trên Bộ Tư lệnh xuống trận địa, lúc đó mới hay, ở Trận địa Vân Đồn chúng tôi đã “đánh gục” thằng “cánh cụp cánh xòe” này. Vài ngày sau, chiếc F-111 đã xác định được điểm rơi ở Hòa Bình và dân quân Hòa Bình bắt sống phi công.
50 năm đã trôi qua, nhưng tôi chưa bao giờ quên được khoảnh khắc đó. Tiếng bom dội, hình ảnh khói mịt mù, tiếng xẹt ngang trời, tiếng loa báo động, nhà cửa đổ nát, tang thương… trong những ngày tháng cam go của Thủ đô vẫn còn ám ảnh tôi trong cả giấc mơ khi đêm về.
Vậy nhưng, thế hệ chúng tôi vẫn luôn tự hào mỗi khi kể lại cho cháu con về sự hy sinh, vì lý tưởng cao đẹp: Chiến đấu để bảo vệ bầu trời Hà Nội, bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Đó là niềm tự hào của những công dân Thủ đô vì đã được đóng góp công sức, trí tuệ, xương máu của mình làm nên kỳ tích, huyền thoại “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
Dân quân tự vệ góp phần làm nên chiến thắng huyền thoạiTháng 8/1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô tập trung xây dựng 8 Đại đội tự vệ làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, đồng thời chỉ đạo 4 quận nội thành gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, và Hai Bà Trưng tổ chức xây dựng 4 đại đội cao xạ (mỗi đại đội 5 khẩu đội, quân số 50 người/đại đội) và bước vào trực chiến từ 25/8/1972. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô còn chỉ đạo xây dựng mạng lưới hệ thống dân quân tự vệ rộng khắp. Đối với nội thành, bố trí 62 trận địa trực chiến, sát mục tiêu cần bảo vệ. Đối với các huyện ngoại thành, mỗi huyện tổ chức 1 đại đội bộ binh, dân quân, du kích, tự vệ chiến đấu tại chỗ và phục vụ chiến đấu. Đến nửa cuối tháng 12/1972, lực lượng dân quân tự vệ phát triển lên đến 54.000 người, với 500 súng trung liên, đại liên, súng máy phòng không ở 295 trận địa, 4 trận địa pháo cao xạ 100mm; 92 trận địa pháo tầm thấp. Trên cơ sở nghiên cứu quy luật hoạt động của địch, quân và dân Thủ đô đã khắc phục địa hình, địa vật chật hẹp, tận dụng nhà cao tầng nội đô để bố trí trận địa súng máy không 12,7mm; 14,5mm cả trên nóc nhà kiên cố. Các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, HTX ở nội đô, ngoại thành đều tổ chức, bố trí các tổ đội chiến đấu, tập trung hỏa lực thành mạng lưới dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp. Tại Hà Nội, lực lượng dân quân, tự vệ thành phố luôn tích cực chủ động, sẵn sàng chiến đấu, tổ chức đánh địch bằng mọi thứ vũ khí hiện có (kết hợp vũ khí thông thường với hiện đại). Kết quả, các chiến sĩ Đại đội tự vệ của 3 nhà máy Cơ khí Mai Động, Gỗ Hà Nội và Cơ khí Lương Yên đã phối hợp bắn hạ 1 máy bay F.111 của địch bằng 19 viên đạn 14,5 mm. Riêng tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động thuộc Sở Công nghiệp thành phố Hà Nội còn bắn rơi 1 máy bay F.111 của đế quốc Mỹ. Các lực lượng khác gồm 1 tiểu đoàn tự vệ 450 người; 2 đại đội súng máy phòng không 12,7 mm và 14,5 mm, 1 đại đội Công binh, 1 đại đội tự vệ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân bắn rơi 1 máy bay. Ngoài chiến đấu, lực lượng dân quân, tự vệ còn phục vụ chiến đấu như rà phá bom, đào, đắp hầm trú ẩn, sơ tán nhân dân,… góp phần to lớn cùng các lực lượng vũ trang, Nhân dân Thủ đô làm nên thắng lợi chung của chiến dịch. (Trung tướng Phạm Quang Ngân – Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam) |
Thái Sơn - Đức Minh (ghi lại)