e magazine
24/07/2024 15:04
Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

24/07/2024 15:04

Thăm Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thành kính dâng hoa, dâng hương trước anh linh của anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng; đồng thời ôn lại truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng của thế hệ thanh niên trong những năm tháng chiến tranh.

anh hùng

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Thăm Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thành kính dâng hoa, dâng hương trước anh linh của anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng; đồng thời ôn lại truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng của thế hệ thanh niên trong những năm tháng chiến tranh.

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Hồi ức về người anh cả vĩ đại

Tại đây, đoàn công tác đã có cơ hội gặp gỡ người cháu ruột của anh hùng Lý Tự Trọng là ông Lê Hữu Lợi (71 tuổi). Hơn 40 năm qua, ông đã cùng với chính quyền, đoàn viên thanh niên xã Việt Xuyên (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) quán xuyến, trông nom, quét dọn và bảo tồn khu Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng.
Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô dâng hương tại Nhà Tưởng niệm anh hùng Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh)

Tôi ngỏ ý muốn được biết thêm nhiều câu chuyện về người đoàn viên anh hùng, ông Lợi cười nói: “Cháu muốn biết rõ thì tôi sẽ dẫn cháu đi gặp em gái của cụ Trọng. Bà Bảy lớn tuổi lắm rồi nhưng cái gì về cụ Trọng bà cũng nhớ. Những điều tôi biết về cụ cũng là nhờ nghe bà kể cả”.

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô gặp gỡ và trò chuyện với ông Lê Hữu Lợi

Dưới cái nắng trưa chang chang, những phóng viên trẻ chúng tôi theo chân ông Lê Hữu Lợi tìm về với căn nhà nhỏ của bà Lê Thị Bảy (1933), em gái thứ 7 trong gia đình 7 người con của ông Lê Hữu Đạt và bà Nguyễn Thị Sờm. 91 tuổi, tuy chân chậm, mắt mờ nhưng tinh thần của bà vẫn hết sức minh mẫn, tỉnh táo. Tiếp chuyện chúng tôi, bà Bảy rất tự hào khi nhắc đến gia đình giàu truyền thống cách mạng qua nhiều đời.

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Ông Lê Hữu Lợi dẫn đoàn Báo Tuổi trẻ Thủ đô về thăm nhà bà Lê Thị Bảy (em gái ruột anh hùng Lý Tự Trọng).

Anh hùng Lý Tự Trọng (1914 – 1931, tên thật là Lê Hữu Trọng) là anh cả của 7 người em trong một gia đình Việt kiều Thái Lan giàu lòng yêu nước. Hai cụ thân sinh anh là ông Lê Hữu Đạt và bà Nguyễn Thị Sờm đều là nghĩa quân Phan Đình Phùng. Hai người cùng chung số phận tha phương nơi đất khách quê người, mang trong lòng nỗi nhớ quê hương da diết và lời thề cứu nước. Sự đồng cảm ấy đã gắn kết họ thành vợ chồng. Sau khi anh cả Lê Hữu Trọng ra đời, ông bà lần lượt sinh thêm 7 người con nữa.

Tuổi thơ của người anh hùng gắn liền với làng Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan). Bé Trọng mới 3 tháng tuổi đã được mẹ địu ra đồng cấy lúa. Lời ru của người mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn cậu bé còn ẵm ngửa tình yêu quê hương, khát vọng trở về đánh đuổi kẻ thù. Theo lời kể của các bô lão, tối nào người dân trong làng cũng tập trung lại sau một ngày làm việc mệt nhọc, để kể cho nhau nghe những câu chuyện trong nước.

Những câu chuyện về truyền thống đánh giặc lâu đời của đất nước là những bài học lịch sử, hun đúc lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc ngoại xâm cho các thế hệ con cháu kiều bào Việt Nam ở Thái.

Năm 1923, cảnh sát Thái Lan và mật vụ Pháp bao vây ngôi trường Bản Đông do chí sĩ Đặng Thúc Hứa lập nên, nơi anh Trọng và em thứ Đại học tập, buộc trường phải đóng cửa. Năm 10 tuổi, Lý Tự Trọng may mắn được Thầu Chín (tên gọi khác của Bác Hồ) đưa qua Trung Quốc để học tập.

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Bà Lê Thị Bảy năm nay đã 91 tuổi

Trong một ngôi nhà nhỏ ở phố Văn Minh, nằm cạnh dòng sông Châu Giang của thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, nơi mà tám thiếu niên đầu tiên của lớp “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội” được Bác Hồ chọn sang Trung Quốc đào tạo, Lê Hữu Trọng được Bác đặt cho cái tên mới là Lý Tự Trọng.

Kể về người anh vĩ đại, bà Bảy cho biết, khi bà sinh ra thì anh mình đã mất, nên họ chưa một lần được nhìn mặt nhau. Bà chỉ biết đến anh cả qua bức di ảnh, qua câu chuyện bố mẹ và anh Lê Hữu Đại kể. Sau này đến khi đi học, bà lại ‘gặp’ anh mình trong những tư liệu lịch sử. Ngoài những gì lưu truyền trong sách vở, tư liệu, bà không nhớ được nhiều về cuộc đời cách mạng của anh cả Lý Tự Trọng. Tuy nhiên, giây phút hy sinh của anh thì bà nhớ mãi.

Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước để thực hiện nhiệm vụ thành lập đoàn Thanh niên Cộng sản và làm liên lạc cho xứ ủy Nam Kỳ. Ngày 9/2/1931, trong buổi kỷ niệm một năm cuộc bạo động Yên Bái trên đường Larégnère, khi tên thanh tra mật thám LeGrand định lao tới bắt người đang giương cờ và diễn thuyết, Lý Tự Trọng đã xông đến bắn chết hắn trước khi tên thực dân kịp hành động. Địch lập tức huy động quân truy bắt anh. Người chiến sĩ trẻ gốc Hà Tĩnh bị bắt đúng vào thời điểm quan trọng, chỉ cách Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai hơn một tháng.

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng được phục dựng dựa trên tấm ảnh gốc còn lại khi trước

Bà Lê Thị Bảy xúc động nói: “Chúng nó biết anh tôi là cầu nối liên lạc giữa 20 trụ sở Đảng nên dùng đủ mọi loại cực hình để bắt anh nói ra thông tin mật. Những bạn tù của anh kể, thực dân Pháp treo ngược anh Trọng lên xà nhà rồi quất roi đuôi bò đến tóe máu, xoáy ốc sắt để kẹp thái dương hay bẻ quặt tay anh ra sau đến tím tái... Nhưng rồi anh tôi vẫn nhất quyết không khai. Lũ tra tấn còn phải khiếp sợ trước ánh mắt căm hờn anh nhìn chúng. Nó gọi anh tôi là ‘ông nhỏ’ vì còn trẻ mà lá gan lớn hơn hùm beo”.

Không thể làm lay chuyển ý chí của người thanh niên trẻ, Pháp quyết định đưa anh ra xét xử khi mới 17 tuổi. Đây là một điều chưa từng có khi bè lũ thực dân phải mở một phiên tòa đại hình để xử một người cộng sản chưa thành niên.

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng tặng quà, hỏi thăm sức khỏe bà Lê Thị Bảy.

Các luật sư bào chữa và chủ tọa có ý nói đồng chí Lý Tự Trọng “trẻ người non dạ”, chưa ý thức được hết hậu quả của việc mình làm nên đề nghị anh cung cấp lời khai để được hưởng khoan hồng. Tuy nhiên, người anh hùng ấy đã gạt phắt đi, dõng dạc đứng trước vành móng ngựa tuyên bố: “Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”.

Lời cuối cùng anh nói trước tòa rất dõng dạc, đã trở thành câu nói bất hủ, làm nung cháy nhiều trái tim cách mạng của thanh niên thời đó. Tòa phán anh tử hình, y án đưa lên máy chém. Trước lúc lưỡi đao hạ xuống, tiếng người anh hùng vẫn vang vọng trong không gian: “Việt Nam! Việt Nam!”.

ngọn đuốc sáng mãi muôn đời

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô dâng hương tri ân tấm gương anh hùng Lý Tự Trọng.

Ngày anh cả hy sinh, bà Lê Thị Bảy chỉ mới hai tuổi. Những câu chuyện mà bà chia sẻ với chúng tôi hôm nay là những ký ức được gia đình truyền lại qua nước mắt và nỗi đau. Bà Bảy nhớ rất rõ, mỗi khi mẹ bà, cụ Lê Thị Sờm, nhắc đến người con trai 17 tuổi, mẹ lại cắn chặt môi, giấu đi dòng lệ đau thương trong khói bếp.

"Ngày biết tin anh cả sắp bị đưa lên máy chém, mẹ tôi lầm lũi đi ra đi vào, rồi lại ngồi thẫn thờ như người mất hồn, trông ra cửa mà nước mắt tuôn rơi. Dù là một người làm cách mạng, nhưng khi biết sắp mất đứa con mình đã dứt ruột đẻ ra, mẹ tôi đau đớn khôn cùng. Bà không khóc lóc hay la hét, mà âm thầm chịu đựng, nén đau thương vào lòng. Nhìn mẹ lúc ấy, ai cũng cảm nhận được sự đau đớn đến tột cùng. Ngày qua ngày, mẹ không ăn không uống, đêm chong mắt thức trắng. Thời gian sau, mẹ gầy rộc đi vì thương nhớ con. Đến lúc hấp hối, trước khi nhắm mắt, mẹ tôi vẫn cố ngước lên nhìn di ảnh của anh cả lần cuối rồi mới an lòng trút hơi thở cuối cùng" - bà Bảy nghẹn ngào chia sẻ.

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Bà Bảy nhớ rất rõ những câu chuyện kể về anh cả Lý Tự Trọng. Bà xúc động khi nhắc đến những chiến công và sự hy sinh quả cảm của anh.

Bà Bảy còn kể thêm, tất cả anh chị em trong gia đình đều được bố mẹ nuôi dưỡng ý chí cách mạng từ nhỏ và tham gia kháng chiến. Chồng bà, ông Nguyễn Văn Đờn, nguyên là Bí thư chủ nhiệm cán bộ ngành giao thông tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Sau khi trở thành con rể của gia đình họ Lê yêu nước, ông Đờn nhiệt tình tham gia cách mạng, chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt ở phà Phao (Đức Thọ) và cầu Linh Cảm (Hương Sơn). Sau này, khi hòa bình lập lại, ông được điều sang công tác tại ban tuyên huấn tỉnh cho đến khi về hưu.

Gia đình nhỏ của bà Bảy cũng là một cái nôi cách mạng. Trong số bảy người con của ông bà, con trưởng Nguyễn Văn Đức đã hy sinh khi đang chiến đấu chống Mỹ tại mặt trận Tây Ninh. Giống như bao người phụ nữ Việt Nam thời chiến, bà Bảy đảm nhiệm vai trò của một hậu phương vững chắc, làm lụng quần quật trên mấy mẫu ruộng để nuôi các con ăn học, giúp chồng con yên tâm tham gia cách mạng.

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Đồng chí Nguyễn Thanh Thắng, ủy viên BCH chi Đoàn Báo Tuổi trẻ Thủ đô chia sẻ: "Những chuyến đi về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ là những "lớp học" thực tế quan trọng, góp phần giáo dục các thế hệ thanh niên trẻ ngày nay về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa". Qua đó, các đoàn viên thanh niên chúng tôi hiểu thêm về lòng yêu nước và tinh thần cống hiến của cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

“Tôi học anh tôi đấy” – bà Bảy tự hào nói – “Em gái dù chưa một lần gặp anh cả, nhưng tấm gương của anh luôn sáng mãi để cho chúng tôi nhìn vào phấn đấu vì Tổ quốc. Anh ra đi nhưng lý tưởng cách mạng vững vàng của anh đã củng cố thêm ý chí và bồi thêm nỗi căm hờn cho tôi và chồng con đứng lên chống Mỹ cứu nước sau này. Thương anh thì phải làm gì đó để anh tự hào, có vậy anh mới mỉm cười yên lòng bên mẹ cha nơi chín suối”.

Ông Lê Hữu Lợi chia sẻ: “Bao năm tiếp đón nhiều đoàn công tác về thăm viếng nơi ông tôi yên nghỉ, tôi cảm thấy rất vui. Thế hệ thanh niên trẻ ngày nay vẫn gìn giữ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, biết tìm về tri ân những người anh hùng có công với dân tộc. Tôi rất phấn khởi khi nhiều Đoàn Thanh niên các đơn vị luôn tổ chức các buổi học tập, rèn luyện theo gương anh hùng Lý Tự Trọng để tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương. Đến tận bây giờ, ngọn lửa nhiệt huyết của thanh niên trẻ mà ông Lý Tự Trọng thắp lên vẫn tiếp tục được truyền trong nhiều thế hệ. Đó là điều đáng quý mà các bạn trẻ cần tiếp tục đẩy mạnh phát huy. Chắc chắn họ sẽ làm tốt công tác của mình, đóng góp cho Tổ quốc những giá trị quý báu cho tương lai”.

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô chụp ảnh lưu niệm tại Nhà Tưởng niệm Lý Tự Trọng

Suốt 90 năm qua, tuyên bố “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng” của người anh hùng Lý Tự Trọng vẫn luôn là lời hiệu triệu cho các thế hệ thanh niên Việt Nam vững vàng trên con đường cách mạng thời kỳ mới bằng “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”.

Trong bối cảnh mới, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ. Trước hết, mỗi thanh niên cần có trách nhiệm với chính mình, nỗ lực hoàn thiện bản thân; nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ. Mỗi giá trị mà thanh niên đóng góp cho cộng đồng chính là nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển đất nước.

Gương anh hùng sáng mãi với thời gian

Đoàn viên thanh niên huyện Thạch Hà thường xuyên tổ chức các chương trình tri ân, chăm sóc, quét dọn tại khu tưởng niệm người anh hùng dân tộc.

Với nhiệm vụ trong thời đại mới là đưa đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, hơn bao giờ hết, mỗi thanh niên cần phải kiên quyết giữ vững lập trường, bản lĩnh cách mạng; đấu tranh với những hành động chống phá của thế lực thù địch; tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”.

Qua những câu chuyện từ thân nhân của anh hùng Lý Tự Trọng, tôi học được rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thanh niên Việt Nam luôn phải giữ vững lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, và không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân. Đây chính là con đường duy nhất để mỗi chúng ta có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, để xứng đáng với sự hy sinh của những người đi trước và để ngọn đuốc cách mạng mãi sáng rực trong tim mỗi thanh niên Việt Nam.

Hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024), 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), hòa chung các hoạt động tri ân của TP Hà Nội, từ ngày 8 - 11/7, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thực hiện hành trình về nguồn đầy ý nghĩa tại các tỉnh miền Trung.

Cụ thể, đoàn công tác của báo đã tới dâng hương các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào, Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị.

Trong hành trình này, lãnh đạo báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng thăm hỏi, tặng quà 10 thanh niên xung phong, người có công với cách mạng, thân nhân Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng, 4 Mẹ Việt Nam anh hùng và trao tặng 50 suất quà, học bổng tới các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và Can Lộc (Hà Tĩnh).

Tại khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng và Phó Tổng biên tập Ngô Vương Tuấn đã trao tặng 7 suất học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; động viên các em tiếp tục học tập, rèn luyện và vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà và động viên gia đình các bà mẹ VNAH trên địa bàn huyện Thạch Hà, mong muốn gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong các phong trào để góp phần xây dựng gia đình, quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển.

Trước đó, tại Hà Nội, lãnh đạo báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tới thăm và trao tặng quà cho người già, người neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 và người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Tại 2 trung tâm, lãnh đạo báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thăm hỏi, động viên các bà, các mẹ là thân nhân người công với đất nước, những cụ già neo đơn cùng các em nhỏ; trao những món quà ý nghĩa với tổng giá trị xấp xỉ 150 triệu đồng.

Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện “Ơn nghĩa sinh thành” của báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tổ chức vào 15/8 tới đây.

Bài viết: Tùng Linh

Ảnh: Thành Trung - Phạm Mạnh

Tùng Linh