e magazine
01/01/2025 09:20
Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa

01/01/2025 09:20

Kể từ ngày 1/1/2025, Luật Thủ đô sửa đổi chính thức có hiệu lực. Với hàng loạt các đổi mới mang tính đột phá, nhiều chính sách đặc thù, vượt trội về phát triển giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Thủ đô sửa đổi là cơ hội để Hà Nội thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nhân lực chất lượng cao.

Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa

Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 là cơ hội để Hà Nội thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nhân lực chất lượng cao. Theo các chuyên gia, các chính sách của Luật Thủ đô sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, là cơ sở để các trường đa dạng hóa các loại hình giáo dục; mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các trường thu hút được nhân tài, phát triển sản phẩm khoa học, công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, từ đó góp phần xây dựng Thủ đô là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước. Các trường đại học, cao đẳng ở Thủ đô xác định tâm thế chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội, tận dụng các cơ chế đặc thù và vượt trội của Luật Thủ đô để tạo ra bước phát triển đột phá, góp phần phát triển mạnh mẽ giáo dục, kinh tế và nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.

Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa

Ngành giáo dục quy mô lớn nhất toàn quốc

Là Thủ đô văn hiến, kể từ ngày giải phóng (10/10/1954), sự phát triển của ngành GD&ĐT Hà Nội là tấm gương phản chiếu cho sự lớn mạnh của Hà Nội.

Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô (1954 - 2024), Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định: Trong 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ; bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành GD&ĐT Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước.

Thực tế, đến nay, ngành GD&ĐT Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên, trong đó có 342 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm gần 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia...

Học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hà Nội cũng là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn Thành phố đạt 99,81%, nằm trong tốp 10 các tỉnh, thành phố đạt kết quả cao nhất.

Mới đây, trong 10 sự kiện tiêu biểu của Hà Nội trong năm 2024 cũng vinh danh ngành giáo dục Thủ đô. Năm 2024, Giáo dục và đào tạo Thủ đô đạt được nhiều kết quả toàn diện, đều khắp ở các cấp học, nhà trường, các loại hình giáo dục. Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển, đứng đầu cả nước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và 05 bậc so với năm 2023, là kết quả cao nhất trong 10 năm qua; nhiều thủ khoa là thí sinh Hà Nội. Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia với 184 học sinh đoạt giải. Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai Học bạ số cấp Tiểu học với 97,6% học sinh khối 1 đến khối 4 được tạo thành công Học bạ số (bằng hơn 2 lần mức trung bình của cả nước đạt 41%).

Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa
Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa
Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa

Tựu chung lại, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nhìn nhận: Giáo dục Thủ đô đứng trước đòi hỏi cao, yêu cầu cao, chuẩn cao, ở tính mẫu mực, tính tiên phong, ở chất lượng hàng đầu và là tấm gương, là hình mẫu cho giáo dục cả nước. Vì vậy, những gì giáo dục Thủ đô đã đạt được và được ghi nhận trong thời gian qua cần phải tính với cấp số nhân và giá trị gia tăng trong mọi sự ghi nhận và đánh giá.

Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa

Vẫn “khát” nhân lực chất lượng cao

Bàn về vấn đề thu hút nhân lực chất lượng cao tại Thủ đô, PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, Hà Nội là địa phương được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Chính trị ban hành nhiều Nghị quyết riêng về phát triển Thủ đô, Quốc hội ban Hành Luật Thủ đô và nhiều chính sách đặc thù.

Ngoài ra, Hà Nội có nguồn nhân lực có chất lượng cao, là trung tâm hội tụ nhân tài của cả nước; nơi tập trung đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu của đất nước, với hệ thống các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học lớn nhất nước. Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu, các cơ sở văn hóa-nghệ thuật và đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 80% số trường đại học, viện nghiên cứu của cả nước; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội…

Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa
Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa
Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa
Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Tất Thắng đặt vấn đề rằng, hiện nay, yêu cầu phát triển Thủ đô rất cao: Thủ đô phải thành một thành phố kết nối toàn cầu, thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại", đòi hỏi phải có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, các làm, cách tổ chức, để vừa phát huy được các yếu tố truyền thống, lại vừa hội nhập được với thế giới hiện đại đã rất phát triển.

Mức độ cạnh tranh thu hút các nguồn lực, nhất là cạnh tranh thu hút nhân tài, để phát triển ngày càng gay gắt, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ cao, có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của nền kinh tế...

Nhưng đứng trước yêu cầu mới, Thủ đô của Việt Nam phải vươn lên đua tranh với Thủ đô của các nước trên thế giới, phải là biểu tượng của Thành phố văn minh, hiện đại, đặt trong bối cảnh phân công, hợp tác, liên kết vùng, Hà Nội sẽ tập trung hơn vào một số lĩnh vực để thực sự phát huy thế mạnh đặc thù và vai trò dẫn dắt sự phát triển quốc gia. Trong đó có các ngành, lĩnh vực dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, thiết kế, luật pháp, khoa học-công nghệ, giáo dục, y tế…

Bà Bùi Thị An Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội đánh giá: "Chuyện học giỏi trong trường chỉ là điều kiện cần còn điều kiện đủ người được chọn phải có kinh nghiệm, trải nghiệm thực tiễn, sự sáng tạo, đổi mới tư duy để phát triển. Chưa kể đến tiêu chí tuyển chọn trong từng lĩnh vực là khác nhau, không thể đánh đồng giữa các ngành, vì vậy vẫn cần nghiên cứu những tiêu chuẩn cụ thể để chọn đúng người tài".

Cùng với đó, mục tiêu cuối cùng là phải tìm ra người xứng đáng, nếu có cơ chế thu hút, trả đãi ngộ cao nhưng lại cho người không tương xứng sẽ lại là một sự lãng phí vô cùng thậm chí gây mất đoàn kết nội bộ.

Đưa ra kiến nghị, PGS.TS Bùi Thị An cho hay: "Phải lấy hiệu quả công việc trên thực tiễn đóng góp cho Thủ đô để trả lương. Nhưng cũng cần tạo ra môi trường làm việc tốt, tôn trọng để người tài được thực hiện ý tưởng và cũng phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học".

Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, để chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực để đạt tính khả thi và thực hiện có hiệu quả, cần làm rõ khái niệm về người có tài, tiêu chí xác định nhân tài, đưa ra các quan điểm, chính sách thu hút nhân tài, chính sách trọng dụng nhân tài. Từ đó, đưa ra các nhóm chính sách thu hút nhân tài, nhóm chính sách trọng dụng nhân tài. Tương tự, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng vậy.

Cụ thể, Luật Thủ đô sửa đổi quy định về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 16. Về nội dung này, TS Trần Anh Tuấn cho hay, thứ nhất, “nhân tài” nói tại Luật Thủ đô nên quy định được hiểu là người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực và khát vọng cống hiến vì sự phát triển của Thủ đô; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có đóng góp tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.

Bên cạnh đó, nhân tài phải do chính quyền thành phố Hà Nội xác định và công nhận theo 3 tiêu chí: Có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực, khát vọng cống hiến vì sự phát triển của Thủ đô Hà Nội; Có trình độ và năng lực sáng tạo vượt trội trong một ngành, một lĩnh vực cụ thể của Thủ đô Hà Nội; Có thành tích, công trạng, cống hiến tạo nên sự tiến bộ, phát triển của ngành, lĩnh vực của Thủ đô.

Chính sách trọng dụng nhân tài, bao gồm các nội dung sau: được bố trí, phân công giao đảm nhiệm các vị trí việc làm ứng với các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp; được hưởng lương theo vị trí việc làm và bổ nhiệm giữ chức danh công chức, viên chức tương ứng; được người đứng đầu hoặc cấp trên trực tiếp bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý phù hợp; được đặc cách tham gia khi tuyển chọn bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn khi có nhu cầu; được đặc cách đưa vào quy hoạch, luân chuyển, bồi dưỡng để rèn luyện, phát triển; được bố trí nhà ở công vụ miễn phí; được ưu tiên khi thực hiện việc xuất nhập cảnh; được hưởng các đãi ngộ theo quy định của HĐND Thủ đô; được khen thưởng, tôn vinh kịp thời, gắn với công trạng, thành tích, không theo quy trình, thủ tục thông thường…

Việc tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng và thu hút nhân tài được thực hiện theo 4 nguồn nhân lực sau: Một là, học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc từ các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước và nước ngoài. Hai là, tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư có các công trình, đề án nghiên cứu được ứng dụng vào đời sống thực tiễn và mang lại hiệu quả. Ba là, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân và người lao động đang làm việc tại cơ quan, đơn vị, tổ chức của Thủ đô. Bốn là, những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác, kể cả trong và ngoài nước.

Việc thu hút nhân tài về làm việc tại Thủ đô Hà Nội không căn cứ vào bằng cấp, độ tuổi, thâm niên công tác; không phân biệt dân tộc, vùng miền, người trong nước hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài; không thành kiến, hẹp hòi, đố kỵ và phân biệt đối xử.

Hà Nội hội tụ nhân tài

Cũng theo TS Trần Anh Tuấn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Thủ đô sửa đổi. Thứ nhất, mục tiêu: việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội là nhằm xây dựng lực lượng lao động có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, được đào tạo ngành nghề cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và thực hiện mục tiêu phát triển của Thủ đô.

Đột phá để Hà Nội hội tụ tinh hoa

Thứ hai, cơ sở và căn cứ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: căn cứ vào từng giai đoạn, chính quyền Thủ đô tập trung phát triển các cơ sở đào tạo dạy nghề (công lập và ngoài công lập) chất lượng cao gắn với nhu cầu của các ngành, lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực ưu tiên để phát triển Thủ đô. Thu hút doanh nghiệp, các tổ chức hội, hiệp hội tham gia vào hoạt động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cơ sở đào tạo và dạy nghề.

Thứ ba, cơ chế hoạt động của hệ thống các cơ sở đào tạo, dạy nghề: các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập của Thủ đô được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, quản lý viên chức và cơ chế tài chính để nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ phân cấp cho chính quyền Thủ đô Hà Nội quy định, hướng dẫn và kiểm soát cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các cơ sở đào tạo, dạy nghề công lập của Thủ đô Hà Nội.

Thứ tư, phân cấp, ủy quyền và chính sách liên doanh, liên kết: các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập của Thủ đô được hợp tác liên doanh, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề tầm cỡ trong khu vực và quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ phân cấp và ủy quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định trình tự, thủ tục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ và quy định việc tích hợp chương trình giảng dạy.

Thứ năm, chính sách của Chính phủ và chính quyền Thủ đô: trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập trên địa bàn Thủ đô được Chính phủ và chính quyền Thủ đô hỗ trợ mở rộng địa điểm, kinh phí đầu tư đối với hoạt động chuyển đổi số, đối với công tác quản trị và đào tạo, dạy nghề; đối với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Thứ sáu, trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chính quyền Thủ đô Hà Nội có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập chủ động thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc ở các vị trí quản lý, giảng dạy; thực hiên cơ chế hợp đồng sử dụng chuyên gia và người lao động có quốc tịch nước ngoài; quy định việc đánh giá, thi đua phù hợp với đặc điểm của hoạt động đào tạo, dạy nghề.

Thứ bảy, ngân sách của Thủ đô được HĐND TP dành một tỷ lệ nhất định để tăng chi cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đầu tư cho hệ thống đào tạo và dạy nghề nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Về vấn đề phát triển nhân lực chất lượng cao, PGS.TS Bùi Tất Thắng cho biết, Luật Thủ đô quy định: "Đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh; bảo đảm bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí".

Điều 18 Luật Thủ đô cũng quy định rõ, biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, trong đó, UBND Thành phố có trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch để cơ quan, đơn vị, cơ sở thuộc danh mục phải thực hiện di dời xây dựng cơ sở, trụ sở mới nếu có nhu cầu. Quỹ đất sau khi thực hiện việc di dời được bàn giao cho UBND Thành phố quản lý, sử dụng để xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch, không bố trí chức năng ở, lưu trú.

Đồng thời, Luật Thủ đô cũng trao quyền chủ động cho TP Hà Nội chủ động hơn trong cơ chế tài chính, hỗ trợ học phí cho người học trên địa bàn Thành phố không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục cũng như nhiều lĩnh vực khác để bảo đảm "Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế".

Bài: Vũ Cường, Hoài Sơn
Đồ họa: Tâm La

Vũ Cường