e magazine
29/06/2024 16:29
Đi tìm hình bóng Huế thương

29/06/2024 16:29

Về đất Cố đô vào một chiều tháng 6, rảo bước dưới cái nắng miền Trung ta chợt chạnh lòng thương Huế đến da diết. Thiên nhiên vốn chẳng hiền hòa với mảnh đất này, nhưng tâm hồn con người nơi đây lại thơm thảo như sen, dịu dàng tựa làn điệu hò Huế. Đến với Cố đô, người ta không chỉ đắm chìm trong chuyện xưa tích cũ, mà còn quyến luyến nhớ nhung tấm lòng của người xứ Huế, nhớ đến day dứt bồi hồi.

huế


Đi tìm hình bóng Huế thương
Đi tìm hình bóng Huế thương

Đi tìm hình bóng Huế thươngĐến với Huế, ta có phần thảng thốt khi cảm nhận được nhịp sống thong thả, bình yên đến lạ của vùng đất kinh kỳ phồn hoa một thời. “Huế chậm”, đó là những gì khách du lịch thường nói khi đến với Cố đô. Ban đầu, cái chậm rãi đó dễ khiến những tâm hồn ngày thường quay cuồng trong công việc cảm thấy “Sao mà chán thế?”. Họ quen với vòng xoay hối hả của cuộc sống đô thành, chẳng quen được nhịp sống tĩnh lặng ở Huế.

Đến với Huế, nhiều người trẻ tìm sự sôi động dễ cảm thấy thất vọng khi đêm thâu tĩnh lặng bao trùm. Họ cho rằng, Huế quá buồn, quá chán, ban ngày cũng như ban đêm, trầm mặc, uy nghiêm và hoài niệm. Nhưng khi ta cho phép bản thân được chậm lại trong từng giây phút, hòa cùng nhịp thở và thanh âm du dương của Huế, ta lại cảm nhận được một Huế mộng mơ, ngọt ngào và chứa đầy năng lượng “chữa lành” kỳ diệu mà bao bạn trẻ đang tìm kiếm. Huế buồn, nhưng nỗi buồn xứ Huế tựa bản tình ca về một mối tình sâu đậm ta đã lỡ buông tay, tiếc nuối, nhớ nhung khắc khoải trong từng giây phút. Để rồi, khi người ta rời khỏi Huế, đọng lại là nỗi nhớ, niềm thương, đau đáu ngày trở lại với Cố đô thêm một lần nữa.

Huế, với nỗi buồn dịu dàng, thấm đượm trong từng nhịp đập Cố đô. Đây cũng là nơi đã chứng kiến bao thăng trầm, sự hưng vong của triều Nguyễn, chỉ còn lại những di tích phủ đầy sương gió của một thời hoàng kim. Huế buồn, kể cả trong ban mai rực rỡ hay mưa chiều âm u. Bầu trời chiều tím mang nỗi niềm khắc khoải, hoài niệm quá khứ, sống lặng lẽ với hiện tại và ẩn chứa niềm hy vọng cho ngày mai.

Đi tìm hình bóng Huế thương

Đến với Huế, một sớm mai thức dậy, tản bộ bên bờ Hương Giang, tìm mùi hương trong trẻo của cỏ thạch xương bồ quý hiếm, ta thấy cả đất trời dịu êm đang thu vào trong tầm mắt. Bình minh thắp đuốc vàng sáng rực không gian, điểm tô cho sông núi màu tím sẫm còn đang vấn vít những tầng sương mù huyền ảo. Từng giọt nắng tan, rơi nhẹ trên những phiến lá, phản chiếu trên mặt sông Hương lấp lánh thếp vàng. Ánh dương đánh thức những giấc mơ dở dang, gọi con người ta tỉnh dậy sau đêm kinh kỳ tịch mịch.

Từng nẻo đường góc phố rực rỡ dưới nắng vàng nhưng chẳng mất đi được nét cổ kính, thanh tịnh vốn có. Bước chân những lữ khách chẳng nên quá vội mà hãy từ tốn thưởng lãm vẻ đẹp có một không hai của một thời quá khứ huy hoàng đã qua. Mỗi bước chân lại mở ra một câu chuyện về hơi thở bình yên nhưng chất chứa đầy hồi ức, đưa ta lạc vào những huyền thoại của Cố đô.

Đi tìm hình bóng Huế thươngDòng Hương Giang thơ mộng chia thành phố làm hai. Chính quyền TP Huế đã quy hoạch thông minh nhằm giữ gìn lại nét nguyên sơ, cổ kính cho Cố đô một thời. Bờ Bắc trầm mặc uy nghiêm, bờ Nam sôi động rực rỡ. Sông Hương chảy chậm, bình lặng như chính lối sống nền nã của người Huế. Mỗi bước chân trên con đường lát đá xưa cũ, ta cảm nhận được cái chạm nhẹ nhàng của lịch sử, của thời gian. Sông Hương hiền hòa trôi, uốn lượn qua thành phố như dải lụa đào phơi phới, phản chiếu bóng dáng của những ngôi chùa, những tháp cổ kính. Sông nước Huế như hòa vào nhịp sống, mang theo nỗi niềm của Cố đô, trôi đi mãi không ngừng.

Đi tìm hình bóng Huế thươngBờ Bắc sông Hương có Kinh thành, nơi ghi dấu bao vận đổi sao dời, chứng kiến những nốt thăng trầm của triều đại phong kiến cuối cùng của đất Việt; có hàng trăm lăng tẩm, đền đài, phủ đệ xưa được gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn nét đẹp của quá khứ huy hoàng... Kinh thành Huế gồm 2 khu vực chính là Hoàng thành và Tử Cấm Thành. Hai khu vực này thường được gọi chung là Đại Nội. Bên trong Hoàng Thành có Điện Thái Hòa - nơi thiết triều, khu vực các miếu thờ. Tử Cấm Thành nằm sâu trong Hoàng thành, là nơi sinh hoạt của vua và hoàng gia. "Tứ bề núi phủ mây phong, mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng vạn niên" là những lời thơ phù hợp nhất để người khách phương xa cảm nhận được vẻ đẹp của kinh thành Huế một thời.

Không gian Đại Nội như được ngăn cách với đô thị hiện đại bên ngoài bằng một bức màn vô hình nơi cổng thành sừng sững. Bước vào khuôn viên thành, không khí oi ả và cái nắng bỏng rát mùa hè chợt dịu đi đột ngột. Những khung cửa đá, cửa gỗ được thiết kế chỉn chu, thông minh, trở thành những cổng luân chuyển không khí mát lành, điều hòa nhiệt độ cho cả kinh thành rộng lớn. Điện Thái Hòa còn đó, Điện Cần Chánh còn đây,... nhưng sắc vàng son đã phai nhạt theo thời gian, mang theo cả vương triều lịch sử hòa vào dòng chảy văn hiến đất Việt.

Đi tìm hình bóng Huế thươngDưới tàng cây, mái ngói trăm năm, tà áo dài thướt tha yêu kiều khẽ rung theo từng nhịp bước của mỹ nhân. Mượn lấy không gian thành cổ, những cô gái hiện đại ngày nay diện lên mình những Nhật Bình, áo tứ thân, áo dài,... dạo bước trong từng dãy hành lang xưa cũ. Hồn Huế như trở về, tái hiện lại khung cảnh vàng son của thế kỷ trước, khi những vương phi, công chúa... vẫn đang thong thả tản bộ, lắng nghe điệu nhạc nỉ non của những đàn tranh, đàn bầu văng vẳng kể lại nỗi lòng của những kiếp hồng nhan nơi cấm cung.

Đi tìm hình bóng Huế thươngHuế còn là đất Phật linh thiêng, từng là Thủ đô Phật giáo Việt Nam, nơi tọa lạc của hơn 300 ngôi chùa lớn nhỏ. Ở Huế, người ta vẫn ngâm lên lời ru “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương”. Người Huế nhắc đến chùa Thiên Mụ với tất cả lòng tôn kính và thương yêu dành cho ngôi cổ tự hàng trăm năm tuổi. Những hồi chuông Thiên Mụ còn mãi ngân vang từ ngàn xưa cho tới tận ngàn đời sau.

Dừng chân bên bờ sông Hương, nhẹ bước qua cổng tam quan chùa Thiên Mụ, một không gian trang nghiêm, yên tĩnh bao trùm lấy tất thảy vạn vật chúng sinh. Ta lặng nghe tiếng chuông chùa ngân nga từ xa, tiếng kinh kệ thầm thì trong gió, những bông hoa trắng tinh khôi rơi rụng trên nền đất, tất cả hòa quyện tạo nên một bản hòa ca thiêng liêng, khiến bụi trần như tan biến, chỉ còn lại sự thanh thản trong tâm hồn.

Đi tìm hình bóng Huế thươngNgôi chùa nổi tiếng với tháp Phước Duyên cao vút, được xây dựng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Tháp cao chín tầng, mỗi tầng đều mang một ý nghĩa riêng, nhưng tất cả hòa quyện lại để chỉ ra hướng thiện, hướng về ánh sáng của trí tuệ và lòng từ bi. Dưới chân tháp, ta lặng nhìn dòng sông Hương tĩnh lặng như chẳng trôi. Vậy mà sóng vẫn nhẹ dập dìu, như những nốt nhạc du dương của bản giao hưởng thiên nhiên. Tháp Phước Duyên vời vợi giữa chốn Kinh kỳ, như thâu gọn hồn thiêng của Tổ quốc, thì thầm kể lại những câu chuyện trăm năm.

Không chỉ là nơi thờ tự, Chùa Thiên Mụ còn là điểm hội ngộ những tâm hồn yêu thích sự yên bình của những du khách phương xa. Họ đến đây không chỉ để cầu nguyện hay tìm kiếm sự bình an, mà còn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một công trình kiến trúc cổ kính hơn 500 năm tuổi, của một di sản văn hóa trường tồn với thời gian. Vào những ngày lễ, ngôi chùa trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, người người, nhà nhà nườm nượp kéo đến, mang theo bao lời nguyện cầu, bao hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đi tìm hình bóng Huế thương

Huế xưa đã khác Huế nay. Những vết chạm khắc của thời gian vẫn luôn được chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế gìn giữ cẩn thận, nhưng không có nghĩa Huế sẽ cũ kỹ, lỗi thời. Cố đô đang “chuyển mình” mạnh mẽ với muôn vàn màu sắc và tiềm năng phát triển rực rỡ.

Đứng trên tầng cao của những khách sạn hoa lệ đang phát triển phía bờ Nam sông Hương, ta dễ choáng ngợp trước khung cảnh đối lập mạnh mẽ của đôi bờ Hương Giang. Chẳng còn nữa những cảnh chen chúc của cư dân xóm vạn đò, chẳng còn đường xá đìu hiu, thưa thớt người qua lại bên những nếp nhà giản đơn... Giờ đây, cầu Trường Tiền, cầu Dã Viên, cầu Kim Long,... đã nối liền hai bờ sông Hương. Nhiều khu đô thị mới xuất hiện, đường xá khang trang và tấp nập hơn xưa. Khi đêm buông màn, muôn vàn ánh sáng lung linh cũng rực rỡ chẳng kém những đô thành hiện đại như Hà Nội, Đà Nẵng. Người dân xứ Huế không còn nhiều lo lắng khi phải đối mặt với bão lũ hàng năm, bởi nhà cửa nay đã vững chãi hơn xưa, kèm theo hệ thống đô thị hiện đại đảm bảo thành phố sẽ luôn được thông thoáng khi con nước về.

Ta chợt băn khoăn, kìa Huế đang thay da đổi thịt đó, vậy Huế xưa còn đâu?

Huế vẫn là Huế, vẫn mộng mơ yêu kiều nhưng cũng uy nghiêm trầm mặc. Hương Giang vẫn sẽ hiền hòa ôm ấp lấy Cố đô như bao đời nay luôn vậy. 124 năm trôi qua, cầu Trường Tiền vẫn kiên cường đứng đó, chứng kiến sự đổi thay của Huế thương. Những mái trường cổ kính vẫn đang ngày đêm nuôi dưỡng thế hệ tương lai của xứ Huế, thắp lên niềm hy vọng cho tương lai của Cố đô.

Đi tìm hình bóng Huế thươngBên cầu Trường Tiền trong đêm gió heo hắt, trông ra mặt sông Hương loang loáng những ánh đèn màu rực rỡ, ta thấy mình như đứng trên ranh giới của hai dòng chảy thời gian. Một Cố đô của quá khứ huy hoàng và một Thừa Thiên Huế hiện đại, năng động nhưng rất đỗi yên bình.

Huế tựa một bức tranh sơn thủy sâu thẳm, một khúc "Nam Ai Nam Bình" lắng đọng đến day dứt khôn nguôi về một vùng đất hội tụ hồn thiêng sông núi, đất trời, chất chứa cả tâm hồn thơ mộng, ngọt ngào khiến ai đi xa rồi cũng phải nhớ về xứ Huế, về để tìm lại một bóng hình Huế thương.

Đi tìm hình bóng Huế thương

Bài viết và đồ họa: Tùng Linh

Tùng Linh