e magazine
10/12/2024 14:09
Cuộc cách mạng cho kỷ nguyên vươn mình

10/12/2024 14:09

Những ngày qua, thông tin về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, tổ chức... không chỉ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông mà đã lan tỏa tới tận thôn, xóm các địa phương.

Cuộc cách mạng cho kỷ nguyên vươn mình

Những ngày qua, những thông tin về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất một số cơ quan, tổ chức... không chỉ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông mà đã lan tỏa tới tận thôn, xóm các địa phương.

Cuộc cách mạng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, ngày 1/12/2024.

KHÔNG THỂ CHẬM CHỄ HƠN ĐƯỢC NỮA

Thực tế, những ngày qua, tại một số cơ quan, tổ chức thuộc diện tinh gọn, sáp nhập có những cán bộ, người lao động tâm tư, lo lắng về tương lai của mình, trong đó có cả các phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, đa phần bày tỏ đồng tình và nhất trí cao với tinh thần quyết liệt của Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng này để đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Đến nay, việc triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn trùng lắp, chồng chéo, chưa rõ ràng, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Cuộc cách mạng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Do vậy, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay; được cán bộ, đảng viên và Nhân dân mong chờ, đón nhận với sự ủng hộ mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Theo yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện; phải thật khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương không chờ cấp tỉnh; cấp tỉnh không chờ cấp huyện; cấp huyện không chờ cơ sở.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thừa nhận, do công việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức, nên cần phải có sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Muốn vậy, phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tăng cường công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, phải thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.

Cuộc cách mạng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tổ chức phiên họp thứ nhất, ngày 19/11/2024. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

CÀNG LÀM SỚM CÀNG CÓ LỢI CHO DÂN, CHO NƯỚC

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, diễn ra ngày 1/12 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ chúng ta đã đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc và đây cũng là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: Đã đủ”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đặt vấn đề: “Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa”.

Theo Tổng Bí thư, đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước, vì đã nhiều Đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay.

Điều đó cho thấy, Đảng đã nhìn ra và thấy cần phải thực hiện nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra. Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó, vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức.

Dù nội dung này đã được chuẩn bị kỹ, bài bản, nhưng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản quyết liệt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì một cơ thể khỏe mạnh.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan Nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn (trừ những trường hợp thật sự cần thiết); tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 1/12/2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương. Tổng Bí thư đề nghị cấp ủy các cấp quán triệt, thực hiện tốt nội dung này.

“Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị từ Trung ương đến cơ sở phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị.

Cuộc cách mạng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, diễn ra ngày 1/12.

SỰ GƯƠNG MẪU, HY SINH CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương, người đứng đầu Đảng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở đã khẩn trương triển khai thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, đề án tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong đó, Chính phủ, Quốc hội cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy tại các bộ, ngành, ủy ban và các cơ quan trực thuộc với yêu cầu giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong.

Các địa phương cũng tích cực hưởng ứng triển khai đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Như tại Hà Nội, từ ngày 1/12/2024, thành phố cũng đã dừng việc thi tuyển công chức và bổ nhiệm cán bộ. Về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Hà Nội cũng sẽ tinh giản bộ máy như Trung ương.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 20, diễn ra ngày 4/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, thành phố sẽ tập trung cao độ cho việc chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và phải thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

"Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định với quyết tâm chính trị cao nhất để trong tháng 12/2024 và đầu tháng 1/2025, thành phố phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của Tổng Bí thư Tô Lâm. Thành phố đã cụ thể hóa bằng kế hoạch chỉ đạo và định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan cấp thành phố và cấp quận/huyện", Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nêu rõ, đồng thời lưu ý đây là việc làm rất khó vì liên quan đến tâm tư, tình cảm của cán bộ trong hệ thống chính trị; tuy nhiên vì yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, phải quyết tâm thực hiện.

Cuộc cách mạng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định với quyết tâm chính trị cao nhất để trong tháng 12/2024 và đầu tháng 1/2025, thành phố phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này, TS Đinh Duy Hòa, chuyên gia hành chính công, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho rằng, định hướng cải cách bộ máy của hệ thống chính trị thì thấy rất rõ lần này Trung ương, Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm thực sự quyết liệt triển khai cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị.

Theo TS Đinh Duy Hòa, những lần trước, chúng ta chủ yếu tập trung vào bộ máy nhà nước, cụ thể là bộ máy hành chính. Lần này, từ chỉ đạo của Trung ương, của Tổng Bí thư, chúng ta làm một cách toàn diện, tức là cả hệ thống chính trị, bao gồm 3 bộ phận là Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhà nước.

"Có thể thấy được tinh thần "nói đi đôi với làm" được thể hiện rất rõ qua các thông điệp, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây. Hiện các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã bắt đầu triển khai các phương án sắp xếp, sáp nhập. Hiện tại, chưa thể nói đầy đủ kết quả ngay được nhưng tôi hình dung kết quả của đợt cải cách này là rất lớn và mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả chắc chắn là đạt được", ông Hòa nói.

Theo TS Đinh Duy Hòa, trong đợt tinh gọn này, những cơ quan sáp nhập lại với nhau cũng như những cơ quan không bị sáp nhập đều phải xác định lại chính xác việc mình phải làm trong thời gian tới bởi có những việc cơ quan đó làm từ trước đến nay nhưng bây giờ trong điều kiện mới không nhất thiết phải làm nữa. Cũng có những việc cơ quan đó đang làm trực tiếp nhưng việc ấy có thể để cơ quan, tổ chức trực thuộc làm, thậm chí phân cấp cho địa phương.

Câu chuyện rà soát công việc mình đang làm có nên tiếp tục làm nữa hay không là việc cực kỳ khó khăn và phức tạp. Không phải cứ nhập vào là đã xong việc; phải liệt kê những công việc mình làm ra và đánh giá, vì vậy việc này không hề đơn giản. Nếu các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị làm việc này một cách nghiêm túc và bài bản thì sẽ là cơ sở quan trọng để thiết kế lại cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, mới có thể góp phần xóa bỏ sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc, thậm chí chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức; rồi tiếp đến mới là đổi mới phương thức làm việc cũng như câu chuyện chất lượng của đội ngũ cán bộ trong tổ chức.

TS. Đinh Duy Hòa cũng cho rằng, công cuộc cải cách lần này sẽ đụng chạm tới nhiều cơ quan, tổ chức, tới nhiều con người đang làm việc trong bộ máy. Từ chỉ đạo của Trung ương, chúng ta nghĩ ngay đến giải pháp đầu tiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn rất mạnh, đó là sự gương mẫu, hy sinh của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, mà trước hết là các đồng chí Ủy viên Trung ương.

"Người đứng đầu mà không gương mẫu thì chắc chắn không tạo ra sự lay động, sự lan tỏa. Vì vậy, giải pháp đầu tiên phải là tăng cường trách nhiệm và tinh thần dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, đặc biệt là của những người đứng đầu", TS. Đinh Duy Hòa chia sẻ.

Ông Hòa cũng cho rằng, khi sắp xếp, tinh gọn cần phải tính đến bảo vệ quyền lợi của những người bị ảnh hưởng thông qua sắp xếp tổ chức. Chúng ta thấy rõ ràng nếu bình thường thì không có chuyện ai đi ai ở, kể cả các đồng chí đang giữ cương vị lãnh đạo. Chúng ta cần đặt địa vị của mình vào những người này. Trước đây, chúng ta nói câu chuyện tinh giản biên chế là nhằm vào những người không đủ năng lực, nhưng lần này khi sáp nhập các cơ quan, thì không thể khẳng định tất cả cán bộ, công chức, viên chức dôi dư là người không đủ năng lực. Vì nhập lại nên có câu chuyện dôi dư người, vì vậy phải nghiên cứu để có các biện pháp về chính sách, chế độ phù hợp cho những người này.

Cuộc cách mạng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Cả hệ thống chính trị quyết liệt triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

KHÔNG CÓ CHÍNH SÁCH TỐT THÌ KHÔNG GIỮ LẠI ĐƯỢC CÁN BỘ CẦN GIỮ

Cũng liên quan đến việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, một nội dung rất quan trọng trong tổ chức sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng là cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng đáp ứng ngang tầm yêu cầu của thời kỳ mới. Do đó cần coi trọng cơ chế chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

“Thời gian trước đây khi thực hiện cũng có phần rất quan trọng là các chế độ chính sách. Bây giờ quy mô nền kinh tế và ngân sách lớn hơn rất nhiều so với trước đây, chúng ta có điều kiện để chăm lo. Việc sắp xếp ngoài mục tiêu tinh giảm để phục vụ cho sự nghiệp, thì người trong diện sắp xếp cũng là người dân, là cán bộ thì ta quan tâm đời sống cho họ cũng chính là thực hiện mục tiêu đất nước phát triển thì người dân phải được thụ hưởng thành quả”, bà Nguyễn Thị Thanh bày tỏ và đề nghị bổ sung vào báo cáo, viết sấu sắc nội dung là có cơ chế “hợp lý”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phải có cơ chế thật mạnh, vượt trội so với cơ chế trước đây để có thể khuyến khích người còn 2 năm, 3 năm, 4 năm sẵn sàng nghỉ để cán bộ trẻ, cán bộ được đào tạo ở trong hệ thống.

“Thời qian qua có xu hướng nhiều cán bộ chuyển từ công sang tư. Về tổng thể thì không có vấn đề gì, vì chúng ta đều quan tâm cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Nhưng nếu không cẩn thận, e rằng người từ công sang tư là người tốt, còn người không tốt, trung bình ở lại. Nếu không có chính sách tốt thì không giữ lại được cán bộ cần giữ, không đưa ra được cán bộ cần chuyển sang lĩnh vực khác”, bà Nguyễn Thị Thanh nói.

Cuộc cách mạng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, cần coi trọng cơ chế chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Ở góc độ người dân, ông Phạm Mạnh Tuấn (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, việc tinh giản bộ máy từ Trung ương đến địa phương hiện nay là rất cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, ông mong muốn khi triển khai, các cấp, ngành cần lưu ý một số vấn đề như tuyệt đối không biến chủ trương cải tổ, tinh giản thành loại bỏ đối thủ, người tài, tạo phe cánh; phải chọn được cấp trưởng là người giỏi nhất trong những người giỏi. Đặc biệt là cần phải có những chính sách thật tốt để những người thuộc diện tinh gọn sớm ổn định cuộc sống, bởi vì có thể sẽ có những gia đình có cả vợ và chồng thuộc diện tinh giảm họ sẽ rất khó khăn khi phải bắt đầu môi trường mới.

"Cuộc cách mạng nào cũng phải có hy sinh, khó khăn. Nhưng tôi cho rằng khi Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì mọi việc rồi sẽ nhanh chóng ổn định, đưa đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên mới", ông Tuấn chia sẻ.

Cuộc cách mạng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

VĂN HUY

Hậu Lộc