e magazine
22/07/2023 08:00
Bài 2: Những người gìn giữ di sản

22/07/2023 08:00

Tên quận Tây Hồ được đặt theo tên của Hồ Tây - hồ nước tự nhiên lớn nhất Hà Nội nằm trên địa bàn. Nói đến Tây Hồ, người ta nghĩ ngay đến mảnh đất đẹp, khí hậu mát mẻ, lá phổi của Thủ đô. Nói đến Tây Hồ, người ta còn nghĩ đến những địa danh đã đi vào lịch sử, gắn bó với người dân như Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc… Ngày nay, để giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá của mảnh đất này, cấp uỷ, chính quyền, người dân quận Tây Hồ còn chú trọng cả việc phục dựng, trùng tu các di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu nổi tiếng.

Di sản

Bài 2: Những người gìn giữ di sản

BÀI 2: NHỮNG NGƯỜI GÌN GIỮ DI SẢN

*NGƯỜI TRÔNG GIỮ ĐỀN ĐỒNG CỔ

Một ngày sau khi di tích đền Đồng Cổ với Hội thề Trung Hiếu được trao Bằng ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, chúng tôi có dịp đến thăm ngôi đền thiêng của mảnh đất Tây Hồ.

Tiếp chúng tôi, bác Hoàng Phạm Mưu - Trưởng Ban Quản lý đền vui vẻ dẫn đi thăm ngôi đền nhỏ và giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hoá trường tồn cùng thời gian.

Bác Mưu dù ở tuổi "thất thập cổ lai hi" song còn rất minh mẫn. Mở chiếc điện thoại thông minh, bác cho chúng tôi xem từng chiếc ảnh về hoạt động của Ban Quản lý, việc hương khói, vệ sinh khuôn viên, chăm sóc cây, đón tiếp các đoàn khách đến, trong đó có các nguyên thủ quốc gia, các vị tướng lĩnh đương thời cũng như đã nghỉ hưu.

Bài 2: Những người gìn giữ di sảnTheo lời của bác Mưu, khi vua Lý Thái Tông lên ngôi, lễ mừng đăng quang của vua diễn ra cả ở điện thiên an, nơi hoàng đế thiết triều và cả ở đền Đồng Cổ - nơi thờ vị thần đã nhiều lần hiển linh giúp vua dẹp tan cả giặc ngoại xâm và nội xâm.

Đây là một ngôi đền rất linh thiêng, được sắc phong là "Đồng Cổ linh từ". Ngôi đền mang nét kiến trúc đẹp của kinh thành Thăng Long xưa, là một trong 8 cảnh đẹp quanh Hồ Tây được nhắc tới trong “Thăng Long bát cảnh”.

Hằng năm, nước ta có hàng nghìn lễ hội, nhưng chỉ tại đền Đồng Cổ có Hội thề Trung Hiếu. Dù đã trải qua quá trình đô thị hóa nhưng những huyền tích về ngôi đền Đồng Cổ, về Hội thề Trung Hiếu đến nay vẫn luôn trường tồn với thời gian. Nếu đền Đồng Cổ ở Thanh Hoá là nơi báo mộng, thì đền Đồng Cổ ở Tây Hồ là nơi thờ linh vị thần để các quan đến thề. Đó thật là một niềm tự hào của mỗi người dân quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

“Lời thề Trung Hiếu” mang ý nghĩa thiêng liêng về tâm linh, đạo đức và pháp luật. Lời thề chính là đạo lí ngàn đời của người dân Việt Nam! Lời thề mang ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc một truyền thống tốt đẹp. Đó là yếu tố tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam. “Lời thề Trung Hiếu” là bài học đạo đức mà ông cha đã để lại cho con cháu muôn đời sau.

Thực tế, thời gian làm Trưởng ban Quản lý đền, bác Mưu đã không bị động trông chờ vào chỉ đạo của phường, quận mà chủ động học hỏi cách quản lý ở các nơi khác, vận dụng phù hợp vào việc quản lý ở đền Đồng Cổ.

“Năm nay phấn khởi lắm, vì tôi là người được mặc khăn xếp, áo the thay mặt anh em đón nhận Bằng Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ. Đây thật sự là vinh dự, nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm nặng nề của Ban Quản lý trong thời gian tới”, bác Mưu chia sẻ.

Cũng theo bác Mưu, việc quan trọng hơn cả là làm thế nào để thế hệ trẻ tiếp nối được truyền thống của ông cha, trân trọng, phát huy được giá trị lịch sử, văn hoá của di tích. Nơi đây cũng đã tiếp đón rất nhiều đoàn sinh viên các trường đại học, học sinh cấp 2, cấp 3 đến nghe lịch sử, chứng kiến một phần nghi lễ hội thề… Điều này là tín hiệu vui, hứa hẹn cho sự trường tồn của giá trị di sản này trong tương lai.

Ngoài việc trăn trở về ý thức của thế hệ trẻ, bác Mưu cũng mong muốn, TP Hà Nội sẽ quan tâm đến việc phục dựng lại cổng chính của đền cũng như giải phóng mặt bằng của các hộ dân đang sinh sống trên đất phía sau đền, đảm bảo công tác di dời song song với ổn định cuộc sống cho người dân.

Bài 2: Những người gìn giữ di sản
Bác Mưu (áo dài khăn xếp đỏ) cùng lãnh đạo quận Tây Hồ đón nhận quyêt định Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Là người hương khói hằng ngày ở đền Đồng Cổ, bác Trần Thị Nhung đã nhiều năm làm thủ nhang tại đây.

Theo bác Nhung, mình không phải là trường hợp nữ đầu tiên làm thủ nhang, mà trước đó đã có hai bác nữ, nay cũng đã trên 80 tuổi. Việc làm này do người dân trong làng tín nhiệm bầu ra nên những “nguyên tắc” trông coi đền đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Trước kia nữ giới không được thắp hương đền, nhất là ngày rằm, mùng 1, nhưng nay cùng với sự phát triển của xã hội, suy nghĩ này cũng cởi mở hơn. Song không vì thế mà những người nữ thủ nhang được phép tuỳ tiện.

Ví như việc, ngoài việc phải tạo cho mình tâm hồn thanh sạch thì khi dâng hương hoa, nữ thủ nhang đều rửa tay bằng rượu, tỏ lòng thành kính.

Bài 2: Những người gìn giữ di sản

“Mọi năm thì công việc vẫn cứ là hương khói hằng ngày, bảo vệ di tích, giữ gìn an ninh trật tự, chuẩn bị các khâu cho lễ hội Thề. Năm nay đón nhận danh hiệu lớn, tôi đảm nhận việc bao sái, phục vụ nghi thức lễ. Mọi thứ đều có sẵn trong đầu và làm rất quen rồi, nhưng năm nay dự báo khách rất đông và điều kiện bắt buộc là không được để bất cứ một sai sót nào, lượng cỗ bàn cũng lên đến hàng trăm mâm nên công việc đều được bàn bạc và lên kế hoạch cụ thể. Làm thế nào cho thật khớp là khó khăn nhất.

Chồng con tôi cứ bảo, nghỉ hưu rồi, ở nhà mà chơi với con cháu. Nhưng tôi lại nghĩ, còn cống hiến được ngày nào thì vẫn cứ làm. 24/7 đều có mặt ở đền. Ngày lễ tết thì 24/24h, từ 6h sáng đến 23h đêm, đêm giao thừa còn ở đền đến tận sáng sớm. Nếu không có sự ủng hộ của gia đình chắc chắn sẽ không làm được.

Từ năm nay, ngoài việc bảo vệ di tích lịch sử uy linh thì tôi và các ông bà trông coi đền còn có trách nhiệm phải quảng bá lịch sử và di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia đầu tiên của quận Tây Hồ, nhất là với du khách thập phương”, bác Nhung khẳng định.

Khác với bác Nhung, bác Nguyễn Thị Vân chỉ là một người dân chân chất của phường Bưởi. Ít có điều kiện học hành, bà Vân đến trông coi đền Đồng Cổ với lòng thành kính của một người dân trong làng.

“Công việc của tôi ở đền là bao sái, lên nhang, dâng trà. Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa. Tôi đến đây cảm thấy lòng thanh thản hơn, sống có trách nhiệm với gia đình, làng xóm hơn nên mọi việc không hề có sự sắp đặt, vụ lợi gì. Tôi cũng bảo ban con cháu về truyền thống của ngôi đền trên địa bàn phường để cả gia đình cùng góp phần nhỏ bé vào việc bảo vệ, chăm sóc, giữ gìn di tích này, nhất là giới thiệu cho bạn bè, du khách về lịch sử đền thiêng”, bà Vân chia sẻ.

Bài 2: Những người gìn giữ di sản Bài 2: Những người gìn giữ di sản

Có một điều đến lạ, là những người gắn bó với đền đều trẻ hơn nhiều so với tuổi đời. Như bác Mưu, bác Nhung hay bác Vân. Với đời, họ đã là ông bà nội, đã được “nghỉ ngơi” và nhờ cậy cháu con. “Nhưng với các di tích, di sản mang giá trị lịch sử, văn hoá, trách nhiệm với quê hương thì chúng tôi còn phục vụ được ngày nào thì còn cố gắng ngày đó”, các bác cùng chia sẻ.

*TIẾP NỐI, PHÁT HUY DI SẢN

Bài 2: Những người gìn giữ di sản

Một hoạt động nổi bật, lần đầu tiên có ở khu di tích đền Đồng Cổ đó là chương trình ngoại khoá tìm hiểu về di tích đền, Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ của học sinh Trường THCS Đông Thái hồi tháng 5 vừa qua.

Bà Trần Thị Hương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ chia sẻ với chúng tôi: "Không phải đến bây giờ việc giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh mới được ngành giáo dục quận triển khai. Mà cùng với hoạt động dạy, học văn hóa, ngành giáo dục quận luôn quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn. Qua đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Gần đây nhất, được sự chỉ đạo của quận, Phòng cũng đã chọn cử Trường THCS Đông Thái để tổ chức hoạt động ngoại khoá trải nghiệm học tập, nghe kể chuyện cũng như tổ chức các hoạt động ý nghĩa tại di tích lịch sử đền Đồng Cổ".

Bài 2: Những người gìn giữ di sản Bài 2: Những người gìn giữ di sản

Tại đây, thầy cô và học sinh nhà trường đã được tận mắt tìm hiểu những hiện vật, di sản… phản ánh một phần tiến trình lịch sử, văn hoá của đất và người Tây Hồ; Nghe kể về đền Đồng Cổ, chứng kiến một phần nghi lễ Hội thề Trung Hiếu, tham dự màn trống hội, vẽ tranh, thi tìm hiểu về lễ hội…

Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động giúp học sinh biết lịch sử truyền thống của địa phương, tự hào về mảnh đất ông cha; Đồng thời, nhắc nhở thế hệ trẻ không ngừng học tập, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hoá to lớn của các di tích trên địa bàn nói chung, di tích và di sản văn hoá phi vật thể Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ nói riêng.

Bài 2: Những người gìn giữ di sản

Là một trong những học sinh đầu tiên được tham gia trải nghiệm ngoại khoá ở ngôi đền linh thiêng, em Gia Bảo - Học sinh Trường THCS Đông Thái chia sẻ: “Em rất vui và tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại phường Bưởi - nơi có ngôi đền linh thiêng Đồng Cổ. Vì thế, lần đến đền với tư cách là một học sinh, em thật sự háo hức.

Việc được nghe cụ Mưu chia sẻ câu chuyện về đền cũng như trực tiếp xem cụ ông, cụ bà mô tả lại một phần nghi lễ Hội thề Trung Hiếu thật sự em thấy rất linh thiêng và thầm hứa phải cố gắng thật nhiều hơn nữa trong học tập cũng như là con ngoan của bố mẹ, trò giỏi của thầy cô. Em cũng mong ngày càng có nhiều học sinh được đến đây trải nghiệm để nâng cao ý thức học tập, rèn luyện, bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Bài 2: Những người gìn giữ di sản

Gia đình chị Ngọc Anh đã sống nhiều đời ở phường Bưởi. Cứ dịp lễ Tết hay đơn giản chỉ là mùng 1, hôm rằm hằng tháng, gia đình chị lại đến đền để dâng hương hoa, cầu may, bình yên và toại ước nguyện.

Lần này là dịp đặc biệt, chị Ngọc Anh đến đền vì con trai chị sắp tham gia kỳ thi quan trọng, căng thẳng của học sinh Hà Nội - kỳ thi vào lớp 10 công lập năm 2023.

Chia sẻ với PV, chị Ngọc Anh cho biết: “Đền thiêng lắm! Đến đền mà thành tâm thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Tôi và gia đình luôn tâm niệm, nếu mình có lòng thành kính, luôn biết bảo vệ và chống lại những tác động tiêu cực đến đền, thì ắt việc lớn hoá nhỏ, việc nhỏ hoá không có gì, cuộc sống an yên, như ý. Nhất là khi Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia thì người dân phường Bưởi thật sự vui mừng và yên tâm vì ngôi đền thiêng của làng sẽ nhận được sự quan tâm, bảo vệ và giữ gìn của nhiều cấp, nhiều ngành. Cũng từ đó mà mỗi người dân địa phương như chúng tôi sẽ phải có trách nhiệm cao hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ đền và phát huy di sản văn hoá phi vật thể này; Đồng thời quảng bá nhiều hơn nữa đến bạn bè, du khách…”.

Bài 2: Những người gìn giữ di sản

Tuy không phải người gốc phường Bưởi, nhưng gia đình bạn Vương Mạnh Đạt đã sinh sống ở đây 14 năm có lẻ. Bạn Đạt chia sẻ:

“Gia đình đã chuyển nhà vài ba chỗ nhưng thật sự ở phường Bưởi là lâu nhất. Từ nhỏ tôi cũng đã được bố mẹ dẫn đến đền Đồng Cổ mỗi dịp Tết đến xuân về. Trong kí ức của tôi thì đây vốn chỉ là nơi để bố mẹ đến dâng hương hoa sau thời khắc giao thừa. Đến khi lớn lên tôi mới dần nhận ra, đền Đồng Cổ với các nghi thức trong Hội thề Trung Hiếu thực sự không phải nơi nào cũng có. Vì thế, mỗi khi có dịp lễ hoặc trước khi phải trải qua một ngưỡng cửa nào đó, tôi lại đến đền.

Những lời thề gắn liền với Hội thề Trung Hiếu bao năm qua đã giúp tôi thực hiện tốt đạo làm con cũng như cống hiến, nhiệt huyết trong công việc hơn. Bây giờ thì thuận lợi hơn nhiều, người dân cả nước sẽ cùng với Nhân dân phường Bưởi giữ gìn và phát huy các giá trị quý báu của đền cũng như bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ”.

Bài 2: Những người gìn giữ di sản

Thực hiện: Hoa Thành

Hoa Thành