Với phương châm "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, những người lính ở Đồn Biên phòng Thanh Luông từ lâu đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho bà con 3 xã Thanh Nưa, Thanh Luông và Thanh Hưng. Họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, mà còn luôn chú trọng “3 bám, 4 cùng” với dân bản, tích cực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trong những ngày làm việc tại Đồn Biên phòng Thanh Luông, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện tích cực, nhiều chuyển biến về việc xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu trong cưới, tang, lễ hội, sử dụng nhiều rượu - bia…
Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số xã Thanh Luông có tập tục nuôi nhốt trâu, bò dưới gầm sàn, gây mất vệ sinh môi trường, tình trạng trâu bò, chết do bệnh dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra… Ngày nắng, chất thải bốc mùi hôi nồng nặc, ngày mưa nước thải chảy tràn ra sân, vườn, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Để khắc phục tình trạng trên, cán bộ Đồn Biên phòng và các tổ chức đoàn thể đã tích cực đến tận nhà tuyên truyền, vận động đồng bào đưa trâu bò ra khỏi gầm sàn để đảm bảo môi trường sống không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho cả người và vật nuôi. Các cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện di chuyển chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà.
“Người dân trong bản chúng tôi bắt tay làm theo lời của của cán bộ. Từ khi có chuồng nuôi, gia đình tôi bắt đầu phơi khô rơm rạ, tích trữ làm thức ăn không chỉ trong mùa đông mà quanh năm cho đàn trâu bò”, ông Lường Văn Công (bản Món, xã Thanh Luông, tỉnh Điện Biên) cho biết.
Cùng với đó, các nghi lễ rườm rà, tốn kém, các phong tục, tập quán trong nghi thức tổ chức ma chay, cưới hỏi cũng đều đã được rút gọn, giảm bớt. Lễ cưới trên địa bàn được thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, các cặp đôi đăng ký kết hôn trước khi tiến hành đám cưới. Tình trạng tảo hôn, thách cưới, ép duyên đã không còn trên địa bàn Thanh Luông. Đám cưới diễn ra trên tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống dân tộc, điều kiện kinh tế gia đình.
Đối với việc tang, ma chay, Nhân dân thực hiện nghiêm các quy ước, hương ước của thôn, bản về thực hiện nếp sống văn minh, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai tử; thực hiện đúng những quy định về giữ gìn vệ sinh trong việc chôn cất. Các phong tục, tập quán lạc hậu trong tổ chức đám tang được xóa bỏ, dân làng cũng không tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày, không mê tín như trước.
Trong phát triển kinh tế hộ gia đình, các chiến sĩ biên phòng luôn hướng dẫn cho bà con các kỹ thuật mới trong canh tác, tạo điều kiện cho bà con tăng gia sản xuất, khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.
Ví dụ, trước đây, dân bản quen dùng phân xanh, phân chuồng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, thì giờ đây, dưới sự hướng dẫn của các đồng chí biên phòng, bà con xóm bản đã biết kết hợp đa dạng nhiều loại phân vô cơ bán ngoài thị trường phù hợp với từng giống cây, từng chất đất. Kết quả, cây trồng đảm bảo điều kiện tốt, phát triển, vụ mùa bội thu, tăng năng suất cao hơn…
Chị Lò Thị Bình (sinh năm 1979), sống tại bản Bó, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên được cán bộ, chiến sĩ Đồn Thanh Luông phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ 40 cây bưởi da xanh |
Có được kết quả đáng mừng đó, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền, còn có sự chung tay của những người lính mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Thanh Luông. Họ đã thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” (Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) để giữ vững an ninh biên giới.
Sự hy sinh thầm lặng, sát cánh cùng đồng bào của các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thanh Luông là một trong những yếu tố quyết định sự bình yên cho thôn, bản. Bằng việc làm cụ thể, lúc trèo đèo lội suối tuyên truyền vận động người dân, khi đến từng nhà cầm tay, chỉ việc, không kể đêm, ngày, họ có mặt kịp thời khám bệnh, phát thuốc miễn phí chữa bệnh cho dân nên tình cảm quân dân nơi đây sâu nặng, gắn kết.
Ông Lò Văn Cương - Trưởng bản Pom Khoang, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên chia sẻ: “Ngay từ trước năm 2023, Đồn Biên phòng đã đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức những chương trình khám chữa bệnh, phát cấp thuốc miễn phí cho bà con chúng tôi. Các cán bộ, chiến sỹ thường xuyên lồng ghép, kết hợp nhiều hoạt động tuyên truyền về các vấn nạn, nguy hiểm của ma tuý, các phong tục, tập quán lạc hậu như ma cháy, cưới hỏi, giải thích rõ ràng để chúng tôi hiểu, làm và thực hiện theo”.
Nhờ bám dân, bám bản, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, lời nói đi kèm với hành động nên bà con dân bản nơi đây đã đặt trọn niềm tin vào các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Thanh Luông. Dân coi người lính biên phòng như những con, người cháu, người anh em ruột thịt trong nhà, khiến các anh trở thành điểm tựa vững chắc trong đời sống tinh thần của người dân bản.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Đại, để giúp bà con phát triển kinh tế, hằng năm, đơn vị lựa chọn ra mỗi xã một hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để mua giống cây trồng, vật nuôi hỗ trợ từ số tiền được trích từ tiền lương của các cán bộ. Nổi bật là việc hỗ trợ bà con trồng bưởi da xanh.
Chúng tôi có dịp tới thăm gia đình ông Lò Văn Đoàn (sinh năm 1960) tại bản Món, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. Nhìn vào căn nhà của của ông, mấy ai nghĩ rằng từng là đối tượng bị phạt 7 năm tù giam vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Ông Đoàn ra tù năm 2007 và lựa chọn lối sống hoàn lương. Nhận thấy sự cải thiện tích cực từ ông Đoàn, giai đoạn từ năm 2013 - 2017, Đồn Biên phòng Thanh Luông vận động quần chúng hỗ trợ giống lúa, con giống với số tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng/năm cho gia đình ông để phát triển kinh tế.
Năm 2018, 2019, cá nhân Thiếu tá Trần Ngọc Dũng, cán bộ tăng cường xã, kiêm Phó bí thư Đảng ủy xã) hỗ trợ từ 700.000 đồng - 1.000.000 đồng tiền giống để cho ông Đoàn phát triển sản xuất, nhờ đó gia đình ông đã thoát nghèo.
Cũng giống như ông Lò Văn Đoàn, chị Lò Thị Bình (sinh năm 1979), sống tại bản Bó, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cũng được cán bộ, chiến sỹ Đồn Thanh Luông phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ 40 cây bưởi da xanh.
Khuôn mặt rạng rỡ niềm vui, chị Bình chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc gia đình hộ cận nghèo, chồng tôi mất sớm khi các con còn nhỏ. Được sự quan tâm của “các chú Biên phòng”, đến nay 40 cây bưởi da xanh nhà tôi đã cho ra trái nhỏ và chờ thu hoạch.
Ban đầu khá lạ lẫm với loại cây này, cũng chẳng biết chăm bón như nào để cây cho ra quả. “Các chú Biên phòng” tận tình hỗ trợ, chỉ dạy “từ ly từng tí”. Tôi mong, đây sẽ là nguồn thu nhập thêm cho gia đình giúp cho các cháu được ăn học tốt hơn”.
Ông Lò Văn Hương (sinh năm 1975) - Trưởng bản Bó cho biết, mô hình hỗ trợ cây trồng, vật nuôi của Đồn Biên phòng Thanh Luông đã trở thành chiếc “cần câu”, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo.
“Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của bà con. Dân tin nên cố gắng học tập và làm theo, từ đó, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu, có được đời sống ấm no”, ông Hương nói.
Việc hỗ trợ cây trồng, vật nuôi hay trao "cần câu" để giảm nghèo bền vững trở thành điểm sáng của Đồn Biên phòng Thanh Luông. Hiện phong trào tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan toả trong nhiều lĩnh vực. Từ đây, đã xuất hiện nhiều nông dân xây dựng được mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Cà Văn Mấng (sinh năm 1984) ở bản Pom Khoang (Thanh Nưa, huyện Điện Biên) đang chăm sóc cây bưởi chờ ngày hái quả |
Cũng trong chuyến công tác, chúng tôi được gặp gỡ gia đình ông Cà Văn Mấng (sinh năm 1984) ở bản Pom Khoang (Thanh Nưa, huyện Điện Biên). Hồ hởi kể cho chúng tôi nghe, ông Mấng bảo, cây bưởi da xanh đã trở thành cây trồng chủ lực để gia đình có cuộc sống no ấm hơn.
Nhờ được các chiến sĩ biên phòng khuyến khích, hướng dẫn kỹ thuật, đến nay, ông đã trồng được 100 cây, trong đó 50 cây bưởi đã cho thu hoạch 15 - 20 triệu đồng/năm. “50 cây được Đồn hỗ trợ đợt 2 hiện đang phát triển tốt, thời gian tới sẽ cho thu hoạch” - ông Mấng vui mừng khoe.
Trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thanh Luông, chúng tôi hiểu rằng, việc tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vốn đã khó, việc để bà con quyết tâm phát triển, gia tăng kinh tế qua con giống, cây trồng, vật nuôi lại càng khó hơn gấp bội.
Đồng chí Phạm Ngọc Tuyên - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Luông giãi bày: “Thời gian đầu, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi bà con đã quen với tập quán canh tác lạc hậu cố hữu. Nhưng anh em trong đơn vị cứ cố gắng, không ngừng nỗ lực tìm kiếm, đưa ra giải pháp, xuống và ở với dân nhiều hơn. Từ đây, chúng tôi đã nhanh chóng gần gũi, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, từ đó, được bà con tin tưởng như người nhà”.
Từ chuyển đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, bà con khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Thanh Luông quản lý dần xóa bỏ được tập quán canh tác cũ, lạc hậu, đời sống vật chất và tinh thần ngày một nâng lên nhờ có vốn để phát triển sản xuất. Nhiều gia đình đã có vốn tích lũy, xây dựng được nhà ở khang trang. Đến nay, tỷ lệ hộ đói nghèo trên địa bàn 3 xã giảm rõ rệt, tình hình an ninh, chính trị ổn định, Nhân dân tích cực, hăng hái tham gia phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới.
Ngắm nhìn những chùm hoa bưởi trắng tinh khôi trong vườn của những hộ dân, những cánh đồng lúa bạt ngàn xanh ngắt, những ngôi nhà khang trang san sát ở bản làng Thanh Luông, Thanh Nưa, Thanh Hưng, chúng tôi hiểu rằng, đằng sau đó là biết bao tâm huyết, công sức và mồ hôi của những người lính áo xanh đã đổ xuống vì cuộc sống ấm no của người dân nơi phên dậu của Tổ quốc.
(Còn nữa)
|
Bài viết: Quỳnh Giang Trình bày: Phạm Mạnh |