Muốn bứt phá thì doanh nghiệp tư nhân phải nghĩ lớn, làm lớn
16:13 | 24/03/2025
Muốn thành công và bứt phá, doanh nghiệp tư nhân phải dám nghĩ lớn, làm lớn, dám thay đổi, nâng cao năng lực quản trị và tận dụng sức mạnh của khoa học - công nghệ.
Vốn rót cho doanh nghiệp tư nhân chiếm 44% dư nợ tín dụng Kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng |
Những thách thức lớn của kinh tế tư nhân
Trong bài viết Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá rất cao vai trò của khối kinh tế, doanh nghiệp tư nhân.
Mặc dù vậy, Tổng Bí thư cũng thừa nhận dù đóng góp ngày càng lớn, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí "không muốn lớn".
Ngoài những hạn chế nội tại, các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí còn để lãng phí.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro. Nhiều trường hợp quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản vẫn bị xâm hại bởi sự yếu kém hoặc lạm quyền của một số cán bộ công chức trong thực thi công vụ.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá rất cao vai trò của khối kinh tế, doanh nghiệp tư nhân. |
Tổng Bí thư nhận định, những hạn chế phát triển của doanh nghiệp tư nhân xuất phát một phần từ những bất cập của hệ thống thể chế và chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh. Những điểm nghẽn này không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, khiến tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua, mà còn cản trở nền kinh tế nâng cao giá trị gia tăng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, làm chậm tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu Nghị quyết của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân.
Hướng đến tầm nhìn chung của đất nước, theo Tổng Bí thư, kinh tế tư nhân cần xác định rõ hơn về sứ mạng và tầm nhìn của mình. Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế.
Cùng quan điểm với người đứng đầu Đảng, các chuyên gia cũng cho rằng, kinh tế tư nhân đang là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp lớn cho GDP và tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng, vươn lên dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Những điểm nghẽn về quy mô, năng lực cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực và tư duy quản trị đang là rào cản lớn, đòi hỏi một chiến lược toàn diện và mạnh mẽ để tháo gỡ.
Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi đã đưa ra một số thách thức lớn và giải pháp tháo gỡ khó khăn của kinh tế tư nhân hiện nay.
Hạn chế về quy mô và năng lực cạnh tranh: Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động rời rạc, thiếu liên kết chuỗi, khó tiếp cận thị trường quốc tế. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh từ các tập đoàn FDI ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu cấp bách về nâng cao năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Đối với vấn đề này, ông Huy cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng quy mô. Theo đó, Chính phủ có thể xem xét chính sách khuyến khích sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp cùng ngành để hình thành các chuỗi giá trị lớn mạnh; thúc đẩy mô hình “doanh nghiệp vệ tinh”, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với các tập đoàn lớn và doanh nghiệp FDI để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Rào cản trong tiếp cận nguồn lực (vốn, đất đai, nhân lực): Doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, vẫn gặp khó trong tiếp cận tín dụng do yêu cầu tài sản thế chấp và hồ sơ tài chính chưa minh bạch.
Đồng thời, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận mặt bằng sản xuất, trong khi quỹ đất vẫn chưa được phân bổ tối ưu. Các doanh nghiệp tư nhân cũng khó thu hút nhân tài do hạn chế về đãi ngộ, môi trường làm việc và cơ hội phát triển.
Nêu giải pháp cho việc này, ông Huy cho rằng, bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, các mô hình huy động vốn cộng đồng (crowdfunding) để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả hơn. Cùng với đó là cải cách chính sách đất đai, minh bạch trong quy trình cấp đất, ưu tiên doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi và sử dụng đất hiệu quả; tạo điều kiện để doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm đào tạo và cung ứng nhân sự có kỹ năng chuyên môn cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Hạn chế trong tư duy khởi nghiệp và năng lực quản trị: Nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn duy trì tư duy kinh doanh truyền thống, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đầu tư mạnh vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc quản trị doanh nghiệp còn mang tính cảm tính, thiếu chiến lược bài bản, đặc biệt trong các lĩnh vực như tài chính, nhân sự, vận hành.
Về giải pháp, cần nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp theo hướng tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản trị chiến lược, quản trị tài chính, quản trị vận hành, giúp doanh nghiệp chuyên nghiệp hóa hoạt động. Hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp theo hướng xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp (startup hubs), vườn ươm doanh nghiệp để cung cấp kiến thức, kinh nghiệm và kết nối nguồn lực cho các doanh nghiệp mới.
![]() |
ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi. |
Chậm chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ: Chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa tận dụng tối đa công nghệ để nâng cao năng suất, tối ưu chi phí và mở rộng thị trường.
Do đó, Nhà nước cần xây dựng nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp số hóa. Theo đó, Chính phủ có thể triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận công nghệ, tài trợ một phần chi phí cho việc chuyển đổi số; khuyến khích doanh nghiệp công nghệ lớn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong việc triển khai giải pháp số, tận dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để tối ưu hoạt động kinh doanh.
Môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính còn bất cập: Dù đã có cải cách, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng thủ tục hành chính phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí.
Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa quy trình đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Đồng thời cũng cần phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tiếp cận các ưu đãi, chính sách hỗ trợ như các thành phần kinh tế khác.
Kinh tế tư nhân đang đứng trước thời điểm quyết định
Theo ông Nguyễn Quang Huy, để kinh tế tư nhân bứt phá, chúng ta cần phải khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bài bản, đặt mục tiêu phát triển dài hạn, từng bước hình thành những tập đoàn tư nhân tầm cỡ khu vực.
Đồng thời phát triển các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và ươm tạo doanh nghiệp để nâng cao chất lượng khởi nghiệp. Cùng đó, cần kết nối doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước theo hướng tận dụng kinh nghiệm, công nghệ và thị trường từ các doanh nghiệp lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó là thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động, đưa chuyển đổi số vào chiến lược phát triển quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, chúng ta cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và thuận lợi, tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước thời điểm quyết định, hoặc tiếp tục đi theo lối mòn cũ, hoặc bứt phá mạnh mẽ để vươn lên. Muốn thành công, doanh nghiệp tư nhân cần dám nghĩ lớn, dám thay đổi, nâng cao năng lực quản trị và tận dụng sức mạnh của công nghệ.
Về phía Nhà nước, cần tiếp tục cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân thực sự trở thành mộ trong những động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế.
"Với một chiến lược đúng đắn, không xa nữa, chúng ta hoàn toàn có thể thấy những tập đoàn tư nhân Việt Nam sánh vai cùng các doanh nghiệp lớn trên thế giới, đóng góp mạnh mẽ vào sự thịnh vượng chung của đất nước", ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ.
Hậu Lộc